00:00 Số lượt truy cập: 3228153

Nơi hội tụ những người làm vườn giỏi 

Được đăng : 03/11/2016

Nằm ở ngoại ô TP. Hồ Chí Minh, những năm gần đây, quận 12 được biết đến là nơi có nhiều ông chủ, bà chủ trang trại VAC có thu nhập cao ngất ngưởng. Họ đều là những hội viên tiêu biểu của Hội Làm vườn và Trang trại thành phố. Xin điểm qua một số gương mặt trong số đó.


Ông Bùi Hoàng Long kiểm tra sự phát triển của đàn trăn.

Sinh năm 1953, ông Phạm Ngọc Xuân ở số 700/39, khu phố 2 (phường An Phú Đông) có nhiều năm liền đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp quận và thành phố với mô hình nuôi thỏ nái, thỏ thịt và trồng mai ghép. Hiện, ông có một trại thỏ với hơn 250 con thỏ nái, chuyên cung cấp giống cho các trang trại chăn nuôi vệ tinh thuộc các huyện Củ Chi, Hóc Môn hay những nơi xa xôi như Bình Phước, Bến Tre, Bình Thuận, Đồng Nai. Ngoài ra, mỗi ngày ông còn cung cấp 40kg thịt thỏ thương phẩm cho các nhà hàng với giá bình quân 75.000 đồng/kg, lợi nhuận bình quân 150 - 200 triệu đồng/năm.

Với 7 cơ sở chân rết, ông Xuân đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động với thu nhập ổn định và 2 lao động thường xuyên với mức lương 1,2 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, ông Xuân còn là Chi hội trưởng Chi Hội nông dân khu phố, được Bộ Nông nghiệp và PTNT tặng Bằng khen năm 2003, Kỷ niệm chương "Vì giai cấp nông dân Việt Nam"; Bằng khen của Trung ương Hội Làm vườn và nhiều bằng khen, giấy khen khác.

Cách nhà ông Xuân vài ngõ, ông Nguyễn Văn Bay ở số 1872/3B, khu phố 2 nổi tiếng với biệt hiệu "vua" mai ghép, đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền. Chỉ với 8.000m2 đất, ông Bay xoay xở khéo đến nỗi trồng được trên 2.000 chậu mai ghép, giải quyết việc làm cho 20 người, đặc biệt, thời điểm cận Tết, ông phải thuê tới 150 lao động. Mỗi năm, trừ chi phí, ông Bay bỏ túi 500 triệu đồng.

Không những giỏi trồng cây cảnh, ông Bay còn tích cực tham gia sinh hoạt ở Chi hội Nông dân, Hội Làm vườn khu phố, chia sẻ kinh nghiệm trồng mai ghép cho bà con. Ông được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong phong trào chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp địa phương.

Lâu nay, nhiều người vẫn sợ khi nhìn thấy loài trăn, nhưng với ông Bùi Hoàng Long, sinh năm 1960 ở số 160, khu phố 3B, phường Thạnh Lộc thì trăn đã trở thành "bạn". Trên diện tích khoảng 200m2, ông Long xây dựng 100 chuồng nuôi trăn thịt và trăn nái, lợi nhuận thu về trên 100 triệu đồng/năm. Hiện, ông đã vận động những người "yêu" trăn thành lập tổ nuôi trăn với 4 thành viên và thành lập tổ phụ da; trăn thịt thì bán cho các nhà hàng, còn da dùng để sản xuất dây thắt lưng, túi xách, ví… Chưa hết, ông Long còn mở điểm thu mua bông lài cho nông dân trong khu vực, giúp đỡ 10 hội viên vay vốn không lãi suất trên 50 triệu đồng.

Hiện ông là Phó trưởng ban điều hành khu phố 3B, Tổ trưởng Tổ dân phố 10, được các cấp ngành trao tặng kỷ niệm chương "Vì giai cấp nông dân Việt Nam" năm 2011, Huy hiệu Hồ Chí Minh, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố nhiều năm liền.

Không chỉ có nam giới sản xuất giỏi mà hội viên nữ trên địa bàn quận 12 cũng thể hiện tinh thần hăng hái thi đua làm giàu, tích cực chung tay xây dựng kinh tế, điển hình là bà Trần Thị Mỹ Lệ, sinh năm 1962, ở số 19/4A, khu phố 3, phường Tân Chánh Hiệp. Hiện bà đang nuôi 15 con bò sữa, đồng thời làm dịch vụ cung cấp thức ăn cho bò (hèm bia). Mỗi tháng bà Lệ thu được 5 tấn sữa, bán cho các công ty với giá 7.200 đồng/kg, thu về chừng 150 triệu đồng/năm.

Đặc biệt, với dịch vụ cung cấp hèm bia cho bò, bà Lệ thu về khoản lợi nhuận cao ngất ngưởng, 360 triệu đồng/năm. Với mô hình kinh tế trên, bà Lệ đã tạo việc làm cho 10 lao động với mức lương bình quân 2 triệu đồng/người/tháng. Bà Lệ hiện là Phó trưởng ban Mặt trận Tổ quốc khu phố 3, đồng thời là "Mạnh thường quân" của Hội Làm vườn và Trang trại quận 12 vì có nhiều đóng góp cho sinh hoạt Hội.

Phong trào làm vườn của quận 12 không chỉ nở rộ với nhiều gương cá nhân điển hình, mà còn xuất hiện nhiều tổ, nhóm sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, đơn cử như Tổ trồng rau muống nước tại khu phố 2 (phường Thạnh Xuân). Hiện, tổ có 15 hộ dân tham gia, sản xuất trên 10ha đất. Các hộ được tập huấn kỹ thuật, cách chăm sóc và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình. Qua 4 tháng triển khai, mô hình đã đạt nhiều kết quả khả quan, trong đó cái được thứ nhất là áp dụng phương pháp trồng rau theo quy trình VietGAP, giúp vốn đầu tư, tăng lợi nhuận. Cái được thứ hai là sản phẩm được Công ty Hương Cảnh bao tiêu, đồng thời tạo niềm tin cho người tiêu dùng.