Miền Bắc: Thoát đạo ôn lá, hứng đạo ôn cổ bông
Được đăng : 03/11/2016
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN - PTNT), vụ ĐX 2009 bệnh đạo ôn hại lá bùng phát mạnh tại 10 tỉnh gồm: Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Bắc Ninh, Hà Nội, Điện Biên trong đó “quê hương 5 tấn” bị “dính” nặng nhất (35.000 ha).
GĐ Trung tâm BVTV phía Bắc, ông Trần Quyết Tâm cho biết, tổng diện tích nhiễm bệnh đạo ôn lá toàn vùng là 60.082 ha, cao gấp hơn 3 lần so với diện tích nhiễm năm 2007 và 2008. Trong đó 3.880 ha lúa nhiễm nặng (cao gấp gần 10 lần năm 2008), khoảng 100 ha bị lùn, lụi. Bệnh đạo ôn hại lá chủ yếu trên các giống nhiễm: Nếp, Tạp giao, Q5, BC15, PD2, TBR1…tỷ lệ bệnh phổ biến từ 3-5%, nơi cao 30-40%, từ cấp 3 đến cấp 5 (nhiễm cục bộ) 70-100%, cấp 5 đến cấp 7 gây lùn, lụi trên giống BC15, nếp, Q5, Tạp giao…
Cục trưởng Cục BVTV, ông Nguyễn Quang Minh nhận định: Từ tháng 3 đến nay thời tiết âm u, nắng ít lại xuất hiện nhiều đợt mưa phùn và mây mù, là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại. Cơ cấu các giống nhiễm đạo ôn lá tăng hơn so với các năm trước, nhất là giống BC15, Bắc thơm số 7 do vậy năng suất vụ ĐX toàn vùng năm nay sẽ không bằng năm ngoái.
“Những diện tích phun trừ đúng kỹ thuật, không gặp mưa thì bệnh ngừng phát triển, để lại vết mãn tính. Những ngày cuối tháng 3 và đầu tháng 4 mưa rào rải rác nên nhiều diện tích phun thuốc, gặp mưa nông dân phải phun lại, hoặc không phun kịp dẫn đến lúa bị lùn, lụi. Tôi mới đi kiểm tra ở Hải Dương thấy vết bệnh đạo ôn mãn tính còn nhiều, bào tử đạo ôn dày đặc nếu không phòng trừ chắc chắn sẽ tiếp tục nhiễm đạo ôn cổ bông”- ông Minh nói.
Chi cục trưởng Chi cục BVTV Thái Bình, ông Phạm Văn Nhạc cho biết: Vụ ĐX 2009 Thái Bình gieo cấy 83.000 ha, trong đó giống ngắn ngày chiếm tới 93%. Chính vì ồ ạt đưa giống ngắn ngày vào nên từ đầu tháng 3, bệnh đạo ôn lá xuất hiện. Ban đầu rải rác ở các huyện phía Nam, sau đó lan ra toàn tỉnh với 35.000 ha bị nhiễm, trong đó 9.000 ha giống lúa BC15 nhiễm nặng. "Theo báo cáo của các địa phương, tổng diện tích lúa lùn lụi, mất trắng do đạo ôn lá khoảng 60 ha nhưng chúng tôi nhận định con số thiệt hại phải gấp 3 lần. Nếu thời tiết không thuận lợi, từ nay đến cuối vụ diện tích nhiễm đạo ôn sẽ thiệt hại khoảng 20% số bông, có ruộng giảm 50 - 60% năng suất "- ông Nhạc nhận định.
Ông Trần Ngọc Chính, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Nam Định cho hay, toàn tỉnh có 13.071 ha lúa nhiễm đạo ôn lá, gấp hơn 4 lần vụ xuân 2008. Nặng nhất là các huyện phía Nam tỉnh, nhiễm đạo ôn lá chủ yếu trên các giống nhiễm như BC15, T10, Bắc thơm 7...
Cục trưởng Nguyễn Quang Minh cho biết, dự báo từ nay đến cuối tháng 4 vẫn tiếp tục có mưa, mưa rào rải rác. Bệnh đạo ôn cổ bông sẽ phát sinh gây hại trên những diện tích lúa trỗ. Đặc biệt bệnh sẽ tàn phá các giống nhiễm như BC15, Q5, Nếp, BM98-20, Tạp giao…nhất là những diện tích bị nhiễm đạo ôn trên lá nặng. Vì vậy đề nghị các tỉnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ thời tiết và bệnh hại lúa để phòng trừ kịp thời.
Cũng theo ông Minh, đối với diện tích lúa trổ từ nay đến 5/5 nhất thiết phải phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông, ruộng nặng thì phải phun kép. Rầy cám lứa sẽ nở rộ gây hại diện rộng từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 trên các trà lúa sớm, trà chính vụ ; chủ yếu các giống Bắc thơm 7, Q5, Tạp giao, nếp khả năng gây cháy nếu không phòng trừ kịp thời. Chi cục BVTV các tỉnh cần tăng cường kiểm tra chất lượng, giá cả thuốc BVTV nếu đại lý tự ý tăng giá phải kiên quyết xử lí...
* Theo Cục BVTV, hiện sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 hại lúa sớm, lúa chính vụ giai đoạn đứng cái làm đòng, mật độ nơi cao 10 - 40 con/m2 với 11.487 ha nhiễm nặng. Rầy nâu và rầy lưng trắng hại diện hẹp trên lúa sớm, giống nhiễm mật độ phổ biến 100-150 con/m2, nơi cao 200-400 con/m2; trứng mật độ 400-800 ổ/m2 , cao 2.400 ổ/m2 (Ninh Bình, Hải Dương) với diện tích nhiễm rầy lứa 1 là 522 ha. Sâu non lứa 1, sâu đục thân 2 chấm cũng gây dảnh héo ở diện hẹp trên trà lúa sớm...