00:00 Số lượt truy cập: 3228610

Mở rộng thị trường tiêu thụ lúa, gạo, cá tra, một giải pháp phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long 

Được đăng : 03/11/2016
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, từ đầu năm đến nay, kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có những bước tăng trưởng đáng khích lệ, tuy nhiên, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế đạt thấp so với kế hoạch.

Phấn đấu đến cuối năm 2012, Đồng bằng sông Cửu Long đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế là 12%, thu nhập bình quân đầu người 30 triệu đồng/năm, tổng vốn đầu tư xã hội đạt 200 nghìn tỉ đồng, đồng thời thu ngân sách nhà nước đạt 34 nghìn tỉ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 9 tỉ USD... Để có thể đạt được các chỉ tiêu trên, đồng thời làm nền tảng căn bản cho phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo, khu vực này cần có giải pháp trước mắt và lâu dài một cách căn cơ.

Thành phố Cần Thơ, địa phương được coi là đầu tàu phát triển kinh tế của khu vực này cũng có nhiều chỉ tiêu đạt thấp trong 6 tháng đầu năm 2012, theo Ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, so với kế hoạch, giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố đạt hơn 41%. Thu ngân sách nhà nước chỉ đạt khoảng 34,7%, kim ngạch xuất khẩu đạt 40,5%... Nguyên nhân chủ yếu do giá cả nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất tăng, lãi suất ngân hàng những tháng cuối năm 2011 và đầu năm 2012 đứng ở mức cao... khiến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, do năng lực còn hạn chế, chủ yếu là việc lập các dự án khả thi khiến nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng. Đến cuối tháng 6/2012, trên địa bàn thành phố có hơn 600 doanh nghiệp tạm ngưng hoặc ngưng hoạt động, hơn 150 doanh nghiệp đóng mã số thuế... Những nguyên nhân này khiến sản xuất công nghiệp chậm lại, tình hình thu ngân sách trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn.

Còn đối với Bến Tre, địa phương có khoảng 40% tổng số hộ tham gia trồng dừa, giá trị sản xuất từ cây dừa chiếm khoảng 20% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; chiếm 17% giá trị sản xuất của ngành chế biến, chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu... Tỉnh Bến Tre cũng có hơn 1.600 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh các sản phẩm từ cây dừa; giải quyết việc làm cho hơn 17 nghìn lao động. Vì vậy, cây dừa có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh này. Tuy nhiên, do giá dừa trái và các sản phẩm từ dừa giảm mạnh khiến ngành dừa của tỉnh thời gian qua gặp nhiều khó khăn... Cụ thể: giá dừa trái giảm 9 lần so với tháng 10/2011, giá cơm dừa nạo sấy xuất khẩu giảm trên 60%, than thiêu kết giảm 27%, chỉ xơ dừa giảm 11%... Ngành dừa gặp khó khăn, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu nhập, đời sống của nhiều hộ dân và ảnh hưởng lớn đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế của tỉnh.

Nhiều ý kiến của các địa phương và chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh tế Đồng bằng sông cửu Long gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua là do nhiều nguyên nhân, trong đó có giá nhiều loại hàng hóa nông sản - thủy sản , nhất là lúa - gạo, tôm nguyên liệu... giảm. Việc giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về công tác đền bù giải phóng mặt bằng và điều chỉnh vốn, công trình, dự án đầu tư theo chỉ thị số 179/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, 6 tháng đầu năm 2012, tốc độ tăng trưởng kinh tế của toàn vùng đạt 9,5%, bằng 75% kế hoạch.

Để kinh tế toàn khu vực vượt qua những khó khăn trong thời gian từ nay đến hết năm 2012, Đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị; xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, phấn đấu năm 2012, khu vực này đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế là 12%, thu ngân sách nhà nước đạt 34 nghìn tỉ đồng và kim ngạch xuất khẩu đạt 9 tỉ USD... Để đạt được các mục tiêu vừa nêu, làm nền tảng căn bản cho những năm tiếp theo, theo ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long cần xác định đúng thế mạnh, tiềm năng của từng địa phương để xây dựng chính sách thu hút đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm theo hướng liên kết vùng. Trước mắt, tập trung liên kết phát triển nông nghiệp có năng suất, chất lượng, hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới. Khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp, nhất là nghiên cứu, có chính sách đặc thù đối với các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng, đó là lúa, trái cây và cá. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, mở rộng tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản....

Các địa phương cũng đề nghị Trung ương tiếp tục chỉ đạo các ngành hữu quan có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tìm giải pháp mở rộng thị trường tiêu thụ lúa, gạo, cá tra... vốn là các sản phẩm sản xuất, xuất khẩu chủ lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cần có cơ chế mạnh mẽ trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và thủy sản cho khu vực này. Bên cạnh tìm giải pháp thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm của khu vực bao gồm các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và thành phố Cần Thơ, Chính phủ và các bộ ngành hữu quan cần có sự quan tâm đến công tác nạo vét, chỉnh trị luồng Định An, mở thêm các chuyến bay nội địa, quốc tế đối với Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ...