00:00 Số lượt truy cập: 2676789

Ngành chăn nuôi làm gì trước thị trường rộng mở hôm nay? 

Được đăng : 03/11/2016

Chăn nuôi, nhất là chăn nuôi heo được xem là một ngành sản xuất chính trong nông nghiệp. Để có giống heo tốt, các nhà khoa học đã không ngừng lai tạo các giống heo siêu thịt. Ưu điểm các giống heo này là có tỷ lệ thịt cao, sức đề kháng tốt, thời gian xuất chuồng ngắn (từ 4 đến 6 tháng), lượng thịt được thị trường chấp nhận.


Tuy có những ưu điểm vượt trội, nhưng ngành chăn nuôi hiện nay cũng đang đứng trước nhiều sức ép từ các nước nhập thịt vào thị trường Việt Nam. Thịt bò Úc, gà Mỹ đã có mặt tại TP.HCM và thủ đô Hà Nội. Nhiều công ty thực phẩm ở các thành phố lớn cũng đang rục rịch xin nhập khẩu các loại thịt từ nước ngoài. Điều đó cho thấy ngành chăn nuôi đang đứng trước cơn lốc cạnh tranh không cân sức về giá cả và chất lượng. Giá thức ăn gia súc (TAGS), thuốc thú y ngày một tăng cao, cùng với dịch bệnh luôn rình rập từng ngày là mối lo chung cho ngành chăn nuôi.

Trước hoàn cảnh đó, ngành chăn nuôi phải làm gì? Có nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước nên trợ giá con giống và TAGS. Nếu có điều đó cũng chỉ giúp cho người chăn nuôi giảm gánh nặng mà thực sự chưa đủ sức cạnh tranh khi hội nhập vào WTO. Vậy ngành chăn nuôi phải làm gì khi thị trường rộng mở hôm nay?

Chất lượng là một nhân tố quan trọng để người tiêu dùng không quay lưng với sản phẩm thịt làm ra. Muốn thế, buộc chúng ta phải có nguồn nguyên liệu sạch bao gồm các yếu tố:

- Thịt có hàm lượng colesteron thấp, acid béo không cao, loại trừ được các loại nấm mốc (afalotoxin) trong thịt, cùng với các chất kích thích tăng trưởng.

Giảm thiểu số lượng kháng sinh lưu trữ như: tétracyline, furazolidone, cloramphénicol, norfloxacine có trong thịt.

Tóm lại, muốn có chất lượng thịt tốt nên áp dụng và đảm bảo 3 tiêu chuẩn sạch về sinh học, hóa học và lý học.

Làm được điều đó, chất lượng thịt mới đủ sức vượt qua hàng rào kiểm dịch gắt gao về an toàn thực phẩm để chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu.

Giảm giá thành sản phẩm là yếu tố quyết định cho sự thắng lợi. Hiện nay, nhờ vào các tiến bộ khoa học, ngành sản xuất TAGS đã có bước nhảy vọt về chất lượng, thu ngắn thời gian xuất chuồng, nên đã không ít bà con chăn nuôi vì quá chú trọng đến thời gian xuất chuồng mà bỏ lỏng quy trình kỹ thuật cân đối khẩu phần thức ăn cho từng loại heo theo từng thời điểm trưởng thành, gây lãng phí một số lượng thức ăn khá cao, làm tăng giá thành thức ăn mà lý ra không đáng có. Cân đối khẩu phần thức ăn không chỉ giảm được chi phí, mà còn nâng cao sức đề kháng đối với các loại bệnh thông thường, để cơ thể chúng tự chống đỡ được các bệnh truyền nhiễm như tụ huyết trùng (toi), dịch tả, thương hàn và dịch tai xanh như hiện nay làm khó khăn cho ngành thú y sở tại.

Sử dụng tốt phế phẩm chăn nuôi, ngoài việc chăn nuôi tốt, đảm bảo chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, còn phải tận dụng tốt sản phẩm phụ trong chăn nuôi. Hiện nay, bà con chăn nuôi chưa tận dụng hết sản phẩm có được trong chăn nuôi để nâng cao đời sống. Một số lượng phân chuồng thải xuống sông rạch, làm ô nhiễm nguồn nước, thay vì tận dụng để thiết kế hầm ủ khí mêtan (CH4) thay chất đốt mà giá thành gaz hiện nay lên rất cao, và từ nguồn phân thải ra từ hầm ủ khí đưa vào trồng trọt, hạn chế được nguồn phân hữu cơ đang ở giá cao, còn có tác dụng cải tạo đất trở nên màu mỡ. Thời gian không chờ đợi chúng ta phải làm gì trước những thách thức khó khăn trước mắt, mà buộc chúng ta phải nghĩ gì để có cơ hội vượt lên khó khăn khi đã vào WTO.