Nhờ phát triển kinh tế theo mô hình kinh tế trang trại (KTTT), đến nay gia đình anh Nguyễn Văn Dũng ở thôn Phù Lang, Phù Lương (Quế Võ) đã có một trang trại rộng hơn 7 mẫu, mỗi năm cho thu nhập từ 300 đến 500 triệu đồng.
Năm 2004, thực hiện chủ trương chuyển đổi ruộng trũng sang nuôi trồng thuỷ sản, anh Dũng đấu thầu 5ha ruộng của thôn cùng với hơn 2 mẫu ruộng của gia đình để xây dựng trang trại. Học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, anh Dũng chia gần 4 mẫu ao nuôi thành 4 ao khác nhau để vừa ươm cá giống vừa nuôi cá thương phẩm. Đồng thời, anh xây dựng khu chuồng trại chăn nuôi với diện tích gần 200m2 mỗi lứa nuôi từ 60-70 con lợn. Xung quanh bờ ao, anh trồng sắn và chuối làm thức ăn cho lợn và cá. Gần 3 mẫu ruộng trũng anh thâm canh theo mô hình cá lúa.
Nhờ làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi nên chỉ hai năm sau trang trại của gia đình anh đã cho thu lãi. Năm 2009, được sự giúp đỡ của Trạm Khuyến nông huyện, anh Dũng nuôi lưu trú qua đông hơn 20 vạn cá rô phi đơn tính, tỷ lệ sống đạt hơn 60%, thời gian lưu trú hơn 3 tháng nhưng cho thu lãi gần 50 triệu đồng. Hiện nay, trung bình mỗi năm trang trại cho thu hoạch từ 14 đến 15 tấn cá, hơn 70 tấn thịt lợn hơi và từ 5 đến 7 tấn thóc, trừ chi phí gia đình anh thu lãi hơn 200 triệu đồng.
Anh Lê Văn Khuyến ở thôn Đại Lâm, Tam Đa (Yên Phong) cũng chọn mô hình KTTT làm hướng để thoát nghèo. Năm 2003, anh bắt tay vào xây dựng trang trại trên diện tích hơn 4 mẫu ruộng trũng của thôn. Được sự giúp đỡ cho vay 90 triệu đồng của Quỹ tín dụng nhân dân xã, anh Khuyến đầu tư đào ao, xây chuồng trại, mua con giống. Đến nay, gia đình anh đã có một cơ ngơi khang trang với ngôi nhà 3 tầng kiên cố, trang trại chăn nuôi quy củ với khu chuồng trại hơn 150m2, trung bình nuôi khoảng 50 con lợn/nứa, cho thu hoạch hơn 50 tấn thịt lợn hơi/năm và hơn 3 mẫu ao cho thu hoạch hơn 10 tấn cá/năm. Mỗi năm trang trại cho thu nhập hơn 300 triệu đồng, nhờ đó đến nay gia đình anh Khuyến đã trả hết nợ.
Khi được hỏi nguyên nhân nào để anh Khuyến chọn hướng phát triển mô hình KTTT, anh cho biết: “Mình đã được đi tham quan học hỏi về xây dựng KTTT ở các huyện khác trong tỉnh, thấy được lợi ích mà KTTT mang lại nên mình học hỏi và làm theo. Làm trang trại không khó, quan trọng là có tính nhẫn nại, chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, thường xuyên học tập kinh nghiệm chăm sóc đàn gia cầm vật nuôi trên sách báo, tăng cường phòng trừ dịch bệnh cho đàn vật nuôi thì sẽ thành công.”
Anh Dũng, anh Khuyến chỉ là hai trong hàng ngàn nông dân trên địa bàn tỉnh đã vươn lên làm giàu từ mô hình KTTT. Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp & PTNT) đến nay toàn tỉnh có 2.477 trang trại, trong đó 744 trang trại sản xuất và kinh doanh tổng hợp, 1.274 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, 455 trang trại nuôi trồng thuỷ sản và 4 trang trại trồng trọt, Thu hút hơn 7.864 lao động, với thu nhập bình quân từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/tháng. Các địa phương tập trung nhiều trang trại như: Gia Bình, Lương Tài, Yên Phong, Thuận Thành, Tiên Du…
Ông Nguyễn Văn Xuyên, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: “KTTT là bước phát triển mới của kinh tế hộ chuyển từ sản xuất tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hoá với quy mô lớn gắn với thị trường. Phát triển KTTT có vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp CNH HĐH của các địa phương nói riêng và toàn tỉnh nói chung. Đồng thời, phát triển KTTT còn góp phần xóa đói giảm nghèo cho các xã, các huyện thuần nông, góp phần giảm áp lực lao động cho các địa phương, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông nghiệp của địa phương.