00:00 Số lượt truy cập: 2676717

Một người sản xuất giỏi giàu lòng nhân ái 

Được đăng : 03/11/2016
Một lần về thăm nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong suốt thời gian ở An toàn khu tại xã Bảo Linh (Định Hóa - Thái Nguyên) tôi được nghe câu chuyện về một nông dân người Tày làm kinh tế giỏi - ông Ma Hữu Tú. Không những thế, ông còn là một tấm gương về tinh thần đại đoàn kết toàn dân.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Tú còn là tấm gương sáng về tình đoàn kết giữa các dân tộc ở Bảo Linh.

“Thấy người ta khổ mình không đành lòng”

Xã Bảo Linh từng là căn cứ địa cách mạng, là nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Phát huy truyền thống anh hùng đó, người dân Bảo Linh đã đoàn kết vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế. Một trong những tấm gương đó phải kể đến ông Ma Hữu Tú sinh năm 1959, ở thôn Bảo Biên 1.

Về bản Đèo Muồng (xã Bảo Linh), chúng tôi được nghe câu chuyện định canh định cư người Dao. Năm 1990, được chính quyền vận động, người Dao ở Đèo Muồng xuống chân núi sinh sống. Không có đất canh tác, cuộc sống của họ rất khó khăn. Trong số đó có bà Dương Thị Hoa. Nhưng thật may, ông Tú đã tình nguyện cho bà quả đồi để làm nhà và canh tác. Nhiều người trong gia đình phản đối nhưng ông bảo: “Thấy người ta khổ mình không đành lòng”.

Những ngày mới xuống núi, người Dao ở Bảo Linh như “loài sơn dương bị đẩy ra khỏi núi rừng”. Họ ngơ ngác trước cuộc sống hoàn toàn xa lạ. Những năm 1992 - 1993, ở huyện Định Hóa xảy ra tình trạng “ruộng cha ông” (sau khi HTX giải thể thì ruộng nhà ai người đó đòi về). Người Dao vốn không phải là dân bản địa nên bị đánh bật khỏi cuộc chia chác đó. Vì thế, một số gia đình không chịu nổi cái đói, cái nghèo đã phải bỏ nhà lên núi đốt rừng, làm nương. Thế rồi, ông Tú vận động một số người dân trong xã cho hoặc bán rẻ lại một phần đất ruộng cho người Dao canh tác. Từ đó, nhiều gia đình người Dao đã có ruộng. Không những thế, ông còn vận động họ mua trâu bò, lợn gà về nuôi... Bởi thế, cuộc sống của người Dao ở Bảo Linh dần ổn định.

Đưa máy về... đại ngàn

Theo tiếng gọi của Tổ quốc, năm 1980, ông Tú nhập ngũ. Đến năm 1983, ông trở về quê hương và tham gia lao động sản xuất.

Ở một vùng đất xa xôi hẻo lánh, bị bao bọc bởi núi, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật là rất khó khăn. Ngoài ra, nhận thức của người dân còn hạn chế nên đa phần bà con chỉ canh tác theo lối truyền thống dẫn đến năng suất không cao. Vượt qua mọi khó khăn về địa hình, thời tiết, ông Tú là người tiên phong trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào đồng ruộng.

Từ những năm 1990, khi người dân đang dùng chân hoặc đá tròn để tách hạt lúa ra khỏi bông thì ông đã sắm chiếc máy tuốt lúa dùng xích. Năm 2005, trong khi người dân đang dùng tay đập lúa vào thùng thì ông đã tậu chiếc máy tuốt lúa hiện đại. Ông Tú tự hào: “Tôi cũng là người đầu tiên trong vùng sở hữu được máy cày. Không chỉ phục vụ cho gia đình, những công cụ máy móc của ông còn giúp nhiều hộ dân giải phóng sức lao động, rút ngắn thời gian thu hoạch.

Gieo sạ là một phương thức sản xuất còn khá mới mẻ với người dân miền Bắc. Trong khi dưới đồng bằng phần lớn người dân vẫn cấy lúa bằng tay thì tại miền sơn cước Bảo Linh, ông Tú đã áp dụng gieo sạ từ 2 - 3 năm nay. Mặc dù chưa được Nhà nước hỗ trợ xây dựng mô hình, nhưng sắp tới ông sẽ tậu cho mình một số công cụ sạ hàng và máy phun thuốc để áp dụng đồng bộ việc canh tác.

Không chỉ là một nông dân làm kinh tế giỏi, ông Tú còn là một cán bộ uy tín ở Bảo Linh. Sau khi rời quân ngũ trở về quê hương, ông tham gia hoạt động Đoàn và được bầu làm Bí thư Đoàn xã, rồi Bí thư Đảng ủy xã... Khi về hưu, ông được bầu làm Trưởng ban phát triển làng khuyến công tự quản. “Cũng vì ham học hỏi, tìm tòi cái mới, thấy những máy móc hiện đại là tôi tìm cách sắm cho bằng được nên các cán bộ huyện, tỉnh rất quý tôi. Mỗi khi muốn về xã triển khai dự án, họ đều tìm đến tôi, đó cũng là động lực để tôi cố gắng”, ông Tú nói.

Ngoài làm dịch vụ các loại máy nông nghiệp, ông Tú còn là chủ của một cánh rừng rộng hơn 17ha. Có những thân cây đã hơn 10 năm tuổi nhưng ông vẫn giữ lại để góp phần làm xanh lại núi rừng. Cứ mỗi năm, ông Tú lại cùng gia đình trồng thêm 1ha rừng. Không chỉ có rừng, ông còn là chủ của những hồ cá, trang trại lợn, gà quy mô.

Dù ở giữa đại ngàn, địa hình hiểm trở nhưng ông Tú vẫn luôn cố gắng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào đồng ruộng. Với cái tâm “thấy người ta khổ mình không đành lòng”, ông đã giúp hàng chục người Dao vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống và là tấm gương của tinh thần đoàn kết dân tộc nơi núi rừng xa xôi.