00:00 Số lượt truy cập: 2662603

Nông nghiệp Hà Nội - Sẽ có một tầm nhìn mới 

Được đăng : 03/11/2016
Sau khi mở rộng, diện tích đất nông nghiệp Hà Nội “mới” khoảng trên 192 nghìn héc ta (chiếm 57,4 %), trong đó đất sản xuất nông nghiệp trên 160 nghìn hécta. Như vậy, trên góc độ đất đai, sản xuất nông nghiệp, nông thôn chiếm một vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô.

Với diện tích đất nông nghiệp như vậy, việc quy hoạch, phát triển nông nghiệp, nông thôn Hà Nội đến năm 2020 sẽ tập trung chú trọng phát triển vào những nội dung sau:

- Phát triển nông nghiệp sinh thái, ven đô hình thành các vùng sản xuất hàng hoá quanh các đô thị, các vành đai rau an toàn, hoa, cây ăn quả sạch, phát triển rừng và cây xanh phục vụ cho các đô thị, các khu công nghiệp, đảm bảo môi trường sinh thái của Thủ đô.

- Từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, trước mắt tập trung vào khâu chọn giống, công nghệ canh tác tiên tiến và các sản phẩm mũi nhọn, xây dựng các tung tâm công nghệ cao. Năm 2010 sẽ hoàn thiện đồng bộ trung tâm công nghệ cao Từ Liêm (sản xuất rau, hoa quả) đồng thời tiếp tục phát tiển thêm ở Gia Lâm, Đông Anh, Thường Tín và Phúc Thọ.

- Sản xuất nông nghiệp Hà Nội sẽ tập trung chủ yếu vào các sản phẩm có thế mạnh của Thủ đô.

Với nền tảng đất nông nghiệp được quy hoạch ổn định và lâu dài sẽ là cơ sở để quy hoạch các địa bàn sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đảm bảo đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, hoa, cây cảnh có giá trị cao.

Chăn nuôi cũng là một thế mạnh của Thủ đô vì thế lĩnh vực này cũng được định hướng, phát triển cụ thể. Chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung; không khuyến khích chăn nuôi nhỏ lẻ, trong khu dân cư; có quy định cụ thể cho chăn nuôi như chăn nuôi con gì? ở đâu? ở khu vực nào?

Lợi thế về đất nông nghiệp làm đà để có định hướng về lâm nghiệp một cách cụ thể. Để có một Hà Nội mở rộng hài hoà trong các lĩnh vực như không gian sống, làm việc, học tập, giải trí... thì phát triển rừng là điều cần thiết. Lâm nghiệp Hà Nội sẽ được phát triển một cách phong phú và đa dạng. Hiện tại theo số lượng thống kê hệ thống rừng đặc dụng phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học...là gần 10 nghìn hecta như vườn Quốc gia Ba Vì, rừng đặc dụng Hương Sơn, khu K59 Ba Vì; rừng phòng hộ cảnh quan môi trường, du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử với diện tích khoảng 9 nghìn hecta; rừng sản xuất để cung cấp nguyên liệu đồng thời góp phần điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường sống. Mặt khác sẽ phát triển lâm nghiệp đô thị, xây dựng công viên cây xanh, tạo mảng xanh cho cảnh quan thành phố.

Để đảm bảo cho một nền nông nghiệp mới – với một tầm nhìn mới, khi quy hoạch cần chú trọng, quan tâm đến yếu tố tác động trực tiếp đến nền nông nghiệp là thuỷ lợi. Hệ thống thuỷ lợi đã có không thể đáp ứng nhu cầu cấp, thoát nước cho diện tích đất nông nghiệp địa bàn Hà Nội “mới”. Vì thế cần phải cải tạo hệ thống thuỷ lợi, trước mắt tập trung vào các con sông lớn, sông trong thành phố.

Với vị trí, vai trò trung tâm của cả nước, phát triển nông nghiệp Hà Nội phải thành một mô hình cho cả nước học tập về công nghệ cao, hiện đại, có hiệu quả cao, đi đầu trong cả nước để sánh vai với các nước trên thế giới.