00:00 Số lượt truy cập: 2677091

Nghề trồng bông vải: 

Được đăng : 03/11/2016

Với diện tích chỉ còn 6.000ha, sản lượng ước đạt 2.600 tấn bông xơ, dường như nghề trồng bông vải ở Việt Nam đang trên đà bị xoá sổ.


Mục tiêu mở rộng diện tích lên 60.000ha bông vào năm 2010 không những không đạt được mà thời điểm này còn có thể là “sân ga” cuối cùng, chấm dứt nghề trồng bông ở nước ta.

Diện tích… thụt lùi

Chỉ trong vòng chưa đầy 5 năm, tỉnh Bình Thuận, nơi được mệnh danh là “thủ đô bông vải” đã giảm diện tích trồng bông xuống gần 10 lần. Nếu như những năm 2003 - 2004, diện tích bông vải mà Chi nhánh Công ty Bông Phan Thiết ký được với nông dân luôn ở mức 3.000-5.000 ha/vụ, thì đến vụ mùa 2008 chỉ còn 750ha. Niên vụ 2003-2004, ba huyện phía Bắc của tỉnh trồng gần 1.000ha bông, năng suất bình quân 20 tạ/ha, thì đến vụ đông xuân 2007 - 2008, cả tỉnh chỉ còn vẻn vẹn 13ha! Vụ đông xuân 2008 - 2009, không hộ dân nào chịu trồng bông vải là điều có thể nhìn thấy trước, bởi thời điểm này việc ký hợp đồng trồng bông đáng lẽ đã hoàn tất nhưng đến nay Chi nhánh Công ty Bông Phan Thiết vẫn chưa có trong tay hợp đồng nào.

Sự “tụt dốc không phanh”, như lời nhận xét của một đại diện Công ty, là do bông vải đã hết thời, không thể cạnh tranh được với bắp (ngô), mì (sắn), lúa, đậu phộng (lạc) đều đang vùn vụt tăng giá. Ông Nguyễn Đức Thông, Phó giám đốc Chi nhánh Công ty Bông Phan Thiết cho biết: “Ngành bông mới chỉ bao tiêu được sản phẩm mà không nâng giá cho bông hạt, điều này không công bằng với người trồng.

Từ hai năm nay, đã nhiều lần chúng tôi đề nghị Công ty cổ phần Bông Việt Nam (VCC) nâng giá bông hạt lên khoảng 12.000 đồng /kg để kéo người dân quay lại với nghề nhưng giá bông vẫn ở mức 9.000 đồng /kg, trong khi giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các loại vật tư khác đã nhảy lên nhiều lần”.

Trước đây, tỉnh Phú Yên đã có dự án phát triển cây bông vải. Theo đó, đến năm 2010, diện tích trồng bông vải trên toàn tỉnh đạt 5.000ha. Dự án này nhằm cùng cả nước tăng sản lượng bông vải, phục vụ nhu cầu của ngành dệt may vì nguyên liệu của ngành này vẫn phải nhập tới hơn 80%.

Tuy nhiên, hiện chỉ có Công ty Bông Nha Trang, Trạm bông Phú Yên phối hợp với các hợp tác xã và nông dân phát triển diện tích bông vải. Trên thực tế, đã có nhiều mô hình trồng bông vải mang lại hiệu quả kinh tế cao, như HTX Hòa Phong với mô hình xen canh bông vải - bắp, tưới nước nhỏ giọt. Tuy nhiên, do giá bao tiêu thấp, trồng bông vải lại khá vất vả nên nông dân không mặn mà với loại cây này.

Việt Nam sẽ nhập khẩu bông vải 100%?

TS. Hoàng Ngọc Bình, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển bông vải cho biết: “Giá mua bông vải của các công ty phải dựa vào tính toán chi phí sản xuất của nông dân và phụ thuộc vào giá bông vải thế giới nên không thể tự quyết định giá. Nếu giá quá cao, các công ty dệt sẽ nhập khẩu bông nước ngoài vì rẻ hơn”.

Theo đánh giá của ông Bình, cây bông đang trong tình trạng thất thế. Thất thế từ giá thu mua thấp, vì không cạnh tranh được so với các cây trồng có cùng thời gian sinh trưởng như bắp, khoai mì, đậu, ớt, thuốc lá… Nông dân trồng bông thu hoạch được 1,2 - 1,3 tấn hạt/ha, với giá 9.000 đồng/kg, họ chỉ thu về khoảng 10 triệu đồng, trừ phi phí, lãi chẳng còn bao nhiêu.

Trong khi bắp, lúa thì năng suất ngày một tăng, giá bán cũng tăng. Trước đây, ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều vùng trồng lúa không hiệu quả, nông dân lên liếp trồng bông nhưng bây giờ họ quay lại trồng lúa, bắp, vì lúa có mất mùa cũng thu 5 tấn/ha/vụ, đạt giá trị 25-30 triệu đồng/ha. Ngoài ra, cây bông còn thất thế bởi tốn quá nhiều công chăm sóc và thu hoạch.

Một lãnh đạo VCC nhận xét, nghề trồng bông vải có thể chính thức biến mất trong thời gian tới. Trước khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), để cứu vãn tình hình, Chính phủ đã áp dụng hạn ngạch thuế quan trong nhập khẩu bông nhưng vẫn không ngăn cản được “làn sóng” bông vải giá rẻ của Hoa Kỳ, châu Phi tràn vào Việt Nam.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, năm 2007, cả nước nhập khẩu 212.000 tấn bông với kim ngạch 268 triệu USD, tăng 17% về sản lượng và 22% về kim ngạch. Các chuyên gia bông vải ở VCC cho rằng, một nửa sản lượng bông vải ở Việt Nam được nhập khẩu từ Hoa Kỳ với thuế suất 0% sau khi Việt Nam là thành viên của WTO. Rõ ràng, trước sức ép cạnh tranh với hàng nhập khẩu, bông vải Việt Nam đã không thể thắng thế trong “cuộc chiến” này. Vấn đề là các ngành chức năng cần sớm có giải pháp để “cứu” nghề trồng bông vải cũng là cách để gia tăng giá trị cho ngành dệt may.