Những năm qua, phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng đã được nông dân Phú Thọ tích cực hưởng ứng, nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao, hình thành một số vùng sản xuất hàng hoá tập trung; đời sống của hội viên nông dân ngày càng được cải thiện…
Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi và làm giàu chính đáng được phát động rộng rãi trong nông dân có tác động thúc đẩy quá trình sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện và vững chắc, đảm bảo an ninh lương thực, năng suất lúa bình quân của tỉnh tăng khá, năm 2011 vụ chiêm xuân đạt năng suất trên 56 tạ/ha, sản lượng lương thực năm 2011 dự kiến đạt 49 vạn tấn, bình quân lương thực 358kg/người/năm, bình quân thu nhập 11,5 triệu đồng/người/năm; Diện tích cây công nghiệp lâu năm tăng, trong đó cây chè đạt trên 16.000h, năng suất bình quân đạt 75tạ/ha, sản lượng gần 80.000 tấn búp tươi. Trồng rừng tập chung đạt gần 6 ngàn ha, khoanh nuôi bảo vệ rừng được chú trọng, độ che phủ rừng đạt trên 48%. Diện tích cây ăn quả toàn tỉnh Phú Thọ đạt 13 ngàn ha, sản lượng hàng năm khoảng 50 ngàn tấn. Chăn nuôi ngày càng phát triển, đàn trâu 91,3 ngàn con; đàn bò 139,7 ngàn con; đàn lợn đạt 720 ngàn con, gia súc gia cầm tuy có dịch bệnh cục bộ song vẫn phát triển mỗi năm đạt 85 ngàn tấn thịt; 2,9 triệu quả trứng. Nuôi trồng thủy sản phát triển trên 10 ngàn ha mặt nước, sản lượng mỗi năm đạt trên 21 ngàn tấn trong đó phong trào nuôi cá lồng, cá rô phi đơn tính, chép lai, tôm càng xanh được áp dụng rộng rãi trên địa bàn tỉnh, một số mô hình chăn nuôi đang có xu hướng phát triển như nuôi lợn rừng, rắn, ba ba, nhím, cá sấu ...Có nhiều cánh đồng đạt 70 - 90 triệu đồng/ha/năm.
Từ đó đã thúc đẩy các hoạt động Hội và các phong trào thi đua của nông dân, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh. Phát huy vai trò của mình, các cấp Hội đã chủ độngphối hợpvớicác ngành chức năng như phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT và các Ngân hàng thương mại giúp cho hội viên nông dân vay trên 40 tỷ đồngđể phát triển sản xuất. Thực hiện Nghị quyết liên tịch giữa Hội Nông dân Việt Nam vớiNgân hàng Chính sách xã hội, Hội Nông dân đã thành lập 1.467 tổ tiết kiệm vay vốn ở 233 xã, phường và nhân ủy thác 797,3 tỷ đồng với 55.335 lượt hộ vay vốn đầu tư vào sản xuất; Hội còn phối hợp với các công ty phân bón trong và ngoài tỉnh đặc biệt là công ty Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao ứng phân bón trả chậm mỗi năm gần 10 ngàn tấn giúp cho hàng vạn hộ nông dân có điều kiện được đầu tư thâm canh cây trồng.
Gắn với việc tạo vốn, các cấp Hội phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hàng năm tổ chức từ 600 - 800 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phòng trừ sâu bệnh, phát triển kinh tế trang trại, hội thảo tham quan mô hình sản xuất giỏi cho trên 30 ngàn lượt hộ nông dân tham gia học tập. Một số mô hình chuyển giao KHKT cho nông dân, nhất là sử dụng vật tư, giống mới có năng suất chất lượng cao vào sản xuất đã được xây dựng và nhân rộng. Những năm qua, các cấp Hội đã phối hợp với các ngành đưa máy cơ khí vào phục vụ sản xuất từ năm 2001 đến nay đã có trên 1.400 máy đưa vào phục vụ sản xuất đạt hiệu quả cao, giải phóng đáng kể sức lao động cho người dân. Phối hợp tư vấn cho hội viên nông dân về lao động việc làm, thông tin thị trường giá cả cho hàng ngàn lao động nông thôn tham gia.
Ngoài ra từ quỹ hỗ trợ nông dân 8,9 tỷ đồng do hội nông dân các cấp quản lý và hơn 8,3 tỷ đồng quỹ hội; 1,5 tỷ đồng vốn 120 hỗ trợ việc làm đã tạo điều kiện giúp cho trên 9 ngàn lượt hộ nông dân được vay để đầu tư sản xuất phát triển kinh tế. Từ các nguồn vốn và hình thức tổ chức trên đây, Hội nông dân xây dựng các mô hình, dự án điểm, đạt hiệu quả cao giúp cho nông dân có điều kiện sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và xuất hiện nhiều nông dân sản xuất giỏi. Năm 2011 toàn tỉnh có 126.050 hộ đăng ký sản xuất giỏi các cấp, đã có 89.495 hộ đạt tiêu chuẩn bằng 71% số hộ đăng ký. Có nhiều mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao như: Hộ bà Huỳnh Thị Tuyết ở chi hội 10, xã Quế Lâm, huyện Đoan Hùng trồng rau màu thu nhập trên 90 triệu đồng/ha/năm; hộ ông Bùi Đức Thắng khu 8 xã Đồng Luận, huyện Thanh Thủy nuôi trồng nấm mộc nhĩ có thu nhập 560 triệu đồng/năm; hộ bà Tạ Thị Thủy ở chi hội khu Bãi Tầm, trị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn với mô hình phát triển kinh tế trang trại gắn với chăn nuôi thu lãi trên 450 triệu đồng/năm đã tạo việc làm thường xuyên cho từ 15 - 20 lao động với mức lương từ 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng ...Với các hoạt động có hiệu quả của Hội nông dânmà niềm tin của hội viên, nông dân vào tổ chức Hội ngày càng tăng đến nay toàn tỉnh có trên 210 ngàn hội viên, chất lượng hội viên được nâng lên, sinh hoạt của tổ chức hội cơ sở ngày càngđổi mới , nề nếp và hiệu quả thực hiện tốt vai trò chăm lo quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho nông dân, góp phần tích cực trong việc giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương, xứng đáng với vai trò trung tâm và nòng cốt cho các phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới.
Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi đã góp phần thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, cơ cấu mùa vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất… góp phần hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh như vùng cây ăn quả, vùng sản xuất rau chế biến, vùng chăn nuôi tập trung… Bên cạnh đó, phong trào SXKD giỏi còn phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn. Với tinh thần “Lá lành đùm lá rách” gắn phương thức “Cầm tay chỉ việc”, tổ chức cho vay vốn đi đôi với hướng dẫn sản xuất. Hội đã giúp các hộ nông dân nghèo kinh nghiệm làm ăn, vốn sản xuất, lương thực, vật tư, giống, ngày công để phát triển sản xuất kinh doanh góp phần giảm số hộc nghèo từ 2 - 3%/năm, nhiều hộ nghèo vươn lên trở thành hộ đủ ăn, hộ khá có tích lũy đầu tư cho sản xuất. Bằng những việc làm thiết thực, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở Phú Thọ góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và đời sống của các hộ nông dân.