00:00 Số lượt truy cập: 2671181

Người phát kiến “suối ngô” 

Được đăng : 03/11/2016

Trong một lần phơi ngô trên mái nhà, ông Thận đã nghĩ ra cách vận chuyển để tránh phải mang vác nặng là dùng một đoạn đường ống nước thả ngô hạt xuống. Vậy là thay vì ì ạch vác những bì ngô leo lên, leo xuống chỉ bằng mấy động tác đơn giản, ngô đã “chảy” ào ào vào giữa nhà, rất nhanh lại nhẹ nhàng...


Bản Nà Chiếu (Cao Sơn, Đà Bắc) được bao bọc bởi những đỉnh núi cao như Suối Cụt, Voi Nhảy, Thung Củ. Đến giữa bạt ngàn núi non đó, từ xa, khách có thể nhìn thấy ba đường ống lớn chạy thẳng từ đỉnh núi xuống, trông như những máng nước khổng lồ, nhưng lại gần, hoá ra không phải. Đó là cả một hệ thống vận chuyển thông minh, là “dòng suối” ngô chảy từ đỉnh Thung Củ xuống bản làng. Người khai sinh ra đường ống ấy là ông Xa Ngọc Thận - người dân tộc Tày ở bản Nà Chiếu. Vốn gốc quê ông ở xã Tiền Phong nhưng từ hồi làm thuỷ điện sông Đà, bản làng chìm sâu hàng trăm mét dưới mực nước lòng hồ, năm 1983, ông được di dân sang bản Nà Chiếu. 

Chủ nhân bên hệ thống đường ống dẫn ngô từ trên núi xuống

Cao Sơn là thủ phủ ngô của Đà Bắc với cỡ 600 ha, riêng Nà Chiếu đã chiếm 180 ha. Đồng bào Tày, Mường ở đây canh tác ngô trên những bãi chon von lưng chừng trời ở đỉnh Suối Cụt, Voi Nhảy, Thung Củ có độ cao cả dăm bảy trăm đến ngàn thước. Người khoẻ, cái chân quen leo đồi, bám núi cũng đi mất chừng hai tiếng mới chạm đỉnh, do đó việc vận chuyển phân bón và nhất là thu hoạch ngô trên độ cao cả ngàn mét này là một việc cực kỳ gian nan. Đến mùa, người chủ rẫy phải đi từ hôm trước lên lán ngủ, lấy sức để cả ngày hôm sau đi bẻ ngô rồi chẳng kịp phơi phóng, cứ để nguyên bắp gùi ngô xuống núi. Cánh trai tráng lực lưỡng gùi được 40 kg, phụ nữ, người già chỉ kham nổi 25-30kg. Những gùi ngô trĩu nặng trên vai, quai tì nghiến trầy nát da thịt. Cả một ngày cật lực được hai chuyến gùi ngô như vậy, mất rất nhiều công nên phần lớn bà con phải thuê thêm cả lao động ngoài. Mỗi gùi ngô khi xuống đến chân núi bị xẻ một nửa, phần cho chủ nương rẫy, phần cho phu gùi.

Vụ thu hoạch nhiều khi mất cả tháng. Như nhà ông Xa Ngọc Thận có 4 ha ngô, vụ nào cũng thuê cỡ 12 người làm ròng rã trong 20 hôm, đến khi chuyển được hết xuống núi coi như mất đứt 2 ha ngô để trả công người làm. Mỗi vụ ngô vần vò cả tháng trời tưởng như đứt ruột vì mệt mà chẳng để ra được bao lăm, khiến ông Thận nghĩ lung lắm. Trong một lần phơi ngô trên mái nhà, ông Thận đã nghĩ ra cách vận chuyển để tránh phải mang vác nặng là dùng một đoạn đường ống nước thả ngô hạt xuống. Vậy là thay vì ì ạch vác những bì ngô leo lên, leo xuống chỉ bằng mấy động tác đơn giản, ngô đã “chảy” ào ào vào giữa nhà, rất nhanh lại nhẹ nhàng. Một ý tưởng chợt loé trong ông như tia chớp. Tại sao ta không dùng cách này để vận chuyển ngô từ đỉnh Thung Củ xuống? Tất nhiên, việc đó sẽ rất khó vì đỉnh núi không thấp tè như mái nhà mình và hệ thống đường ống sẽ phải đầu tư cực lớn.

Sáng kiến của ông trong mắt vợ con trở thành “tối kiến” đến mức dù nói kiểu gì họ cũng nhất định can ngăn. Ông là nông dân đặc, chỉ biết trồng ngô, kéo cá chứ làm sao thực hiện nổi việc tày trời như vậy nên chẳng ai dám cho ông phiêu lưu mạo hiểm. Kiên trì thuyết phục đúng mất 2 vụ ngô, ông mới nhận được cái gật đầu của vợ, công việc khởi sự cách đây đã tám năm.

Vậy là bố con ông ngày ngày ăn cơm nhà, leo núi Thung Củ để khảo sát xem đường vận chuyển nào là thẳng, là thuận tiện nhất, có thể tránh được cây to, tránh được hỏm đá sâu. Cứ thế con đường được ông “vẽ” dần trong đầu mà không tốn lấy một đồng giấy mực. Có được hình dung rồi, bố con ông lại vác búa tạ, vác choòng đi đập những tảng đá lớn trên con đường dự tính làm hệ thống vận chuyển.

Mất cả tuần phồng da tay, mướt mồ hôi trán, việc đập đá cơ bản hoàn thành. Ông ra chợ mua hàng trăm đoạn ống nhựa loại phi 110mm, rồi căng một đường dây thép phi 6 làm chỗ dựa để buộc ống vào. Toàn mày mò tự rút kinh nghiệm, lúc đầu ông chỉ đơn giản đút hai gờ ống vào với nhau nhưng lực ngô từ trên độ cao cả ngàn thước chảy xuống mạnh chẳng kém gì hòn sỏi bắn đi từ ná cao su, căng đến nỗi khiến cho những đoạn ống tụt ra, ngô vọt tung toé khắp sườn núi.

Ông lại nghiên cứu dùng một thứ keo thử dán vào đường ống nhưng ngoài trời nắng gắt, cộng thêm trọng lượng của ngô bên trong, không thứ keo nào có thể trụ lại mà chỉ vài ngày là bong ra hết, ngô vẫn vương vãi vàng cả những hốc đá trên núi. Xót của nhưng vẫn bền gan, cuối cùng ông nghĩ ra một mẹo là cắt chính những dường ống nhựa, mỗi đoạn chừng 30-40cm, rồi nối hai đầu ống vào lại buộc dây thép cố định thêm. Trên đỉnh ống ông đấu vào một cái phễu khổng lồ cỡ chiếc bàn uống nước. Cả hệ thống bền vững đến mức ngô đổ vào không một hạt rơi ra ngoài nổi.

Thành công việc làm đường ống dẫn, ông mới hì hụi phạt cây, san đất làm một con đường ô tô chạy từ đường bản xuyên qua vườn nhà để những chiếc xe tải 20 tấn vô tư ghé đít thùng vào tận cuối đường ống ở chân núi. Một chiếc máy tẽ ngô được đưa về đảm bảo cho công tác “đầu vào”, thay thế sức người.

Việc vận chuyển chiếc máy nặng tới 3,7 tạ lên đỉnh Thung Củ quả là kỳ công hết sức. Nó được tháo tung ra thành từng bộ phận như máy nổ, sàng, ốp sàng, bánh trục quay…rồi buộc dây chão vào, xỏ đòn gánh khiêng lên đỉnh núi chẳng kém gì bộ đội ta kéo pháo lên Điện Biên Phủ năm xưa. 18 người mất cả buổi luồn rừng, tránh đá mới cõng được từng chi tiết máy tẽ ngô lên đỉnh Thung Củ. Rồi những can dầu phục vụ cho máy nổ cũng được xách theo đường rừng, ngược trời thẳng tiến. Ông Thận còn đi mua hàng trăm cây nứa ở tận xã Tân Minh bó vác lên núi lại gùi từng tàu lá cọ, phát cây rừng làm cột dựng một cái kho lớn với sức chứa 40 tấn ngay trên đỉnh núi để chứa ngô. Tất cả công việc bắc thang lên trời đó hoàn thành vào năm 2001 với kinh phí 38 triệu đồng gồm cả tiền vay ngân hàng và huy động ngoài.

Buổi đầu tiên khánh thành công trình, 137 hộ dân trong bản Nà Chiếu không sót hộ nào không ra chứng kiến. Họ lên đỉnh Thung Củ từ tận hôm trước, ngủ tại lán để sang hôm sau xem. Ông Thận hôm đó hết chạy lên đỉnh lại chạy xuống chân núi để chỉ đạo, đốc thúc công việc. Đến khi, những hạt ngô chảy rào rào như dòng thác trong đường ống trong niềm vui khôn tả của bà con, ông mới tạm yên lòng.

Noi gương ông, các anh Đinh Văn Công, Đinh Văn Thiết cũng đến học hỏi rồi về làm 2 hệ thống ống vận chuyển nữa nên toàn bộ ngô trên núi đều “hạ sơn” theo kiểu này hết. Trên núi họ còn bố trí 4 xe trâu vận chuyển ngô từ rẫy về lán để tẽ thay vì phải dùng động cơ chạy bằng…cơm để vác như bà con vẫn tếu táo. Được cái cả ba hệ thống này, như một quy ước ngầm, chỉ lấy tiền dịch vụ bằng nhau nên bà con cứ nương rẫy ở đâu gần là tìm đến.

Giờ thay vì hết chạy lên, chạy xuống núi chỉ đạo miệng việc vận chuyển ngô nữa, ông Thận sắm cho hai đầu hai máy điện thoại, vì thế mà công việc rót ngô, lấy ngô trở nên trơn tru hơn bao giờ hết. Theo như cách tính toán của ông, mỗi đoạn ống 4m chịu lực 7 kg ngô, nên một giờ sẽ được 4 tấn ngô, bằng đúng 50 lực điền gùi cả một ngày cật lực. Trước 4 ha ngô của ông vận chuyển xuống mất cả tháng trời, giờ chỉ mất chưa đầy một ngày. Thời gian còn lại, ông xoay ra làm dịch vụ cho bà con trong bản. Tất nhiên là ông không “cưa đôi” ngô như cánh vận chuyển thủ công mà lấy rất hữu nghị, tẽ ngô mất 80.000 đ/tấn, chuyển ngô 70.000đ/tấn… Một năm hai vụ ngô, năm ít ông thu 30-40 triệu, năm nhiều cũng được 50-60 triệu nên chỉ sau hai vụ là trả hết nợ tiền làm hệ thống ống.

Vụ thu hoạch ngô không còn những ngày vàng con mắt như xưa, không còn những ngày dây gùi nghiến nát da thịt đến bỏng rát mà trở thành ngày hội. Dân bản địu theo cả con nhỏ để vừa bẻ ngô vừa có thể trông con, rồi họ còn mang rượu thịt lên núi để tối đến quây quần, và vụ thu ngô chỉ làm chừng vài ngày là kết thúc.