00:00 Số lượt truy cập: 2661369

Người nông dân quyết tâm giữ nghề truyền thống 

Được đăng : 03/11/2016

Dĩnh Kế là một xã thuộc thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang nằm dọc quốc lộ 1A tuyến Hà Nội – Lạng Sơn, một làng nghề nổi tiếng với đặc sản chiếc bánh đa. Bánh đa kế là một món ăn bình dị, dân dã, chứa đựng trong đó bao hương vị đậm đà chất quê Bắc Giang. Những chiếc bánh đa với hình yên ngựa vàng bóng, vị bùi, thơm mùi lạc vừng, khoai lang… đã trở thành món quà không thể thiếu đối với du khách đến nơi đây.


Như mọi người đã biết Bánh Đa Kế có cách đây ba, bốn trăm năm. Từ khi xuất hiện chiếc bánh đa cho tới thập kỷ 60 của thế kỷ XX các nghệ nhân làm bánh giỏi đều sử dụng phương pháp tráng bánh bằng củi cho tới những năm 1965 thì chuyển sang tráng bánh bằng than. Tuy nhiên, các phương pháp tráng bánh truyền thống trên còn tồn đọng rất nhiều nhược điểm như: thời gian tráng bánh lâu hơn, chi phí cao hơn, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe không những của người thợ tráng bánh mà còn ảnh hưởng đến mọi người dân xung quanh… Vì nguyên nhân trên dẫn tới nhiều hộ đã bỏ nghề truyền thống (từ 400 hộ năm 2005 xuống chỉ còn 62 hộ năm 2013) do mắc phải những loại bệnh nghề nghiệp như bệnh phổi, bệnh viêm đường hô hấp do hít phải khí than.

Trăn trở cho tương lai làng nghề truyền thống bị thu hẹp, một người nông dân yêu nghề - anh Nguyễn Xuân Trường đã nhiều năm nung nấu ý tưởng đưa công nghệ vào sản xuất bánh đa bằng điện thay thế phương pháp tráng bánh bằng than.

Gặp anh Trường chúng tôi thấy ấn tượng với dáng vẻ một người nông dân cần cù, chịu khó. Anh Trường cho biết, sau khi tìm tòi nghiên cứu bộ phận nấu sữa đậu nành bằng điện, ngày 02 tháng 3 năm 2013, anh đã mạnh dạn áp dụng tráng bánh đa bằng điện. Do chưa có nhiều kinh nghiệm lựa chọn công suất máy nên thất bại nhiều lần. Bằng lòng quyết tâm của một nông dân yêu làng nghề và ham học hỏi cuối cùng anh Trường cũng chọn được công suất máy như mong muốn.

Anh Trường bắt tay vào sản xuất ra 3 chiếc đầu tiên cho gia đình áp dụng. Cách sản xuất máy khá đơn giản, thiết kế máy gồm 1 lòng nồi phẳng có kích cỡ phù hợp với loại bánh, bên trong lắp đặt 2 thanh nhiệt, một thanh nhiệt vòng tròn ôm quanh nồi 5000W và một thanh nhiệt chạy dọc trung tâm nồi với công suất 3000W. Nồi được vận hành bằng dòng điện 3 pha, khi sử dụng phủ kín bằng vải để giữ nhiệt và tráng bánh trên lớp vải đó.

Qua thử nghiệm máy tại gia đình anh nhận thấy chi phí sử dụng tráng bằng máy điện mỗi ngày tiết kiệm hơn 15 nghìn so với nhóm than, nhiệt sử dụng không bị hao phí do hấp thụ của lò là 10%, tiết kiệm thời gian không phải nhóm lò từ 60 – 90 phút, mỗi ngày tráng thêm được 100 bánh, ngoài tiết kiệm thời gian thì mỗi ngày còn tăng thu nhập thêm 126 nghìn đồng.

Với quyết tâm giữ nghề truyền thống, xoá bỏ hiện tượng bỏ nghề do nhiễm bệnh khí độc than, anh Trường tiến hành phổ biến công nghệ mới, ban đầu là hàng xóm và họ hàng gần xa, lâu dần người người truyền tai nhau về ưu điểm của công nghệ mới này và các cơ sở sản xuất bánh bắt đầu tìm đến hỏi kinh nghiệm và đặt mua nồi điện.

Hiện nay, các hộ đã áp dụng đều có chung nhận xét “tráng bánh đa bằng điện không gây ô nhiễm môi trường, người tráng bánh không bị ảnh hưởng sức khoẻ do khí độc than, hơn nữa lại tiết kiệm thời gian, chi phí đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt”. Vì thế, phương pháp này ngày càng được nhiều hộ đã áp dụng thành công và có những hộ bỏ nghề đã trở lại tiếp tục phát huy nghề. Sự sáng tạo của anh Trường được chính quyền và nhân dân ủng hộ và có triển vọngmở rộng sang nhiều loại hình sản xuất, chế biến nông sản khác.

Nhờ công nghệ của anh Trường, sản phẩm bánh đa làng Dĩnh Kế ngày càng nâng cao về chất lượng, đáp ứng nhu cầu không chỉ trong nước mà còn vượt ra cả nước ngoài, món ăn dân dã bánh đa Kế thơm ngon nổi tiếng sẽ được giới thiệu tới nhiều miền quê trên thế giới và sẽ là món đặc sản được nhiều người mong đợi!