Vào thời điểm trung tuần tháng 3-2011, giá cá tra lên đến hơn 25.000 đồng/kg, tăng gần 50% so cùng kỳ năm trước.
Giá cá tra tăng vọt đồng nghĩa với việc bà con nông dân “được mùa” giá bán. Đi liền với tin vui này là một nghịch lý gây bất lợi lớn: một số doanh nghiệp chế biến cá tra phải ngừng hoạt động hoặc chỉ hoạt động ở mức cầm chừng với công suất thấp. Khan hiếm cá tra nguyên liệu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên. Kể từ cuối năm 2010, thiếu cá tra nguyên liệu đã được báo động và đến nay trở nên trầm trọng hơn. Tại thời điểm hiện nay, diện tích nuôi cá tra không những không tăng mà con giảm sút nghiêm trọng, có những địa phương giảm đến gần 40%. Hiện tượng “treo ao” xảy ra tại nhiều nơi thuộc khu vực thâm canh cá tra, ngoài ra còn có sự chuyển đổi từ ao nuôi cá tra sang nuôi trồng loại khác có lợi ích vững chắc hơn.
Vấn đề cần làm rõ là vì sao xảy ra hiện tượng “treo ao” và tại làm sao nhiều hộ nông dân “chán” nuôi cá tra. Kể từ năm 2010 trở về trước, hiện tượng bán cá tra thấp hơn giá thành vẫn thường xảy ra, người gánh chịu hậu quả chính là bà con nông dân. Sau nhiều lần bị thua lỗ, không ít hộ nuôi cá tra ở các địa phương không có sự lựa chọn nào hơn là “treo ao” hoặc chuyển đổi sang nuôi trồng loại khác. Nhìn giá cá tra tăng vọt như hiện nay, số đông hộ nông dân tiếc nuối nhưng họ không thể nuôi cá bằng 2 bàn tay trắng.
Ao bỏ không trong khi giá cá tra tăng vọt, đây là hiện tượng phi lý về khâu chỉ đạo nhưng lại có lý về điều kiện làm ăn của hộ nông dân. Diện tích nuôi cá giảm mạnh (có những nơi giảm hơn 40%) đẩy giá cá tra tăng lên mức kỷ lục. Trước đó thì trái ngược, diện tích lớn, sản lượng cao nhưng rớt giá, người nuôi cá bị lỗ. Đây là cái vòng luẩn quẩn của câu chuyện nuôi cá tra, dĩ nhiên đơn phương bà con nông dân không thể giải quyết được vấn đề này. Đành rằng ở đây có nguyên nhân thuộc về bà con nông dân, nhưng vai trò của Nhà nước còn lớn hơn.