Diện tích, năng suất và sản lượng đều giảm
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Phó chủ tịch Trung ương HLV Việt Nam Bùi Bá Bổng, niên vụ 2008 – 2009 là vụ thứ 2 ngành mía đường thực hiện Quyết định số 26/2007/QĐ-TTg về Quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, trong vụ vừa qua, diện tích trồng mía cả nước chỉ đạt 270.600ha, giảm 36.000ha so với vụ trước; năng suất mía chỉ còn 50 tấn/ha (giảm 7,6%), tổng sản lượng mía cả nước đạt 13,5 triệu tấn.
Có một thực tế đang diễn ra tại nhiều vùng nguyên liệu là cây mía đang bị cạnh tranh quyết liệt với nhiều loại cây trồng khác. Đại diện Công ty Mía đường Quảng Ngãi than thở, do giá cả thu mua mía thất thường làm cho nông dân không đủ “kiên nhẫn” theo đuổi cây trồng này nên chuyển sang trồng sắn, dưa hấu... Đặc biệt, ở một số nơi, diện tích trồng mía còn nằm trong diện chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Không chỉ có vậy, trở ngại về giống, diện tích mía được tưới thấp, khó khăn trong công nghệ thâm canh, công tác thu hoạch... cũng đang là những yếu tố bất lợi gây nên tình trạng trên. Ngoài ra, đất trồng mía cho nhà máy manh mún, chỉ 0,5ha/hộ, kết cấu hạ tầng yếu kém, nông dân thiếu vốn sản xuất nên việc đầu tư cơ giới hoá còn nhiều hạn chế. Về vấn đề này, ông Lê Văn Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty Mía đường Lam Sơn (Thanh Hoá) cho biết: “Người trồng mía lâu nay vẫn quen với tập quán canh tác lạc hậu, thậm chí việc cải tạo đất để trồng cũng ít được chú trọng. ở nhiều nơi, nông dân có thói quen cày đất rất nông, chỉ 20cm, trong khi yêu cầu là 40 – 50cm. Chính cách làm này đã ảnh hưởng lớn tới năng suất, chất lượng mía”.
Chung quan điểm, ông Phạm Quốc Doanh, đại diện Văn phòng Chính phủ, cho rằng: “Sản lượng, chất lượng mía giảm là trách nhiệm của nhiều bên, trong đó có một phần nguyên nhân là các nhà máy chưa mặn mà với vùng nguyên liệu - vấn đề sống còn của họ. Thực tế cho thấy, rất nhiều nhà máy có vùng nguyên liệu riêng biệt song lại thiếu chủ động, chưa thật sự quan tâm đến lợi ích của nông dân, mua mía với giá thấp”.
Giải quyết thế nào?
Ông Doanh phân tích, muốn giải bài toán thiếu nguyên liệu chỉ có cách đầu tư tăng năng suất. “Trong 10 năm qua, hầu như năng suất mía không hề tăng, trong khi đó vẫn có tới 60% diện tích mía sử dụng giống cũ, năng suất, chất lượng thấp. Suốt bao năm trời người trồng mía khư khư ôm mãi một giống cũ, không chịu thay gốc, có nơi sử dụng gốc tới 7 năm, trong khi, theo yêu cầu thì sau 2 năm trồng là phải thay gốc, dẫn đến năng suất giảm từ 80 – 90 tấn/ha xuống 40 – 50 tấn/ha. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục tái diễn thì rất nguy hiểm cho ngành mía đường. Vì vậy, cần đầu tư thật nhiều cho khoa học công nghệ, đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Khi ấy, chỉ cần năng suất tăng thêm 5 tấn/ha, chúng ta sẽ có sản lượng mía tương đương canh tác thêm 22.000ha”, ông Doanh nói.
Còn theo ông Thanh, giải pháp để nâng cao chất lượng, sản lượng mía hiện nay là cần đầu tư cho các vùng nguyên liệu. Theo tính toán, với mức thu nhập đạt từ 50 triệu đồng/ha trở lên thì nông dân mới thiết tha với cây mía. Các địa phương phải có quy hoạch vùng trồng mía, cam kết không lấy đất trồng mía để chuyển đổi cây trồng khác. Nhà nước cần phải đưa mía đường vào danh sách các mặt hàng bình ổn giá cả, miễn giảm thuế giá trị gia tăng và thuế doanh nghiệp trong vài năm. Bởi thực tế, rất nhiều ngành khác được hỗ trợ trong khi mía đường thì không...
Để giải quyết bài toán muôn thuở của ngành mía đường và đảm bảo các chỉ tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đề ra đến năm 2010, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cho rằng, cần phải tập trung chỉ đạo quyết liệt việc đầu tư áp dụng giống mới và kỹ thuật thâm canh để nâng nhanh năng suất và chất lượng mía. Phải xác định đây là giải pháp cơ bản, đảm bảo cho các nhà máy đủ nguyên liệu và nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như năng lực cạnh tranh của ngành mía đường. Nếu cần thiết có thể thành lập Ban chỉ đạo phát triển mía nguyên liệu; xã hội hoá việc nhân và sản xuất mía giống. Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ đầu tư, cho vay vốn, hỗ trợ lãi suất vốn đầu tư, kinh doanh cho các dự án này...