00:00 Số lượt truy cập: 3231088

Mong manh những con đê trước mùa mưa bão 

Được đăng : 03/11/2016
Dù chưa thực sự bước vào cao điểm của mùa mưa bão năm 2009 nhưng mưa lớn và cơn bão số 1 đã kịp gây ra những hậu quả nặng nề, thậm chí còn gây vỡ đê ở một số tỉnh miền Trung.

Trong khi đó, công tác tu bổ đê, kè vẫn chưa được các ngành chức năng quan tâm đúng mức. Bởi thế, tại nhiều tuyến đê xung yếu của các địa phương vẫn còn tình trạng xâm lấn, vi phạm hành lang...

Đã đến lúc, ngành chức năng cần có những giải pháp mạnh để lập lại an toàn hành lang đê điều, chuẩn bị cho mùa mưa bão đang đến gần.

Bài 1: Đê điều... “kêu cứu”!

Mùa mưa bão đang cận kề nhưng một số tuyến đê ở Hải Dương đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại do nạn khai thác cát trái phép. Đã có nhiều thiệt hại to lớn do vỡ đê gây ra nhưng việc bảo vệ, tu bổ một số tuyến đê vẫn chưa được các ngành chức năng quan tâm đúng mức.

Đê biến thành đường

Hệ thống đê sông Thái Bình được coi là tuyến đê có tầm quan trọng đặc biệt, nhất là đối với tỉnh Hải Dương. Những năm qua, tuyến đê này thường xuyên được tu bổ, bảo vệ, tuy nhiên, ở một số điểm vẫn còn tồn tại tình trạng khai thác cát trái phép, nhiều bãi sông trở thành nơi tập kết vật liệu xây dựng, cùng với đó, lưu lượng xe tải trọng lớn hoạt động đã ảnh hưởng đến chất lượng của tuyến đê.

Từ lâu, tuyến đê hữu sông Thái Bình thuộc địa phận xã Đức Chính (Cẩm Giàng - Hải Dương) đã phải oằn mình hứng chịu những đoàn xe chở vật liệu xây dựng với tải trọng lớn.

Theo ông Nguyễn Văn Thơi, Chủ tịch UBND xã Đức Chính, đoạn đê hữu sông Thái Bình thuộc địa phận của xã có chiều dài 2,5km nhưng đang tồn tại nhiều nghịch lý. Trên đoạn đê này có tới 4 công ty khai thác cát, kinh doanh vật liệu xây dựng. Do vậy, khu bãi sông đương nhiên trở thành các điểm tập kết vật liệu xây dựng. Cùng với đó, các tàu hút cát hoạt động hết công suất khiến diện tích đồng ngoài sông bị sạt lở nghiêm trọng, ngoạm dần vào trong đê. Khu đồng ngoài đê có diện tích gần 200ha, thế nhưng “vựa cà rốt” lớn này đang bị tàu hút cát “nuốt” gần 4 mẫu đất/năm. “Chúng tôi đành bất lực dù đã có nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng này”, ông Thơi cho biết.

Nghiêm trọng nhất là tình trạng những đoàn xe trọng tải lớn ngày đêm rầm rầm chạy trên đoạn đê này khiến mặt đê bị băm nát. Theo quy định, chỉ có xe tải trọng dưới 10 tấn mới được lưu thông, nhưng hầu hết xe lưu thông trên đoạn đê này đều có tải trọng vượt mức cho phép, thậm chí nhiều xe còn có tải trọng 30 - 50 tấn.

Ông Thơi cho biết, mỗi ngày có tới hàng nghìn lượt xe ngang nhiên hoạt động trên đoạn đê này. Điều này lý giải vì sao tuyến đê dù mới được gia cố nhưng nhiều đoạn đã bị liệt vào điểm xung yếu. Tình trạng này tồn tại đã gần 3 năm nay khiến người dân hết sức bức xúc. Người dân Đức Chính vẫn chưa quên lần vỡ đê năm 2008 làm vựa cà rốt chìm trong biển nước, gây thiệt hại hơn 30 tỷ đồng.

Vỡ đê, làng bị cô lập

Thôn Hữu Trung nằm sâu trong vùng đê bối thuộc xã Hà Thanh (Tứ Kỳ - Hải Dương), có diện tích đất tự nhiên hơn 200ha, 386 hộ dân (1.200 khẩu). Giao thông đi lại khó khăn do 3 mặt của thôn giáp với sông Luộc nên mỗi mùa mưa bão, Hữu Trung thường biệt lập với các làng, xã khác. Theo người dân, trước đây, làng Hữu Trung tiếp giáp với thôn Bình Cách. Sau trận lụt năm 1971, làng được chuyển xuống cuối vùng bối để lấy chỗ mở cửa tràn khi cần thiết.

Từ đó, việc canh tác của người dân thuận tiện hơn vì đồng ruộng màu mỡ, song năm nào họ cũng phải đối mặt với ngập lụt. Cũng từ khi chuyển xuống vị trí này cho đến nay, đoạn đê bối quanh làng đã năm lần vỡ, nhà cửa, tài sản của người dân bị thiệt hại nặng nề. Mỗi lần vỡ đê, thôn như một hòn đảo trơ trọi giữa mênh mông biển nước.

Theo ông Nguyễn Trí Quốc, Trưởng thôn Hữu Trung, do thường xuyên phải sống chung với lũ lụt nên người dân trong thôn luôn cảnh giác cao độ với các đợt bão lụt. Sau mùa mưa bão, thôn lại thực hiện tu bổ cho đê. Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát trái phép đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của đê và hệ thống kè bảo vệ.

Ông Phạm Văn Huân, Bí thư Chi bộ thôn Hữu Trung cho biết: “Ba năm trở lại đây, tình trạng khai thác cát trái phép ngày càng gia tăng, thời điểm nhiều có đến hơn trăm chiếc thuyền hút cát, chúng thường tổ chức hút cát vào ban đêm. Việc khai thác cát không theo quy định đã làm một số kè bảo vệ đê bối bị lún, sụt, nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp can thiệp. Trước tình trạng tuyến đê bối ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, người dân thôn Hữu Trung đang rất hoang mang, lo lắng khi mùa mưa bão đang đến gần”!

Bài II: Xuống cấp nhưng chậm được tu bổ