![]() |
Có được chiếc máy GĐLH là mơ ước của đại đa số nông dân nhưng vẫn còn quá nhiều rào cản để họ có thể trở thành chủ sở hữu nó |
Mới chỉ nghe qua đài, báo
Ngày 17/4, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 497/QĐ-TTg về hỗ trợ lãi suất vốn vay ưu đãi cho nông dân. Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ lãi suất 100% cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua các máy móc, thiết bị cơ khí, phương tiện phục vụ SX và chế biến nông nghiệp, với mức tiền vay tối đa bằng 100% giá trị của hàng hóa cần mua. Ngoài ra, nông dân còn được hỗ trợ lãi suất 4% với mức vay tối đa không quá 7 triệu đồng/ha để mua vật tư SXNN và 50 triệu đồng để mua vật liệu xây dựng nhà ở nông thôn.
Thế nhưng cho tới nay, khoảng 80% số nông dân ở ĐBSCL mà chúng tôi tiếp xúc không biết hoặc chỉ biết rất mơ hồ về nguồn vốn này. Anh Cao Văn Chiêu – Chủ nhiệm HTXDVNN thanh niên kinh 9 (Hòn Đất, Kiên Giang) cho biết: "Tôi mới biết trong lần dự họp tại Liên minh HTX tỉnh. Tuy nhiên về thủ tục vay, có phải thế chấp không, mức tiền vay bao nhiêu thì cũng chưa rõ. HTX chúng tôi mới thành lập nên rất cần vốn. Chỉ riêng nhu cầu vốn mua phân bón, thuốc trừ sâu cung ứng cho xã viên mỗi vụ đã trên 3 tỷ đồng trong khi đó, vốn điều lệ của HTX chỉ gần 1 tỷ, lại phân chia cho nhiều lĩnh vực. Nếu được vay hỗ trợ lãi suất thì còn gì bằng".
Ông Nguyễn Văn Hùng, xã Vĩnh Thuận Tây (Vị Thủy, Hậu Giang) tâm sự: “Gia đình tôi làm hơn 4ha lúa, rất cần vốn nhất là khi bước vào vụ. Do không biết Chính phủ cho nông dân vay hỗ trợ lãi suất nên tôi đành mua phân bón chịu tới cuối vụ mới trả. Mỗi bao phân phải mua cao hơn trả ngay bằng tiền mặt là 50.000 đồng và chịu lãi suất 2%/tháng trong thời gian hai tháng”. Tình trạng của ông Hùng cũng là tình trạng chung của nhiều nông dân ở ĐBSCL vì không biết thông tin hoặc có nghe qua báo, đài nhưng cũng chỉ nắm bập bõm.
Cả tỉnh mới cho vay được nửa tỷ
Trong khi đó những nông dân đã biết thông tin cũng không khá hơn. Ông Ngô Xuân Giá, ở xã Tân An (Tân Hiệp, Kiên Giang) cho biết: “Khi tôi đến ngân hàng tìm hiểu thủ tục thì đành ngậm ngùi ra về. Vì theo quy định phải mua máy trong nước mới được hỗ trợ, trong khi nhu cầu của tôi là mua các loại máy lớn như máy cày, máy GĐLH…Mà các loại máy này trên thị trường hiện nay chủ yếu là hàng nhập từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…Còn hàng trong nước SX rất hiếm hoặc có thì chất lượng cũng không cao”.
Ông Nguyễn Văn Kiệt – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Kiên Giang: Việc cho vay vốn trung và dài hạn đầu tư phát triển SX đã được các ngân hàng trên địa bàn tỉnh triển khai hơn 2 tháng nhưng theo thống kê thì số lượng khách hàng đề nghị vay không nhiều, số tiền vay rất nhỏ.
Chủ trương mua máy nội địa nhằm kích cầu trong nước là đúng nhưng với điều kiện các NM phải đáp ứng được yêu cầu của nông dân cả về số lượng lẫn chất lượng. Còn như hiện nay, khi máy nông nghiệp trong nước chỉ chiếm thị phần rất nhỏ, chất lượng kém thì việc bắt buộc phải mua hàng trong nước lại trở thành một rào cản với nông dân khi tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ. Đó là các khoản vay mua máy móc phục vụ SXNN, còn khoản vay mua vật liệu xây dựng nhà ở thì gần như chưa nghe một nông dân nào "đả đụng" đến.
Ông Nguyễn Văn Hoan – Trưởng phòng Tín dụng, NHNo Kiên Giang cho biết, ngân hàng đã phát tờ rơi, tờ bớm…tuyên truyền cho nông dân về nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất. Nhưng đến nay toàn tỉnh cũng chỉ mới có 18 hồ sơ vay 565 triệu đồng. Về thủ tục vay vốn, theo ông Hoan nông dân phải có phương án SXKD khả thi được chính quyền xã xác nhận và phải có tài sản thế chấp. Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi ngoài việc không nắm được thủ tục, nhiều nông dân còn chưa đủ khả năng làm dự án, phương án thanh toán nợ để đi vay. Nếu không được hướng dẫn cụ thể thì nông dân đành bó tay. Đó là chưa kể phần lớn sổ đỏ của nông dân đã nằm trong ngân hàng từ trước.