00:00 Số lượt truy cập: 2668409

Năm 2009: Tập trung quy hoạch vùng nguyên liệu mía 

Được đăng : 03/11/2016

Năm 2009 được dự báo là năm "sốt" đường, do nhu cầu sử dụng đường trên thế giới tăng cao. Một số nước đã bắt đầu rục rịch giảm xuất khẩu, trữ đường phục vụ thị trường nội địa.


Theo Cục Chế biến nông - lâm - thuỷ sản và nghề muối (Bộ NNPTNT), sản lượng đường năm nay sẽ tăng cao do nhiều tác động khả quan, đặc biệt về quy hoạch vùng nguyên liệu.

Đông Nam Bộ: Chuyển sắn sang mía

Những tháng cuối năm 2008, nông dân nhiều tỉnh khu vực Đông Nam Bộ như Tây Ninh, Đồng Nai... đồng loạt bỏ cây sắn để trồng mía. Sự kiện Vedan khiến không ít bà con lao đao khi sắn ế hàng loạt, vì vậy cây mía - vốn dĩ đã cạnh tranh cao với cây sắn về diện tích gieo trồng tập trung - được lựa chọn số một.

Thay vì thu nhập rẻ như bèo 200.000đ/tấn sắn, bà con sẽ lãi gấp đôi từ mía, với khoảng 500.000đ/tấn mua tại ruộng. Theo ước tính của Cục Chế biến nông - lâm - thuỷ sản và nghề muối, niên vụ 2008 - 2009, diện tích mía cả nước khoảng 290.000 hécta - giảm hơn so với vụ trước khoảng hơn 16.000 hécta.

Diện tích vùng nguyên liệu tập trung của các nhà máy là gần 219.000 hécta, năng suất bình quân dự kiến đạt gần 57 tấn/hécta. Phó Cục trưởng Phạm Xuân Hoà cho biết: "Mặc dù diện tích cả nước không tăng, nhưng số diện tích chuyển đổi từ sắn sẽ tạo ra vùng nguyên liệu tập trung, thuận lợi cho trồng trọt và thu mua".

Trên thế giới, nhận định của các chuyên gia về thị trường đường có nhiều khác biệt. Một số ý kiến cho rằng, sản lượng đường thế giới niên vụ 2008 -2009 sẽ vẫn đáp ứng được nhu cầu, tuy nhiên khối lượng dự trữ lớn từ niên vụ trước tiếp tục khiến thị trường đường đối mặt với tình trạng dư thừa cung.

Tổ chức Đường quốc tế thì nhận định, khoản chênh lệch giữa tiêu thụ và sản lượng sẽ không còn, thậm chí có thể thiếu hụt 1 -2 triệu tấn trên toàn thế giới. Sản lượng đường vụ tới sẽ giảm và giá cả vẫn được giữ nguyên hoặc cao hơn.

Thống kê của Hiệp hội Mía đường VN cho thấy, mặc dù sản lượng đường cả nước (1,3 - 1,4 triệu tấn) chưa đáp ứng hoàn toàn nhu cầu sử dụng đường, song lượng đường tồn kho tính đến ngày 15.1 vẫn còn hơn 160.000 tấn.

Ông Hà Hữu Phái - Tổng Thư ký hiệp hội - cho biết: "Đường nhập lậu vào nước ta không hề nhỏ, nên việc tiêu thụ đường vẫn chậm. Nếu chỉ đạo thực hiện tốt việc chống nhập lậu đường vào cuối vụ thì lượng đường vụ tới gần đủ so với nhu cầu tiêu thụ trong nước, các nhà máy có cơ hội giữ giá ổn định".

Tập trung bao tiêu vùng nguyên liệu

Ngoài sản lượng ổn định hơn 1 triệu tấn, nguồn đường thủ công chiếm 100.000 tấn và NK khoảng 61.000 tấn theo cam kết WTO. Ông Phái cho rằng, tổng nguồn đường trên cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu cho người tiêu dùng. Việc nhập khẩu đường được áp dụng thuế suất khá cao (60% với đường trắng và 25% với đường thô), thuế NK ngoài hạn ngạch cũng lên tới 85%.

Chủ trương của ngành mía đường vẫn là giảm NK đường tối đa, nhằm thúc đẩy tiêu thụ đường nội địa. Với giá hiện nay khoảng hơn 7.000đ/kg - theo ông Phái - các DN đang có ý định tăng giá bán để vừa phù hợp với giá trị thực của đường, vừa giúp bà con hưởng lợi nhiều hơn.

Theo ông Phạm Xuân Hoà, do không chịu sức ép của XK, vùng nguyên liệu đang dần quy tụ tập trung nên năm 2009 là năm phát triển mạnh sản xuất mía đường. Hiện cục đang tập trung chỉ đạo việc nhà máy phải đăng ký bao tiêu vùng nguyên liệu nhất định ngay từ đầu vụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho bà con.

Hiện một số tỉnh ĐBSCL như Sóc Trăng, Cần Thơ... đang nhận bao tiêu vùng nguyên liệu, đảm bảo giá thu mua tại ruộng cho bà con trung bình 500.000đ/tấn. "Bản thân cây mía thân thiện với môi trường, không phá đất như sắn nên cần tuyên truyền để bà con tập trung chuyển trồng sắn sang trồng mía.

Đây là thời điểm thích hợp để rà soát nhằm huy động tập trung vùng nguyên liệu" - ông Hoà khẳng định. Về vấn đề này, Hiệp hội Mía đường VN vừa có tờ trình gửi Thủ tướng, kiến nghị về đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu mía.

Theo đó, hiệp hội kiến nghị Chính phủ bố trí thuế VAT tạo ra từ các DN đường cho các địa phương dùng để đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn vùng nguyên liệu mía, trong thời hạn 2009 - 2015.