00:00 Số lượt truy cập: 2668881

Một nông dân làm kinh tế giỏi 

Được đăng : 03/11/2016

Về khu 2- thị trấn Thanh Ba, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ hỏi thăm ai cũng biết gia đình anh Nguyễn Hữu Viết, bởi đây là tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và hộ nghèo vượt khó”, do các cấp hội nông dân phát động. Từ một hộ nông dân được coi là nghèo khó, song với quyết tâm, nghị lực và tinh thần học hỏi, vươn lên dám nghĩ, dám làm, gia đình anh không những vượt qua đói nghèo mà còn vươn lên trở thành giàu có.


Nhớ lại, thời gian cách đây 5-7 năm trở về trước, khi đó gia đình anh còn là một hộ thuần nông, với 4 nhân khẩu, trong đó chỉ có 2 lao động chính, cả nhà chỉ trông vào mấy sào ruộng là chính, do vậy kinh tế vô cùng khó khăn. Mặc dù gia đình anh có làm thêm nghề phụ là nghề mộc, song do quy mô đầu tư nhỏ, sản phẩm đơn điệu, vì vậy thu nhập cũng chỉ ở mức giải quyết một phần khó khăn trong gia đình. Đến năm 2003, nắm bắt cơ chế chính sách của Nhà nước, kết hợp với nghiên cứu thị trường, nắm bắt nhu cầu sản xuất và tiêu thụ gỗ tại địa phương và được Hội nông dân thị trấn Thanh Ba vận động khuyến khích. Sau khi bàn bạc, thống nhất với gia đình, Nguyễn Hữu Viết đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cơ cấu từ làm nông nghiệp sang chế biến sản phẩm đồ gỗ. Bằng nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện và vốn huy động từ gia đình, anh em, bạn bè, gia đình anh đã đầu tư xây dựng nhà xưởng với diện tích trên 100m2; mua máy xẻ, máy mộc đa dụng… Khởi đầu công việc tuy gặp khá nhiều khó khăn song gia đình anh vẫn cố gắng duy trì xưởng sản xuất và trả lương đầy đủ cho 4 công nhân thuê ngoài, với mức lương bình quân từ 1- 1,5 triệu đồng/người/tháng (tại thời điểm 2003-2005). Sau 5 năm nỗ lực lao động, gia đình anh đã trả xong toàn bộ vốn vay và lãi của ngân hàng, ngoài ra còn tích lũy được số vốn trên 100 triệu đồng. Với số tiền này, anh tiếp tục đầu tư mở rộng nhà xưởng, mở rộng sản xuất, tuyển dụng thêm lao động. Sản phẩm của gia đình anh luôn đảm bảo uy tín về chất lượng, thời hạn giao hàng đúng cam kết, do vậy số lượng khách đặt hàng không ngừng tăng, doanh thu ngày càng lớn.

Đến năm 2007, để đáp ứng nhu cầu sản xuất, anh lại vay thêm vốn tiếp tục đầu tư mở rộng nhà xưởng từ 100m2 lên 300m2; sắm thêm máy móc, thiết bị chế biến gỗ; mua xe ô tô tải (loại tải trọng nhẹ) để chủ động cho việc vận chuyển sản phẩm hàng hóa, đồng thời thu hút thêm lao động, đưa tổng số lao động làm việc thường xuyên tại xưởng lên 9 người, với thu nhập bình quân từ 1,5- 2 triệu đồng/ người/tháng.

Theo hạch toán của anh Viết: Năm 2007, tổng thu nhập từ nghề mộc đạt 500 triệu đồng, trừ chi phí gia đình anh thu lãi 200 triệu đồng; năm 2008, tổng thu nhập 700 triệu triệu đồng, trừ chi phí lãi 250 triệu đồng; năm 2009, dự kiến tổng thu nhập 900 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi 320 triệu đồng. Thu nhập bình quân lao động tại xưởng trong năm 2009 đạt 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài việc chăm lo sản xuất kinh doanh trong gia đình, anh còn tích cực tham gia giúp đỡ hàng chục hộ trên địa bàn về kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh; hướng dẫn kỹ thuật gia công đồ gỗ bằng máy móc. Qua đó, nhiều hộ đã tìm được ngành nghề mới và cho thu nhập ổn định.

Sản xuất kinh doanh phát triển, anh có điều kiện hơn cho việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình, nuôi dạy con cái ăn học; tiếp tục mở rộng sản xuất; giải quyết thêm nhiều lao động, thực hiện tốt nghĩa vụ với Nhà nước và tham gia vào các hoạt động từ thiện tại địa phương. Theo quan điểm của anh Nguyễn Hữu Viết: “Muốn sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao, ngoài sự nỗ lực của bản thân, dám nghĩ, dám làm, thì người chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần phải đặc biệt quan tâm tới thông tin thị trường tiêu thụ sản phẩm, bởi đây là một trong những khâu quyết định tới việc đầu tư vào sản xuất kinh doanh để mang lại hiệu quả cao. Vì vậy, đòi hỏi người chủ đơn vị cần năng động, nhạy bén, nắm bắt và bám sát thị trường, nắm bắt thị hiếu, nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng; bám sát các thông tin kinh tế, cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước, để vận dụng đúng hướng, kịp thời và đề ra những chiến lược sản xuất, kinh doanh cho đơn vị mình một cách phù hợp, hiệu quả”

Gương nông dân nghèo vượt khó sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc của anh Nguyễn Hữu Viết- khu 2- thị trấn Thanh Ba, thật đáng trân trọng. Được biết trong 3 năm gần đây gia đình anh liên tục đạt danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” cấp huyện và đủ tiêu chuẩn đạt danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” cấp tỉnh. Mong rằng, trong thời gian tới không chỉ trong địa bàn thị trấn Thanh Ba, mà trong toàn tỉnh sẽ có nhiều hộ nông dân học tập tấm gương trên để xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho chính bản thân gia đình và quê hương.