00:00 Số lượt truy cập: 2667173

Một mô hình liên kết cần nhân rộng 

Được đăng : 03/11/2016
Vượt hơn 20km đường đồi lởm chởm đá, chúng tôi đến trang trại của anh Trịnh Văn Tiến ở thôn 12, xã Đông Sơn (thị xã Tam Điệp - Ninh Bình). Trang trại nằm giữa vùng sơn cước, khá khang trang, hiện đại với đa dạng các chủng loại vật nuôi như nhím, hươu, cá chim trắng...

Đàn hươu sao của gia đình anh Tiến.

Anh Tiến được bà con biết đến với vai trò là người đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế VAC ở địa phương. Từ mảnh đất cằn cỗi, lởm chởm sỏi đá, bằng đôi bàn tay, khối óc, cộng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh đã biến vùng đồi hoang thành... đất vàng.

Khó khăn không chùn bước

Vốn xuất thân từ gia đình nông dân, lại đông anh em nên kinh tế gia đình anh Tiến chẳng khấm khá gì. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 1989, lúc này cả gia đình 12 miệng ăn đều trông cả vào anh. Nghèo khó ló cái khôn, sau nhiều đêm trăn trở, và qua các phương tiện thông tin đại chúng, anh nhận thấy vùng đất đồi của địa phương rất thích hợp với mô hình trang trại tổng hợp theo hướng VACR. Sau khi đã xác định được mô hình, anh lại đi tìm địa điểm lập trang trại. Qua nhiều ngày nghiên cứu thực địa, anh quyết định mở trang trại ở vùng đất đồi hoang. Nhiều người trong gia đình phản đối nhưng anh giải thích: Nằm xa nơi dân cư, vật nuôi sẽ phát triển tốt hơn, ít bị dịch bệnh.

Đầu năm 2001, anh bắt tay vào xây dựng trang trại, khi ấy đường sá đi lại rất khó khăn, mỗi lần muốn vào trang trại phải đi bộ gần 10km đường đồi núi. Để có lối đi thuận tiện, hơn một năm trời anh tự tay đào đất, san phẳng, một mình hì hục làm hơn 5km đường đồi núi và đưa máy móc vào xây dựng trang trại.

Với anh Tiến, nhím là động vật dễ nuôi.

Ban đầu, do vốn ít, cộng với kinh nghiệm chưa có, anh không dám đầu tư nhiều. Anh vay được hơn 100 triệu đồng, tiến hành nuôi - trồng thử hơn 30 loại cây - con đặc sản như thỏ, lợn rừng, hươu, nhím, cá chim trắng... Sau đó thấy loại nào cho năng suất, hiệu quả cao anh mới đầu tư vào nuôi - trồng đại trà.

“Có sức người sỏi đá cũng thành cơm"

Năm 2002, anh bắt tay vào nuôi nhím. Theo anh, nhím là động vật dễ nuôi, anh ví chúng như “cỗ máy in tiền”. Từ khi nuôi đến nay, anh chưa thấy nhím mắc bệnh gì nghiêm trọng. Hơn nữa nhím còn là động vật ăn tạp, thức ăn của chúng đa dạng và rẻ. Nhím thành phẩm bán với giá rất cao, bình quân 500.000 - 700.000 đồng/kg. Thịt nhím không chỉ là loại thực phẩm ngon, chúng còn được sử dụng để làm thuốc chữa bệnh. Ban đầu, anh chỉ dám đầu tư nuôi thử 6 con, đến nay đàn nhím của gia đình đã lên tới 120 con, hàng năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng.

Không dừng lại ở đó, anh tiếp tục đầu tư nuôi thỏ, nhưng nhận thấy hiệu quả kinh tế không cao, thỏ lại dễ mắc bệnh nên anh chuyển sang nuôi hươu. Anh tâm sự: “Nuôi một con bò bằng nuôi 5 con hươu, trong khi lãi 1 con hươu bằng 2 con bò”. Đến nay, đàn hươu của gia đình anh lên tới hơn 40 con.

Là người đi trước và thấy được hiệu quả từ mô hình kinh tế của gia đình mình, anh bắt đầu tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ vốn cho bà con cùng làm. Năm 2005, anh đứng ra thành lập Câu lạc bộ nuôi - trồng cây - con đặc sản. Lúc đầu CLB chỉ có 12 thành viên chính thức và 40 thành viên liên kết, nhưng nay tăng lên 40 thành viên chính thức và 80 thành viên liên kết. Hội viên cùng trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau phát triển và tuyên truyền cho người dân thấy được tiềm năng phát triển của mô hình kinh tế VAC, giúp đỡ vốn, kỹ thuật, thậm chí tìm đầu ra cho sản phẩm. Anh Tiến cho biết, sắp tới sẽ “nâng cấp” CLB thành hợp tác xã để mở rộng mô hình kinh tế và hoạt động thuận tiện hơn.