Nhiều năm nay, chị Triệu Thị Vân, 42 tuổi, người Dao" ở xã Thượng Long (Yên Lập - Phú Thọ) đã trở thành nhân tố tích cực trong phong trào phát triển kinh tế của địa phương. Nhờ phát triển mô hình VAC, chị có thu nhập 100 triệu đồng/năm".
Trước đây, gia đình chị làm tới 1 mẫu ruộng (3.600 m2). Nhiều ruộng là vậy nhưng năm nào gia đình cũng thiếu ăn 3 - 4 tháng. Nguyên nhân lớn nhất là do chưa biết cách thâm canh nên năng suất lúa chỉ đạt 40 - 50 kg/sào. Chị phải thường xuyên vào rừng bổ củi bán lấy tiền đong gạo. Năm 1993, nhờ chủ trương giao đất giao rừng, chị bàn với chồng nhận 9 ha đất đồi núi trọc để phát triển mô hình kinh tế VAC. Để nắm vững cách ươm trồng, hàng ngày, chị tìm đến các cơ sở ươm cây giống để học hỏi kỹ thuật. Có sẵn hơn 100 cây quế đang có hạt quanh nhà, chị bèn hái hết số quả đó, mua thêm hạt keo, đem ươm để lấy cây giống. Cách làm này đã giúp chị giảm được chi phí đầu tư ban đầu.
Chỉ có 2 triệu đồng vay ngân hàng, chị thuê người cùng vợ chồng chị trồng hết diện tích đất rừng được giao. Trong đó, 6 ha chị trồng 15.000 cây quế, 3 ha trồng 13.000 cây keo. Hai năm đầu, khi cây chưa khép tán, chị trồng xen sắn để lấy ngắn nuôi dài. Kết quả, mỗi năm chị thu được 10 tấn sắn tươi. Thấy việc làm ăn có hiệu quả, chị tận dụng đất quanh nhà và thuê thêm đất của bà con để ươm cây giống. Ngoài ra, chị còn đào 400 m2 ao, mỗi năm thả 100 kg cá giống; trong chuồng nuôi 3 con lợn nái, 60 con lợn thịt, 60 - 70 con gia cầm/đợt. Trong 3 năm trở lại đây, mỗi năm chị thu 3 tấn lúa, 6 tấn sắn tươi, bán ra thị trường 3 - 3,5 tấn vỏ quế tươi, 50 - 60 vạn cây giống, 6 - 7 tấn lợn hơi, 5 - 6 tạ gia cầm, 4 - 5 tạ cá; trừ chi phí, chị còn lãi 90 - 100 triệu đồng/năm. Chị đã mua máy cày, bừa, máy xay xát, xây hầm biôga, tham gia đầy đủ công tác từ thiện ở địa phương. Chị còn bán chịu cây giống cho bà con nghèo, số tiền lên tới 40 triệu đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 6 - 8 lao động.