00:00 Số lượt truy cập: 2638446

Máy thái mứt của một nông dân sáng tạo 

Được đăng : 03/11/2016

Từ trước tới nay việc sản xuất mứt đều phải làm thủ công bằng tay, nông dân dùng dao để thái bí đỏ, dừa, cà rốt... thành hình miếng mứt theo yêu cầu của khách hàng. Nhất là vào những dịp lễ tết khi nhu cầu dùng mứt để làm nhân bánh tăng cao, người lao động phải mất rất nhiều công sức mà năng suất vẫn thấp, không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Trước thực trạng đó, nông dân Nguyễn Văn Sành ở thôn Thượng Dương, xã Nam Trung, huyện Nam Sách, Hải Dương đã sáng tạo ra máy thái mứt thanh, mứa hạt, giúp nông dân giải quyết khó khăn trên.


Chiếc máy đầu tiên được ông chế tạo vào năm 2005-2006. Lúc đó người dân địa phương có nhận hợp đồng chế biến nông sản xuất khẩu của tỉnh Hải Dương. Thấy nông dân chỉ làm bằng tay rất vất vả mà không có công nghệ nào thay thế nên ông đã nghiên cứu để chế tạo ra 1 chiếc máy thay sức người. Khi làm ông đã phải tính toán thống số kỹ thuật rất chi tiết và gặp rất nhiều khó khăn song vẫn kiên trì đầu tư cả về thời gian lẫn tiền bạc. Để thực hiện được ý tưởng của mình, ông phải đi mua ở cơ sở sắt vụn, tìm tòi các vật liệu còn khả năng dùng được về và chế tạo qua nhiều lần. Chiếc máy đầu tiên ông chế ra khi cho chạy thử nó rung tít, không đứng yên mà còn xoay đi xoay lại, ông đành phải dừng lại. Nghĩ phần tốc độ của máy không ổn, ông tìm tòi tính toán mãi rồi cũng khắc phục được nhược điểm và đưa vào thái thử lần 2. Lần này càng gặp khó khăn hơn khi kiểm tra sản phẩm thấy bị dập nát nhiều. Dao dài 20cm lại được chia thành 23 lưỡi rất cần đến độ sắc và chất thép có chất lượng. Ông làm đi làm lại mà vẫn không được, có lúc nó rối tung ra vì dao không được phép hàn, lưỡi dao rất mỏng, khi hàn nó bị phân hóa và dãn nở không khắc phục được. Gặp phải nhiều khó khăn, ông đã từng nản lòng, nhưng được sự động viên của bà con, ông lại miệt mài tìm hướng khắc phục. Ông nghĩ, phần dao độ thép rất hợp lý, cách làm cũng đã hoàn chỉnh rồi, chỉ còn cách khắc phục phần ma sát nữa là được vì khi máy thái ông nghe có tiếng bịch bịch cảm giác nó không thoát ra được. Ông quyết định xử lý phần dưới của dao cho bé đi, dao chia cho thật mỏng, độ phẳng thật cao, các thanh chắn gỗ thật khít. Khi đã khắc phục xong, ông cho chạy thử máy lần thứ 3, lần này máy chạy rất tốt, sản phẩm ra rất đều, độ mỏng chính xác rất cao. Được sự ủng hộ của bà con, ông chế tạo hàng trăm máy cho nhân dân trong xã để chế biến nông sản xuất khẩu. Vụ sơ chế mứt năm đó xã ông nhập về 100 tấn quả bí đỏ và hoàn thành đúng tiện độ đã đề ra một cách nhẹ nhàng. Cách đây 2 năm ông đã cải tiến chiếc máy này thành máy thái mứt và khó nhắt là thái mứt hạt vì nó thái vuông mỗi cạnh 6mm.

Hiện máy thái mứt của ông gồm các bộ phận chính: Một ống thép dài 12cm được tiện lắp bi hai đầu. Một trục thép được tiện lắp vào giữa ống xuyên qua hai vòng bi, một đầu thò dài 5cm. Một buly tròn đường kính 30cm ở giữa có lỗ để lắp vào đầu trục trong ống. Một tay đòn được lắp bi hai đầu dài 74cm. Một hộp hình chữ nhật dài 22cm, rộng 14cm có rãnh mang cá để trượt, tiến, lùi. Thanh trượt và một bàn đòn để lắp dao hình bàn mai dài 35cm lắp vào hộp rãnh mang cá trên. Một dao thái rộng 10cm, dài 23cm và có lưỡi dao nhỏ cao 1,4cm và phân khoảng từ 0,6mm trở lên, phần dao phải thật thẳng phân chia thật đều, thật sắc, phần dưới dao dài 18cm lắp gần dao phân chia bản của đế dao rộng 1,2cm nhỏ hơn mặt dao trên 9 lần để giảm ma sát, cho sản phẩm được nhẵn đều phải làm bằng thép tốt. Một thanh chắn để khi thái dài 44 cm, rộng 4,5cm, cao 3cm. Dây curoa dài 48cm. Một bộ khung máy hình chữ nhật cao 40cm, rộng 40cm, dài 90cm. Các nguyên liệu được ông chế ra máy đều rất đơn giản, được ông mua tại địa phương một cách dễ dàng.

Từ khi có chiếc máy do ông chế tạo ra, các cơ sở sơ chế nông sản tại địa phương không phải làm bằng tay, năng suất cao lên gấp hàng chục lần. Một chiếc máy chạy 1 ngày bằng từ 20-50 người làm bằng tay. Giáp pháp của ông hỗ trợ nhà nông rất tích cực trong việc tiêu thụ nông sản, không lo về nhân lực khi đến thời vụ, hợp đồng chế biến đảm bảo đúng thời gian. Hiện chiếc máy của ông không chỉ được sử dụng rộng rãi trên địa bàn tỉnh Hải Dương mà còn được chuyển giao công nghệ cho các tỉnh như Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nội, Hòa Bình,...