00:00 Số lượt truy cập: 2692084

Muối không thiếu, chỉ thiếu qui hoạch 

Được đăng : 03/11/2016

Liên Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn và Công thương vừa đề nghị Chính phủ xin nhập khẩu thêm 200.000 tấn muối. Vì sao một quốc gia có trên 3.000 km bờ biển, nghề muối phát triển lâu đời mà đến nay chúng ta vẫn nhập khẩu muối?


Thiếu muối vào giữa vụ muối

Theo Tổng công ty Muối, mỗi năm nước ta cần từ 1,1 đến 1,2 triệu tấn muối. Trong đó, muối ăn khoảng 500 nghìn tấn, còn lại là muối phục vụ chế biến công nghịêp và muối dùng cho mục đích khác. Sản lượng muối bình quân 10 năm (1996 - 2006) của nước ta là 737 nghìn tấn, nhiều nhất như năm 1998, cũng chỉ 980 nghìn tấn. Vì vậy, năm nào chúng ta cũng phải nhập khoảng 200 nghìn tấn muối công nghiệp; năm 2000, lượng muối công nghiệp nhập khẩu lên tới 500 nghìn tấn.

Năm nay, lấy lý do thời tiết không thuận lợi, mất mùa muối, Bộ NN & PTNT và Bộ Công thương đã thống nhất làm văn bản trình Chính phủ cho nhập thêm 200 nghìn tấn nữa, trong khi hạn ngạch nhập khẩu năm 2008 được Chính phủ cấp từ đầu năm là 230 nghìn tấn vẫn chưa nhập xong. Ông Trần Xuân Chính, Phó Tổng giám đốc Tông công ty Muối cho rằng “Thực ra muối đã thiếu từ năm 2007, năm nay mưa nhiều, sản lượng muối giảm, ước cả năm chỉ được khoảng 600 – 700 nghìn tấn. Vì vậy, nhập muối là cần thiết”.

Vấn đề là vì sao đến bây giờ, Việt Nam vẫn phải loay hoay với bài toán an toàn muối quốc gia? Trong khi cả nước có hơn 3.000 km bờ biển, nhiều khu vực, nhất là vùng duyên hải miền Trung có tới 2/3 số ngày nắng trong năm, rất thuận lợi cho sản xuất muối. Thiếu muối vào giữa vụ muối đúng là chuyện lạ.

Chưa có qui hoạch bài bản

Thực tế đúng như vậy, nước ta không thiếu muối, mà chỉ thiếu qui hoạch. Vì không có qui hoạch bài bản nên ngành muối luôn bị động, diện tích đồng muối ngày càng thu hẹp, ngành muối phát triển trong cảnh giật gấu vá vai. Bao năm qua, nghề muối chủ yếu tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi do thiên nhiên mang lại. Những vùng triều ven biển, có nguồn nước mặn được diêm dân khai phá làm ruộng muối. Dẫn đến diện tích manh mún, phân tán, thiếu đồng bộ. Các chính sách đầu tư hỗ trợ diêm dân trong sản xuất, bình ổn giá cả, hệ thống phân phối sản phẩm…  chưa được quan tâm đúng mức. Năm nào muối có giá thì diêm dân sản xuất nhiều, lúc mất giá thì lại phá muối nuôi tôm.

 

“Không thể thiếu muối được. Bởi dù có mất mùa thì cũng sản xuất được 70 - 80 % lượng muối những năm trước. Bù vào đó diện tích lại phát triển rất mạnh”

Bà Trần Thị Tân, diêm dân có 7 ha muối, ở huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

Tháng 11/2000, Tổng công ty Muối khởi công dự án Khu công nghịêp muối Quán Thẻ tại huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, quy mô 2.500 ha, tổng vốn đầu tư gần 323 tỷ đồng, mỗi năm sản xuất 300 nghìn tấn muối đạt tiêu chuẩn quốc tế phục vụ chế biến công nghịêp; hơn 20 nghìn tấn thạch cao và 185 nghìn m3 nước ót. Lẽ ra, đầu năm 2002, mẻ muối đầu tiên đã được thu hoạch. Thế nhưng, 8 năm trôi qua, chưa ai thấy hình hài hạt muối Quán Thẻ mặn nhạt ra sao? Ngành muối cứ dò dẫm đi từng bước.

Tháng 2/2007, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng ký Quyết định 161/QĐ- TTg phê duyệt Qui hoạch sản xuất muối đến năm 2010 và năm 2020 nêu rõ: Đến năm 2010, diện tích sản xuất muối cả nước 14.500 ha, trong đó có 6.000 ha muối công nghiệp, sản lượng muối 1,5 triệu tấn, muối công nghiệp 800.000 tấn; đến năm 2020, sản lượng muối đạt 2 triệu tấn, trong đó có 1,35 triệu tấn muối công nghịêp.

Qui hoạch là vậy, nhưng đầu năm nay, tỉnh Ninh Thuận lại đề nghị thay đổi qui hoạch sử dụng đất, thu hồi 400 ha đồng muối Cà Ná vang bóng một thời để giao Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam xây dựng nhà máy đóng tàu, luyện cán thép, với lý do ngành muối chẳng đóng góp gì cho ngân sách tỉnh. Chủ trương này đang vấp phải nhiều ý kiến trái ngược nhau và đang chờ các bộ ngành liên quan thẩm định, trình Thủ tướng. Hậu quả, công nghiệp đâu chẳng thấy, chỉ thấy đồng muối Cà Ná trên 400 ha bây giờ sản xuất cầm chừng, diêm dân thiếu việc làm, lại nơm nớp lo bị giải tỏa. Vì vậy, nếu không có qui hoạch bài bản cho ngành muối, chúng ta luôn bị động.

Phải đầu tư cho diêm dân

Nguyên nhân thứ 2 hạn chế phát triển là nghề muối hầu như chưa được đầu tư đồng bộ từ hạ tầng đồng ruộng đến nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật giúp diêm dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Trên những đồng muối từ Bắc vào Nam như Văn Lý (Nam Định), Hộ Độ (Hà Tĩnh), Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Ninh Hoà (Khánh Hoà)… hàng trăm năm nay diêm dân vẫn làm theo lối thủ công với những công cụ hết sức thô sơ: vãi cát đầm nền – phơi nước – rồi dùng trang cào muối gom thành đống. Gần một tháng trời nắng non, chỉ một trận mưa, coi như trắng tay. Mùa thu hoạch, trên đồng muối vẫn những tấm áo bạc thếch vì nắng và gió biển, vẫn những người đàn bà oằn vai gánh từng gánh muối nặng trĩu gom thành đống trên bờ, chờ thương lái đến mua, hoặc phải ngày hai buổi cơm đèn, thuê xe chở muối lên tận miền ngược đổi lấy cái ăn, cái mặc cho chồng cho con. 

Vài năm gần đây, một số doanh nghịêp đầu tư sản xuất muối chất lượng cao theo công nghệ phủ bạt che mưa, năng suất bình quân gần 200 tấn/ ha. Tuy nhiên, làm muối phủ bạt đòi hỏi nguồn vốn lớn, từ 500 đến 600 triệu đồng một ha. Ngay như Xí nghịêp muối Tri Hải, tỉnh Ninh Thuận có 390 ha muối nhưng cũng chỉ 15 ha được sản xuất theo công nghệ này mà thôi. Vì vậy, muốn tăng tỉ trọng muối chất lượng cao, không thể trông chờ vào doanh nghiệp mà phải đầu tư cho diêm dân. Ông Lê Xuân, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thuỷ sản và Nghề muối cho rằng: “Một diêm dân có từ 3 đến 6 sào muối thì không thể giàu có được. Sắp tới, chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, Nhà nước hỗ trợ kỹ thuật giúp diêm dân làm muối chất lượng cao để tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống”. Quan điểm này đang được nhiều diêm dân đồng tình vì họ cho rằng diêm dân hoàn toàn có thể làm được muối chất lượng cao.          

Ninh Thuận và các tỉnh duyên hải Trung bộ còn nhiều diện tích đất hoang hóa ven biển, nếu được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật sản xuất đúng mức cho diêm dân thì khu vực này có thể mở rộng đồng muối lên khoảng 6.000 ha, năng suất có thể đạt từ 100 đến 150 tấn/ha, sản lượng từ 600 đến 900 nghìn tấn muối. Diện tích đồng muối cũng sẽ phát triển thêm ở Khánh Hoà, Thanh Hoá, Nam Định, Bến Tre và Bạc Liêu để đạt được mục tiêu 14 - 15 nghìn ha, sản lượng từ 2 triệu tấn muối trở lên, từng bước tiến tới xuất khẩu muối và sản phẩm sau muối. 

Lâu nay, nghề muối phát triển một cách èo uột là vì chưa có một cơ chế đầu tư hỗ trợ diêm dân từ xây dựng hạ tầng kỹ thuật đến công nghệ sản xuất. Vì vậy, muốn cho nghề muối phát triển bền vững, vấn đề then chốt là “Chúng ta không thiếu muối, mà thiếu…một qui hoạch.”.