Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nông thôn (CCRD) thuộc Hội Làm vườn Việt Nam là một trong những đơn vị thành công trong việc giúp nông dân trở thành nhà cung cấp dịch vụ tiềm năng. “Chỉ nông dân mới hiểu rõ thứ họ cần” Đó là câu trả lời của ông Phạm Văn Thành, Giám đốc CCRD khi được hỏi vì sao Trung tâm quyết định chọn những đội dịch vụ biogas là nhà cung cấp chính. ông Thành kể lại: “Năm 2007, khi mô hình biogas do CCRD triển khai ở 2 huyện Hà Trung và Hậu Lộc (Thanh Hoá) đạt kết quả ngoài mong đợi, chúng tôi đã nghĩ ngay đến việc mở rộng thị trường, tiến tới mục tiêu xã hội hoá ngọn lửa biogas. Tuy nhiên, việc triển khai để chương trình đạt hiệu quả cao không hề đơn giản. Lúc ấy, tôi chợt nghĩ đến các đội dịch vụ biogas. Họ chính là những nông dân đầu tiên tiếp cận mô hình, hơn thế nữa họ đã có thời gian làm việc và gắn bó với chúng tôi nên chắc chắn họ sẽ làm tốt công việc này. Đây cũng chính là mục tiêu mà chúng tôi muốn hướng tới, đó là nông dân truyền kinh nghiệm cho nông dân”. Bắt đầu từ đó, 20 đội dịch vụ của 2 huyện Hà Trung và Hậu Lộc đã được nâng cao năng lực để trở thành những nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp. Họ không chỉ hướng dẫn kỹ thuật xây dựng và sử dụng hầm biogas, mà còn học cách quản lý, vận hành công tác dịch vụ; được đào tạo các kỹ năng marketing... Các đội đã tự tiếp cận khách hàng tiềm năng là hộ gia đình chăn nuôi từ 5-7 con heo hoặc số trâu, bò tương đương để thuyết phục, thu hút sự tham gia của cộng đồng tiếp cận dịch vụ kỹ thuật xây dựng hầm biogas VACVINA. Tuy nhiên, mọi việc không hề suôn sẻ. Dịch lợn tai xanh và lở mồm long móng xảy ra liên tiếp tại Thanh Hoá, khiến đàn gia súc giảm. Bà con không còn đủ tiềm lực và hào hứng để xây dựng hầm biogas. “Thế nhưng, những khó khăn khách quan ấy chưa ăn nhằm gì so với những hạn chế từ phía người dân” - ông Thành cho biết – “Trước khi mô hình biogas của CCRD đến với bà con, địa phương đã có mô hình biogas nắp vòm nhưng mô hình này không phát huy được tác dụng, do vậy bà con không mấy tin tưởng khi được tuyên truyền về mô hình biogas VACVINA. Bên cạnh đó, sự ỷ lại và trông chờ của một số hộ gia đình vào tài trợ của chương trình khuyến nông làm giảm đáng kể tốc độ phát triển, mặc dù giá thành của biogas VACVINA thấp hơn nhiều so với chi phí mà các gia đình phải bỏ ra để xây hầm biogas dạng nắp vòm”. Vượt khó... Các đội cung cấp dịch vụ nhận Bằng khen của Ban chấp hành Hiểu được những băn khoăn của bà con, các đội cung cấp dịch vụ không nản lòng mà kiên trì thuyết phục, giúp từng hộ chăn nuôi hiểu rõ hiệu quả thiết thực của mô hình biogas VACVINA. Thông qua hệ thống truyền thanh, họ phổ biến những kiến thức về việc áp dụng công nghệ khí sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi, tạo khí đốt phục vụ sinh hoạt và bảo vệ môi trường. Nhờ đó, nhận thức của cộng đồng dần thay đổi, nhiều người bắt đầu quan tâm đến mô hình biogas. Sự quan tâm và “vào cuộc” của chính quyền địa phương cũng là nhân tố tích cực, góp phần tạo nên thành công của chương trình. Một yếu tố nữa không thể thiếu là sự chỉ đạo của Hội Làm vườn các cấp. Từ đó tạo đà và cơ hội thuận lợi để các đội dịch vụ phát huy vai trò của mình trong cộng đồng, cung cấp dịch vụ xây dựng biogas. Kết quả là hàng năm, các đội dịch vụ biogas ở Thanh Hóa đã phát triển thêm 600 mô hình, trong đó ba đội dịch vụ biogas Phú Lộc, Hà Lĩnh và Đa Lộc đã đạt thành tích xuất sắc về tốc độ phát triển biogas, được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam. Năm 2009, ba đội tiếp tục được chọn làm các đơn vị tiên phong sang các huyện lân cận của tỉnh để mở rộng thị trường. Thành công trong phát triển mô hình biogas của CCRD không chỉ chứng minh sự đúng hướng của chương trình mà còn khẳng định một điều: nếu thực sự được đào tạo bài bản, có hệ thống, nông dân hoàn toàn có thể trở thành nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, mang lại hiệu quả cao, góp phần làm giàu cho bản thân và xây dựng nông thôn mới. |