00:00 Số lượt truy cập: 2672785

Nông dân làm gì khi lúa thơm Campuchia tràn sang? 

Được đăng : 03/11/2016
Gần một trăm câu hỏi của bạn đọc đã gửi về giao lưu trực tuyến với chủ đề nói trên. Do thời gian có hạn và nhiều câu hỏi trùng nhau nên các vị khách mời chỉ trả lời được 1/3 số câu hỏi.

Ba khách mời tham gia buổi giao lưu này là tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, ông Lê Việt Hải, Giám đốc Công ty Mekong, và ông Nguyễn Khương Bá, Phó chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ.

Vào mùa này, hàng ngày một lượng lớn lúa thơm được các thương lái vận chuyển từ Campuchia, theo biên giới các tỉnh An Giang, Long An, Đồng Tháp... đưa vào ĐBSCL.

Đây là điều bình thường vì vào các vụ lúa, nông dân ĐBSCL tập trung xuống giống các giống lúa cao sản phục vụ xuất khẩu, nên nhu cầu gạo thơm để tiêu thụ nội địa phải “nhờ” lúa thơm từ Campuchia chuyển sang.

Tuy nhiên, năm nay lượng lúa chuyển từ Campuchia sang có khuynh hướng cao hơn các năm, trong khi vụ rồi nông dân xuống giống lúa IR 50404... tiêu thụ rất khó, nên tạo cảm giác gạo Việt Nam đang bị cạnh tranh ngay trên sân nhà.

Từ thực trạng này, đã có ý kiến cho rằng nông dân nên tập trung tăng diện tích các giống lúa thơm, đáp ứng nhu cầu thực tế đang có và giúp nông dân đảm bảo hiệu quả.

Trong khi cùng lúc, một số doanh nghiệp và các nhà khoa học lại phân vân, bởi theo họ, nếu tăng mạnh diện tích lúa thơm mà không cân đối đúng nhu cầu, dễ dẫn đến tình trạng dư thừa, tiêu thụ không được do đầu ra xuất khẩu rất hạn chế (không thể cạnh tranh với gạo thơm Thái Lan). Mặt khác, lúa thơm lại rất dễ nhiễm sâu bệnh, nên phát triển mạnh diện tích cũng đồng nghĩa với nguy cơ mất mùa của nông dân càng lớn.

Vậy nông dân phải lựa chọn như thế nào trước những thông tin trái chiều như trên? Buổi giao lưu trực tuyến  diễn ra tại Văn phòng đại diện Thời báo Kinh tế Sài Gòn tại Cần Thơ , số 95 Trần Văn Hoài, TP Cần Thơ.

Mời bạn đọc theo dõi nội dung giao lưu dưới đây:

Lê Thị Bảy, Cần Thơ: Trước tình hình lúa gạo trái ngược như hiện nay, xin các chuyên gia cho chúng tôi một lời khuyên trước vụ mùa mới?

Ông Lê Việt Hải:

Hiện có xu hướng là gạo thường đang giảm giá - chủ yếu là loại giống IR 50404 chất lượng thấp, giá rất thấp nên người sản xuất bị lỗ. Trong khi đó gạo thơm chất lượng cao không giảm giá. Và có tình trạng gạo thơm của Campuchia đã đưa vào ĐBSCL và được người tiêu dùng chấp nhận.Thực ra, lượng gạo thơm Campuchia thâm nhập vào ĐBSCL cũng không nhiều lắm, nhưng đây là những lọai giống chất lượng tốt, thơm hơn gạo thơm Việt Nam nên giá cao hơn. Do đó, trước mùa vụ đông xuân, bà con không nên sản xuất đại trà các loại giống lúa thơm bởi năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh, giá thành cao.  Nếu sản xuất số lượng nhiều dễ dẫn đến tình trạng cung lớn hơn cầu, giá giảm và sản xuất không hiệu quả, mà bài học về lúa IR 50404 đã cho thấy! Đối với những vùng, những hộ nông dân vừa qua đã có sản xuất lúa thơm thì có thể tiếp tục, nhưng phải chọn sản xuất từ loại giống xác nhận nhằm đảm bảo chất lượng lúa thương phẩm và có sức đề kháng sâu bệnh tốt hơn.

Hoàng Kim, Đồng Tháp:

Thưa ông Bá, tôi xin được hỏi hai vấn đề:

a) Việc ngừng xuất khẩu gạo khi giá gạo thế giới đang tăng, làm ách tắc xuất khẩu gạo, làm cho nông dân không bán được lúa, gây thiệt hại cho nông dân rất nhiều. Hội nông dân TP Cần thơ có kiến nghị với chính phủ về vấn đề này hay không? Nếu có xin giới thiệu cho chúng tôi tham khảo.

b) Hiện nay thị trường gạo thế giới đóng băng, nông dân còn tồn lúa bán không được. Do giá lúa thơm quá cao và đắt hàng nên nhiều nông dân sẽ trồng lúa thơm vào vụ đông xuân. Thế mà hiện nay tỉnh An Giang để cho lúa từ Campuchia nhập lậu vào Việt Nam mỗi ngày 1.000 tấn. Lúa này trên danh nghĩa là của Campuchia nhưng có thể là của Thái lan ( theo www.agro.gov.vn ) nếu không ngăn chặn kịp thời, những người trồng lúa thơm vụ đông xuân sẽ bị phá sản. Ông nghĩ sao về vấn đề này? Ông sẽ có hành động gì để ngăn chặn vấn đề này? Ông có nghĩ rằng Hội Nông dân TP Cần Thơ, và Hội Nông dân Việt Nam nên kiến nghị Bộ Công Thương và Chính phủ ngăn chặn việc này hay không?

Ông Nguyễn Khương Bá:

a) Trên báo Nông Thôn Ngày Nay số ra sáng nay (17-11) có bài phỏng vấn ông Lê Thanh Liêm - đại biểu Quốc hội - Chủ tịch Hội Nông dân Long An về vấn đề này. Tôi nghĩ đây cũng là ý kến chung của các hội nông dân các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Sắp tới, Hội Nông dân TP. Cần Thơ cũng sẽ tiếp tục kến nghị vấn đề này với Chính phủ như tôi đã trả lời ở trên.

b) Lúa Campuchia nhập về Việt Nam hiện nay có phần gây khó khăn cho lúa nội địa. Vấn đề này thuộc tầm quản lý vĩ mô của các nhà quản lý, điều hành. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, giá lúa thấp, nông dân bán không được nhưng giá gạo chất lượng cao vẫn không giảm. Chúng ta chỉ có thể đề nghị điều chỉnh lại khâu phân phối, điều hoà lại sản xuất để phục vụ nhu cầu trong nước.

Hoàng Kim, Đồng Tháp: Thưa ông Hải, bài : “Giá lúa giảm, nông dân nghèo, vì đâu?” đăng trên Thời báo Kinh tế Sài gòn o­nline nêu một nhận định: Lợi nhuận của các doanh nghiệp trong Hiệp hội Lương thực Việt nam = giá bán gạo xuất khẩu – (giá thu mua gạo trong nước + phí xuất khẩu), lợi nhuận này độc lập với giá gạo xuất khẩu, dẫn đến tình trạng Hiệp hội Lương thực Việt Nam không quan tâm đến giá gạo xuất khẩu, trong khi giá gạo xuất khẩu là thu nhập của nông dân. Ông nghĩ sao về nhận định này?

Ông Lê Việt Hải:

Tôi rất chia sẻ với câu hỏi của bạn đọc Hoàng Kim đặt ra. Vấn đề là phải quan tâm để giải quyết hài hòa lợi ích kinh tế từ xuất khẩu gạo đem về cho doanh nghiệp (nhà xuất khẩu) với nông dân (nhà sản xuất).

Theo tôi, phải đánh giá và có một quan điểm đổi mới về vấn đề an ninh lương thực trong điều kiện sản xuất lương thực ở Việt Nam. Nhà nước phải có chính sách xuất khẩu thông thoáng, linh họat và ổn định, khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia. Không nên áp dụng những cơ chế trói buộc như giá sàn xuất khẩu cứng nhắc vừa qua. Đừng chuyển rủi ro về người nông dân gánh chịu!

Mai Hà, Châu Phú, An Giang: Không chỉ mới đây, gạo Thái, gạo đặc sản Campuchia đã có mặt ở thị trường nội địa từ nhiều năm trước. Không chỉ người tiêu dùng ở thành phố mà cả ở vùng nông thôn, nhất là các tỉnh biên giới Tây Nam vẫn có thói quen thường dùng gạo ngoại. Vấn đề này ngành nông nghiệp có biết?

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh:

Trong những năm gần đây, đời sống của người dân được nâng cao, thu nhập cũng khá hơn, lượng gạo tiêu thụ hàng tháng trên đầu người cũng giảm. Do đó, người ta thường mua gạo ngon để ăn, mặc dù giá có thể cao hơn gạo thường. Số lượng gạo thơm sản xuất trong nước ít, do đó có một số gạo thơm nhập từ Thái Lan và Campuchia vào thị trường lúa gạo Việt Nam.

thach khang: Thưa Tiến sĩ Bảnh, vì sao kinh nghiêm sản xuất của nông dân ta hơn nước bạn Campuchia toàn diện (bằng chứng là ta thường hỗ trợ nông dân Campuchia về hướng dẫn kỹ thuật sản xuất) nhưng chất lượng lúa ta lại thua họ?

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh:

Thực tế cho đến nay kinh nghiệm sản xuất lúa của nông dân Việt Nam đã được nâng cao, không thua nông dân các nước trong khu vực. Tuy nhiên, do phương thức sản xuất của ta còn nhỏ lẻ, nên khâu cơ giới hóa trong thu hoạch và sau thu hoạch còn nhiều hạn chế làm cho chất lượng hạt gạo không cao.

Mặc khác, do hệ thống thu mua, phân phối không có sự  ràng buộc qua hợp đồng với các doanh nghiệp. Do vậy, tiêu chuẩn chất lượng hạt gạo không được ràng buộc giữa việc sản xuất và người tiêu thụ nên người nông dân không quan tâm nhiều đến chất lượng. Từ trước đến nay đa phần nông dân vùng ĐBSCL thường tính đến chênh lệch lợi nhuận giữa giống này và giống khác nên bị hạn chế trong việc sản xuất lúa chất lượng cao.

Lê Thị Bảy, Cần Thơ: Theo Hội Nông dân mùa tới chúng tôi có nên trồng lúa thơm như giống Camphuchia không?

Ông Nguyễn Khương Bá:

Lúa thơm Campuchia thời gian sinh trưởng dài (từ 120-150 ngày/vụ), năng suất chừng 5 tấn/héc ta. Vùng đất nước lợ, nhiễm mặn, mỗi năm chỉ trồng một vụ thì tranh thủ sử dụng nước mưa, chất lượng sẽ không thua lúa thơm Campuchia.

Lưu ý, giống lúa này năng suất không cao, chỉ làm một vụ nên cần đi theo cơ cấu một lúa một thủy sản. Không nhất thiết phải sử dụng giống lúa thơm Campuchia, vì trong nước chúng ta cũng có nhiều giống lúa thơm, chất lượng tốt phù hợp vùng đất phèn, mặn như giống lúa Tài Nguyên, các nhóm ST, Khaodawk...

Võ Thành Vị, An Giang: Thưa ông Hải, là người kinh doanh như ông, xin ông cho biết gạo trong nước và ngoài nước thì loại nào có lời hơn?

Ông Lê Việt Hải:

Do hiện nay, nhà nước đánh thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng nông sản nói chung và gạo nói riêng khi tiêu thụ trong nước thì người tiêu dùng phải chịu. Còn nếu gạo xuất khẩu, doanh nghiệp không phải đóng thuế.

Trong khi đó, hiện nay việc phân phối gạo cho tiêu dùng phần lớn do các cửa hàng tư nhân đảm trách và họ chỉ nộp thuế theo hình thức khoán. Do đó, nếu doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này trong nước, có hạch toán sổ sách đầy đủ thì không cạnh tranh được về giá với các cửa hàng tư nhân. Chính vì vậy, lượng tiêu thụ gạo nội địa của các công ty không nhiều, không hiệu quả.

thach khang: Thưa TS Lê Văn Bảnh, theo TS thì giải pháp nào vừa mở rộng diện tích lúa thơm nhưng vẫn đảm bảo bền vững vì lúa thơm dễ bị sâu bệnh. Theo tôi được biết phần lớn diện tích trồng lúa ở Thái Lan đều trồng các giống lúa thơm, ngon cơm nhưng rất an toàn về mặt dịch hại. ĐBSCL có thể mở rộng diện tích trồng lúa thơm tối đa là bao nhiêu?

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh:

Lúa thơm là loại có gạo giá trị cao nhưng dễ nhiễm sâu bệnh. Ở Thái Lan người ta trồng nhiều giống lúa thơm là do đây là loại lúa mùa chỉ có một vụ, do vậy có thời gian an toàn về sinh học, tránh được dịch bệnh nối tiếp từ vụ này sang vụ khác. Trong khi ở ĐBSCL gần như mùa vụ liên tục và đặc biệt là có nơi trong hai năm nông dân lại làm đến bảy vụ do đó sâu bệnh từ vụ này tiếp tục lan sang vụ sau rất dễ dàng.

Mặt khác, trong những năm gần đây dịch bệnh rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá liên tục xảy ra đó là mầm móng rất nguy hại cho giống lúa thơm dài ngày. Muốn sản xuất lúa thơm có hiệu quả một cách bền vững nhất thiết phải có quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh cho loại giống lúa này. Việc này cần phải có hành động cụ thể của chính quyền địa phương.

D.T.T: Tôi nghe nói gạo thơm Campuchia sang Việt Nam khá nhiều, số lượng lên đến vài trăm tấn/ngày (số lượng theo các báo cung cấp). Nếu vậy thì số gạo Campuchia này sẽ được mang tiêu thụ ở đâu? Ở các thành phố lớn có không? Làm thể nào để phân biệt gạo thơm Campuchia và gạo thơm Việt Nam?

Ông Lê Việt Hải:

Ở các cửa hàng bán gạo, người ta thường thấy chủ cửa hàng giới thiệu gạo Thơm Mỹ, Thơm Thái, Thơm Đài Loan... Thực chất những loại gạo này được sản xuất ở ĐBSCL hoặc một phần có xuất xứ từ Campuchia. Ví dụ như "Thơm Mỹ" chủ yếu là giống lúa Jasmine, "Thơm Thái" là giống Kodakmali, "Thơm Đài Loan" là giống VD 20... Do đó, những loại gạo này có thể bán ở các thành phố lớn nói chung và ĐBSCL nói riêng.

Do những loại gạo trên được bày bán hầu hết là hàng rời, không có bao bì nhãn mác, không có địa chỉ sản xuất, đóng gói cụ thể, được pha trộn với nhiều loại khác nhau nên rất khó phân định rạch ròi từng loại.

Tốt nhất, người tiêu dùng nên chọn mua những sản phẩm có thương hiệu, có địa chỉ sản xuất để bảo đảm về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

D.T.T: Xin hỏi Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL - Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, hiện nay nhà nước có quy hoạch gì cho vụ đông xuân sắp tới cho bà con nông dân ở các tỉnh ĐBSCL đặc biệt là An Giang, Long An, Đồng Tháp không? Vì tôi nghe nói có nhiều khả năng bà con đổ xô trồng lúa thơm?

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh:

Trong vụ đông xuân 2008-2009, ngành nông nghiệp đã có định hướng sản xuất lúa cao sản, chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, giảm bớt tối đa giống lúa chất lượng thấp như  IR 50404, và mỗi giống trong vùng sản xuất không vượt quá 20% diện tích để đảm bảo an toàn về sâu bệnh. Do gạo thơm hiện nay trên thị trường có giá nên bà con nông dân có xu hướng tăng diện tích trồng các giống này, nhưng bà con  nông dân cũng nên lưu ý đến thị trường tiêu thụ và theo mức cung cầu trong và ngoài nước.

Trần Trọng Ân, Châu Phú, An Giang: Là một doanh nhân người Việt, ông có cho người của công ty mình đi giới thiệu sản phẩm gạo trong nước đến người tiêu dùng hay chưa?

Ông Lê Việt Hải:

Đối với công ty chúng tôi, hiện nay đã và đang bán gạo thơm với thương hiệu "Gạo Mekong chất lượng cao" ở các siêu thị trong nước. Đồng thời, trong thời gian qua, chúng tôi cũng đã giới thiệu sản phẩm của mình sang các thị trường xuất khẩu mà công ty đã có khách hàng mua gạo thường lâu nay.

Tuy nhiên, như trên đã nói, chất lượng gạo thơm Việt Nam kém, mùi thơm không giữ được lâu, độ mềm dẻo thấp hơn gạo Thái, nên sức cạnh tranh kém và lượng tiêu thụ không nhiều.

Phùng Ngọc Hà My, TPHCM: Một vài chuyên gia có nhận định rằng việc trồng quá nhiều giống lúa IR 50404 - giống lúa năng suất cao nhưng có chất lượng thấp nhất, cũng do lỗi từ người nông dân vì các bộ, ngành và nhà khoa học đã khuyến cáo. Vậy theo ông Bảnh thì nên làm gì để những vụ lúa sắp tới nông dân không trồng nhiều giống lúa này nữa?

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh:

Trong năm qua, nông dân vùng ĐBSCL trồng nhiều giống lúa IR 50404 là do cơn sốt thị trường lúa gạo vào tháng 4-2008. Sự chênh lệch về giá của giống lúa này và các giống lúa cao sản khác không nhiều, giống này lại có năng suất cao, dễ trồng, thời gian sinh trưởng rất ngắn (dưới 90 ngày)... do vậy nông dân đổ xô trồng giống này, mặc dù các nhà khoa học có khuyến cáo không nên trồng quá nhiều. Nhưng sau đó, thị trường lúa gạo thế giới giảm, lượng gạo xuất khẩu bị hạn chế, thì giống lúa này lại rất khó bán và hiện còn tồn trong dân rất nhiều.

Do nhu cầu thị trường, người nông dân cũng đã ý thức được việc này và tự giảm hẳn diện tích trồng giống lúa này trong vụ đông xuân. Mặt khác, Viện Lúa ĐBSCL cũng đã chọn ra những bộ giống có đặc tính tương tự như IR 50404 nhưng chất lượng cao hơn để bà con nông dân thay thế dần trong những vụ kế tiếp.

Tiến Thành, Cần Thơ: Thưa ông Bá, tại sao giống lúa IR50404 cho ra loại gạo chất lượng kém (xốp, không dẻo) lại được nông dân trồng nhiều như vậy?

Ông Nguyễn Khương Bá:

Đúng là giống lúa IR 50404 cho ra loại gạo chất lượng không cao nhưng lại có năng suất cao, ngắn ngày, dễ canh tác. Trước đây, một số thị trường dễ tính (một số nước Đông Nam Á, Tây Á, châu Phi) ưa chuộng giống lúa này nên nhiều doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu, và do đó giống lúa này được bà con trồng nhiều.

Nguyễn Thị Thanh Vân: Hiện tại, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL có thu mua lúa thơm hay không? Số lượng khoảng bao nhiêu và giá cao hơn lúa thường khoảng bao nhiêu?

Ông Lê Việt Hải:

Nói chung, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu gạo khi có hợp đồng gạo thơm thì đều mua để xuất. Những công ty có đầu ra ổn định thì thu mua theo hình thức hợp đồng bao tiêu. Thông thường, giá gạo thơm so với gạo thường (đạt tiêu chuẩn xuất khẩu) cao hơn 15 - 20%. Số lượng tùy thuộc vào thị trường từng thời điểm, do đó nhu cầu không ổn định mà phụ thuộc nhiều yếu tố như thu nhập người dân từng vụ, từng năm...

Riêng thị trường trong nước hiện nay cung gạo thơm vẫn nhỏ hơn nhu cầu, do đó giá loại gạo này ổn định ở mức cao. Như gạo Jasmine hiện khoảng 9.000 đồng/ki lô gam, trong khi gạo thường chỉ khoảng 7.000 đồng/ki lô gam.

Bích Nga: Có ý kiến lại cho rằng bên cạnh áp lực về sản lượng gạo đảm bảo an ninh lương thực, xuất khẩu thì với phương thức sản xuất, điều kiện và thói quen canh tác hiện nay ở ĐBSCL sẽ rất khó phát triển diện tích lúa cho loại gạo ngon mà nhu cầu người tiêu dùng trong nước cần. Và nếu có tiến hành sản xuất chăng nữa thì sản phẩm của chúng ta cũng khó cạnh tranh với lúa gạo đặc sản Campuchia, Thái Lan?

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh:

Gạo đặc sản thơm ngon của Thái Lan hoặc Campuchia, đa số thuộc dạng lúa mùa dài ngày. Ở Việt Nam cũng có những loại lúa mùa thơm ngon như Nàng Thơm chợ Đào, Tám Thơm... Nhưng do giống này dài ngày, năng suất thấp, nhiễm sâu bệnh nặng và bên cạnh đó còn do vấn đề giá cả, lợi nhuận thấp nên bà con nông dân ở ĐBSCL rất hạn chế sản xuất giống này.

Ở ĐBSCL hiện nay có một số giống lúa không phải lúa mùa như ở Thái Lan, Campuchia nhưng cũng rất thơm ngon, thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao như Jasmine, OM 4900... Nếu chúng ta có phương thức sản xuất tốt hơn như vùng chuyên canh hoặc các hợp tác xã có diện tích lớn, chăm sóc đúng quy trình, làm tốt khâu thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch vẫn có thể có gạo chất lượng tốt, cạnh tranh được với các giống gạo trên của nước ngoài.

Nguyen Thi Thanh Van, An Giang: Chúng tôi nghe nói, lúa thơm khó xuất khẩu nhiều vì không cạnh tranh được với gạo Thái Lan. Vậy nông dân chúng tôi có nên trồng không? Nhưng nếu không trồng thì phải nhập gạo thơm từ Campuchia hoài vậy sao?

Ông Nguyễn Khương Bá:

Tôi nghĩ rằng tình hình hình tiêu thụ và giá cả bất lợi hiện nay của lúa gạo trong nước là vấn đề mà các nhà quản lý điều hành phải quan tâm để có biện pháp giải mã, khắc phục, không để tái diễn trong tương lai.

Riêng Hội Nông dân Việt Nam xem đây là một vấn đề đặt ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần 5 (nhiệm kỳ 2008 - 2013), xem xét đưa vào chương trình nghị sự và kiến nghị với các cấp lãnh đạo của Chính phủ, các bộ ngành trung ương có giải pháp chấn chỉnh công tác quản lý điều hành xuất khẩu gạo, đảm bảo mang lại lợi ích cho nông dân.

Còn thời điểm hiện nay, mong bà con tích cực chuẩn bị tốt vụ đông xuân, áp dụng nghiêm túc quy trình khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm nhất là quan tâm bảo quản sau thu hoạch, đảm bảo điều kiện tồn trữ tốt chờ thời điểm thích hợp để tiêu thụ. Tôi cho rằng bên cạnh thị trường xuất khẩu, chúng ta vẫn còn thị trường trong nước, nhu cầu tiêu thụ gạo còn rất lớn nên không lo lúa gạo của ta mất giá do dư thừa.

Lê Thị Bảy, Cần Thơ: Các cơ quan chức năng cứ nói là giảm chi phí sản xuất để tăng giá thành… nhưng thực tế thì giá cả ngày càng leo thang, vậy thì phải làm sao?

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh:

Hiện nay, trong sản xuất làm cách nào để giảm giá thành để tăng lợi nhuận thì theo chúng tôi thấy chúng ta đang có chương trình “ba giảm ba tăng”. Theo đó giảm chi phí về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Việc này sẽ dẫn đến tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng thu nhập.

Trong thực tế, do thị trường biến động, vật tư và phân bón, công lao động cũng gia tăng nên so với trước giá thành tăng hơn nhiều.Tuy nhiên, nếu chúng ta làm đúng quy trình thì so với những người không thực hiện đúng quy trình này thì giá thành của họ sẽ cao hơn chúng ta thực hiện đúng nhiều lần. Lợi nhuận theo đó cũng tốt hơn nhiều so với những nông dân khác. Bởi thế, vật tư càng tăng giá thì chúng ta cần phải áp dụng đúng biện pháp hơn nữa.

Yên Hà, Long Xuyên, An Giang: Nhiều ý kiến cho rằng do áp lực về an ninh lương thực, định hướng về sản phẩm gạo xuất khẩu chủ lực của chúng ta là loại 25% tấm nên việc phát triển diện tích canh tác, công tác sản xuất giống lúa của chúng ta đều tập trung phục vụ cho mục đích này. Bên cạnh đó, do chúng ta cũng thiếu quan tâm phát triển bảo tồn các giống lúa đặc sản địa phương nên hiện không còn giữ được những giống lúa đặc sản?

Ông Lê Việt Hải:

Việt Nam trước đây là một nước thiếu ăn phải nhập gạo, nhiệm vụ lúc đó là nhà nước và nông dân phải giải quyết vấn đề an ninh lương thực, tăng diện tích gieo trồng để bảo đảm cái ăn. Khi Việt Nam đã là một nước xuất khẩu gạo lâu nay, vấn đề đặt ra thời điểm này là năng suất và chất lượng phải được nhà nước và nông dân quan tâm.

Tuy nhiên, chất lượng gạo - dù đã có nhiều cố gắng, nhưng vẫn còn kém hơn so với gạo Thái Lan. Các loại lúa thơm hiện nay, như Jasmine, thơm Đài Loan, có thời gian sinh trưởng chỉ khoảng 105 ngày, ngắn hơn gạo Thái, nên chất lượng thấp hơn. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng cho sản xuất chưa hoàn thiện nên giá thành cũng cao hơn.

Từ hai yếu tố giá thành và chất lượng, nên cạnh tranh không tốt. Muốn phát triển, khôi phục những loại gạo đặc sản cũ hoặc muốn sản xuất với số lượng nhiều cũng rất khó vì trở ngại chính là đầu ra xuất khẩu. Gạo thơm, chất lượng cao dù là nhu cầu lớn của người tiêu dùng khi kinh tế phát triển, nhưng tạm thời phải phát triển từng bước.

Trước mắt, phát triển diện tích vừa phải nhằm đảm bảo giá cả hợp lý để người sản xuất có lãi. Về lâu dài, các cơ quan nghiên cứu về khoa học cần nghiên cứu phục hồi các giống lúa truyền thống của Việt Nam như Nàng Hương, Trắng Tép, Tài Nguyên...

Lê Thị Bảy, Cần Thơ: Nghe nói giống lúa thơm khó làm, chi phí cao có phải vậy không?

Ông Nguyễn Khương Bá:

Lúa thơm ở ĐBSCL đã được bà con nhiều nơi trồng. Nhưng do đặc tính dễ nhiễm sâu bệnh nên đòi hỏi ta phải tích cực áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật và chăm bón tốt, thì mặc dù chi phí đầu tư có cao nhưng vẫn cho hiệu quả kinh tế vì giá lúa thơm cao hơn các loại lúa khác.

Tuy nhiên, điều quan trọng để làm lúa thơm là phải chọn giống tốt, phù hợp với đồng đất của mình (điều kiện thổ nhưỡng, thủy lợi...). Bên cạnh đó cần xem xét nhu cầu thị trường thế nào để có kế hoạch sản xuất từng mùa vụ cụ thể để có kế hoạch sản xuất phù hợp. Nhưng trong tình hình hiện nay, giá lúa thơm cao bất thường một phần do cầu vượt cung, một phần do lúa trong nước còn ứ đọng nhiều, chậm tiêu thụ vô tình thu hút lúa thơm từ Campuchia tràn sang cạnh tranh với lúa trong nước gây bất lợi cho bà con.

Nguyễn Thanh Vũ, Đồng Tháp: Trước giờ tôi chưa trồng lúa thơm, nhưng thấy nay nhiều nông dân đang chuẩn bị xuống loại giống này. Xin hỏi, loại lúa này chi phí đầu tư có cao hơn nhiều so với lúa thường không? Vụ đông xuân này, xuống giống lúa thơm hay lúa cao sản là phù hợp? Giống lúa thơm có thể mua ở đâu? Xin cảm ơn.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh:

Thứ nhất là trong khâu sản xuất lúa thơm thông thường - chúng ta hiện có ở ĐBSCL như là Jasmine, OM 4900, OM 6162, OM 3536, VND 95-20, ST 5, MTL 250... thì quy trình sản xuất của loại lúa này không khác gì với các giống lúa thông thường khác, năng suất cũng cao tương tự. Nhưng có một vấn đề cần quan tâm là sâu bệnh, đặt biệt là rầy nâu, do vậy chi phí chắc chắn sẽ cao hơn và thời gian sinh trưởng cũng lâu hơn (trên 100 ngày).

Vụ đông xuân này, vấn đề sản xuất lúa thơm hay cao sản thì bà con nông dân nên cân nhắc về thị trường để khi chúng ta làm có thể bán được. Thị trường tiêu thụ gạo thơm thường hẹp hơn so với lúa cao sản. Giống lúa thơm thường bị sâu bệnh, do đó, nếu bà con trồng giống này phải thường xuyên thăm đồng chăm sóc cẩn thận hơn thì mới có hiệu quả.

Những giống lúa thơm này Viện Lúa ĐBSCL có nghiên cứu và sản xuất ra giống ba cấp (siêu nguyên chủng, nguyên chủng, xác nhận). Viện cũng đã chuyển giao đến các trung tâm giống nông nghiệp ở các tỉnh. Do đó, bà con có thể đến những nơi này hoặc trung tâm khuyến nông tỉnh hỏi thêm.

Hoàng Vũ, Đồng Tháp: Xin các chuyên gia nói rõ làm cách nào để phân biệt gạo IR 50404 mà bị người tiêu dùng chê là bạc bụng, cơm không ngon?

Ông Lê Việt Hải:

Những giống gạo thơm như Jasmine, Kaodakmali... hạt dài, trong, mềm cơm. Còn IR 50404 hạt gạo ngắn, tỷ lệ bạc bụng trên 8%, cứng cơm. Do đó, người tiêu dùng rất dễ phân biệt giữa hai loại gạo này để chọn mua.

Thanh Nguyên, Tiền Giang: Nông dân trồng lúa chúng tôi rất hoang mang khi lúa từ Camphuchia tràn về, trong khi lúa trong nước thì bán không được. Chúng tôi xin hỏi Hội Nông dân và các cơ quan khác tư vấn cho chúng tôi thế nào để mùa tới không bị chuyện này?

Ông Nguyễn Khương Bá:

Trước hết Hội Nông dân xin chia sẻ những băn khoăn của bà con nông dân trong tình hình hình biến động giá lúa hiện nay. Tôi nghĩ bà con ta nên bình tĩnh để nhìn nhận hiện tượng này trong xu thế hội nhập. Đây là quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường, có cầu thì có cung, hàng hoá cạnh tranh…, cho nên ta không nên quá lo lắng.

Vấn đề chính ở đây là bà con cần đẩy mạnh sản xuất lúa trong nước có chất lượng cao, giá thành hạ thì ta vẫn có thị trường tiêu thụ tốt. Nghĩa là bà con cần tuân thủ quy trình sản xuất mà các nhà khoa học đã khuyến cáo. Vả lại, bà con cũng yên tâm vì chúng ta đang quy hoạch lại vùng lúa xác nhận từ các giống lúa nguyên chủng có khả năng thay thế các giống lúa nhập nội thì ta không lo cạnh tranh với lúa hàng hoá nhập từ Campuchia...