Nhờ cách làm đúng hướng có nguồn thu nhập ổn định, xây dựng nhà cửa khang trang, những năm qua anh có thêm điều kiện nuôi dậy và đầu tư cho các con ăn học đại học ở Hà Nội, tạo công ăn việc làm cho 20 lao động trực tiếp cho nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh. Giúp cho nhiều hộ nghèo thiếu vốn sản xuất và giúp nông dân tiêu thụ được sản phẩm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Đó là anh Ngô Quý Mão xóm 2, thôn Bái Dương, xã Nam Dương, huyện Nam trực, tỉnh Nam Định được người dân trong xã biết đến không chỉ là một điển hình dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư, phát triển kinh tế vừa sản xuất ra sản phẩm, vừa kinh doanh dịch vụ tiêu thụ nông sản từ các sản phẩm nông nghiệp quê nhà đem lại thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng/năm mà còn là một đội trưởng đội sản xuất gương mẫu, nhiệt tình, năng động trong công tác và tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng đời sống kinh tế.
Trước đây, kinh tế gia đình anh Mão cũng khó khăn như bao gia đình khác trong thôn. Làm gì để vươn lên thoát nghèo luôn là vấn đề mà anh trăn trở. Qua tìm hiểu các mô hình kinh tế mới trên báo, đài và bạn bè, anh đã mạnh dạn đấu thầu tất cả các ao hồ để thả cá, chăn nuôi, còn ngoài đồng thì cấy 5 sào ruộng. Ban đầu khó khăn do thiếu vốn gia đình anh đã làm đơn đề nghị Ngân hàng Nông nghiệp huyện cho vay được 2 triệu đồng và vay mượn của bà con thân thiết anh đã phát triển kinh tế gia đình mình. Được bà con tín nhiệm bầu làm đội trưởng đội sản xuất, anh đã phân tích cái lợi, cái thuận tiện của việc dồn điền đổi thửa (Đó là tiện cho việc đầu tư canh tác, tiện quy hoạch thủy lợi, đỡ công bảo vệ ...) và vận động bà con quy hoạch lại đồng ruộng sao cho “Ruộng của mỗi gia đình trong đội dồn đổi tập trung vào chỉ 1 - 2 nơi, cùng đầu tư xây mương máng, giếng, bơm tát để chủ động cho nguồn nước tưới và hướng dẫn bà con tăng cường bón phân hữu cơ để cải tạo đất”. Do vậy đội 12 là đội đi đầu trong việc dồn điền đổi thửa, tiền thu được từ các khoản đấu thầu cộng với kinh phí các cấp, các ngành hỗ trợ cùng bà con đóng góp thêm anh cùng bà con trong thôn xây nhà văn hóa, sửa đường làng ngõ xóm, cầu cống để thuận tiện cho giao thông đi lại và chuyên chở hàng hóa. Giao thông thuận tiện, lúc này anh cùng gia đình đi sâu vào chuyên sản xuất cây giống và hạt giống để phục vụ nhu cầu canh tác của bà con trong vùng, vừa mang tính chất kinh doanh nhưng chủ yếu phục vụ tạo điều kiện cho bà con sản xuất. Anh đã mạnh dạn đưa các giống khoai, rau củ, quả có năng suất chất lượng cao như khoai tây Đức, khoai vỏ đỏ thay thế khoai Hà Lan cũ, khoai Trung Quốc ...là loại khoai ngon, giá bán cao lại được thị trường ưa chuộng vì giống khoai này bảo quản được lâu, đẹp không bị thâm vỏ, không thối lan. Dần dần tự việc tự mình sản xuất ra hàng hóa để bán và nhận thấy nhu cầu người tiêu dùng ngày càng lớn, anh đã đi tìm hiểu thị trường, chào mời khách hàng ở các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội, các tỉnhbiên giới phía Bắc, các tỉnh phía Nam ... phân loại sản phẩm và tìm ra những sản phẩm phù hợp với những thị trường khó tính để đáp ứng nhu cầu của từng thị trường. Anh đã cung ứng các loại rau quả ở Hải Phòng, do biết được khu vực phía Nam tuy có vùng rau Đà Lạt cung cấp nhưng cũng không suể vì trong đó có rất nhiều khu công nghiệp, nhu cầu của người dân dùng rau quả là rất lớn. Trong khi đó giá rau quả miền Bắc đưa vào lại rẻ hơn. Hơn nữa thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay là rất ngại sử dụng rau quả của Trung Quốc do sợ dư lượng chất bảo quản thực phẩm cao, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nên anh đã chuyên xuất hàng cho các đại lý từ Thanh Hóa, Vinh trở vào đến Gia Lai, Lâm Đồng, Sài Gòn, Kiên Giang ... có khi hàng hóa sang cả đất Lào.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa nông sản, anh đã đặt các điểm thu mua ở hầu hết các huyện trong tỉnh nhà và tỉnh Thái Bình. Các điểm có đầu tư giống, vốn hướng dẫn kỹ thuật trồng, thu hái, bảo quản đúngquy trình, đúng thời điểm để hàng hóa đảm bảo chất lượng và thuận tiện cho việc thu giao hàng. Anh đã tổ chức hướng dẫn cho các họ nông dân về khoa học kỹ thuật và cách chăm bón phòng trừ được sâu bệnh mà không gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Với suy nghĩ bản thân mình cũng là nông dân, anh thấu hiểu cái vất vả của họ nếu mình mua quá rẻ, người nông dân thua lỗ họ không sản xuất nữa thì mình lấy dâu hàng để kinh doanh nên khi mua hàng bản thân anh tuyệt đối không lợi dụng, trục lợi, không ép giá mà mình mua với giá cả vừa phải để đôi bên cùng có lợi.
Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hiện nay mỗi ngày gia đình anh đều có 2 - 3 xe, có ngày lên đến 4 - 5 xe bình quân mỗi xe chở từ 15 - 20 tấn rau, củ, quả đi các tỉnh. Không để xe về không, anh liên hệ với các đại lý ở địa phương trong tỉnh chuyên cung cấp các loại quả dừa, vải, bí xanh mà địa phương mình không có. Anh đầu tư xây sửa nhà kho, bến bãi, lo phương tiện vận tải để vận chuyển hàng hóa ra thị trường năm sau nhiều hơn năm trước.
Anh tâm sự: Để có được như ngày hôm nay là do có sự quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương và các ban ngành đoàn thể các cấp. Có được sự tin tưởng của bà con nông dân, giá cả mua hợp lý, phải biết ứng dụng khoa học kỹ thuật đưa các giống cây trồng mới cho năng suất và chất lượng cao để khuyến cáo cho các hộ nông dân cùng sản suất. Đặc biệt trong kinh doanh phải luôn lấy chữ tín làm đầu.