00:00 Số lượt truy cập: 3228804

Nông nghiệp “cứu” tăng trưởng 

Được đăng : 03/11/2016
11 tháng đầu năm 2012, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tiếp tục có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế trên nhiều mặt, từ sản xuất đến xuất khẩu, giá cả, lao động việc làm. Nhìn một cách tổng quát, nông nghiệp góp phần rất lớn vào ổn định kinh tế - xã hội trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

“Cứu” cán cân thương mại

Sau 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu (XK) nông, lâm, thủy sản của nước ta ước đạt 25 tỉ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ và chiếm 24,1% tổng kim ngạch XK của cả nước, trong đó có 7/21 mặt hàng đạt kim ngạch từ 1 tỉ USD trở lên, gồm thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, càphê, gạo, cao su, hạt điều, sắn và sản phẩm sắn; có những mặt hàng đứng đầu thế giới về số lượng XK như gạo, càphê. Ước tính cả năm, XK nông, lâm, thủy sản có thể đạt 26,5 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu đầu vào 11 tháng qua khoảng 15,39 tỉ USD.

Như vậy, xuất siêu của ngành nông nghiệp ước đạt 10 tỉ USD. Điều này cho thấy, nông nghiệp đã góp phần kiềm chế nhập siêu, “cứu” cán cân thương mại.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước trong tháng 11 tăng 0,47%, 11 tháng tăng 6,02%, tính theo năm tăng 7,08%, thuộc loại thấp so với 2 năm trước. Điều đáng nói là kết quả này có sự đóng góp tích cực của lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, khi giá lương thực tháng 11 tăng 0,05%, 11 tháng giảm 5,78%; giá thực phẩm giảm 0,21%, tăng 0,67%. Các chuyên gia nhận định, khu vực tam nông đã góp phần kiềm chế lạm phát, nói một cách hình tượng là “cứu giá”. Tuy nhiên, nhìn vào con số này cũng thấy một nghịch lý là nông nghiệp và người nông dân đang chịu nhiều thiệt thòi khi có nhiều đóng góp cho nền kinh tế nhưng giá cả nông sản, thực phẩm lại giảm trong khi giá các nguyên liệu, vật tư đầu vào đều tăng, ảnh hưởng đến lợi nhuận của bà con cũng như quá trình tái sản xuất.

Đặc biệt là, khi công nghiệp, dịch vụ gặp khó khăn, các doanh nghiệp, làng nghề bị thu hẹp sản xuất kinh doanh, thậm chí ngưng hoạt động, giải thể, kéo theo nhiều lao động bị mất việc làm thì chính nông nghiệp, nông thôn lại là địa chỉ thu hút số lao động này, dù chỉ là tạm thời.

Hỗ trợ tiêu thụ nông sản

Bên cạnh những kết quả tích cực trên, nông nghiệp, nông thôn cũng còn không ít hạn chế, bất cập và đang đứng trước những thách thức không nhỏ, trong đó thách thức lớn nhất là tình trạng thiếu vốn và tiêu thụ khó khăn.

Năm nay, kim ngạch XK sắn có thể đạt 1 tỷ USD.


Đặc biệt, dù là nước xuất khẩu nông sản với nhiều sản phẩm có thế mạnh nhưng thu nhập của nông dân vẫn bấp bênh. Tình trạng được mùa rớt giá, mất mùa được giá diễn ra như “cơm bữa”, do khâu tiêu thụ nông sản phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống thương lái.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 80/2002/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng và Chỉ thị 25/2008/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng nhưng tỷ lệ nông sản được ký qua hợp đồng rất ít. Sau 10 năm thực hiện, ngoại trừ một vài mặt hàng có tỷ lệ tiêu thụ qua hợp đồng cao như bông đạt hơn 90%, sữa 80%..., thì hầu hết nông sản đều bán theo kiểu “tiền trao, cháo múc”: lúa hàng hóa đạt 2,1%; chè 9%; càphê 2,5%; rau quả 0,9%; thủy sản 13%; gỗ 16,7%...

Ngay cả với những ngành hàng có lợi thế XK, nhiều DN cũng vẫn bị phụ thuộc vào nguồn hàng do thương lái cung cấp. Báo cáo của Tổng công ty Lương thực miền Nam cho thấy, thương lái cung ứng tới 36% sản lượng gạo cho đơn vị. Còn tại Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, 83% tổng lượng gỗ nguyên liệu rừng trồng cũng do thương lái xoay xở...

Câu chuyện liên kết 4 nhà (Nhà nước - nhà khoa học - DN - nông dân) được nhắc nhiều đến trong mối quan hệ tiêu thụ nông sản. Nhưng trên thực tế, mấu chốt nhất vẫn là liên kết giữa nông dân và DN. Về bản chất, hợp đồng nông sản có mục tiêu mang lại lợi ích cho cả hai bên, nhưng trên thực tế, có những hợp đồng đã được ký kết nhưng không có sự tuân thủ nghiêm túc các điều khoản, tình trạng đơn phương phá vỡ hợp đồng diễn ra rất nhiều. Thế nên cả nông dân và DN đều thờ ơ với loại hình hợp đồng này.

ThS.Lưu Đức Khải, Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho biết: Trong quá trình thực hiện hợp đồng, không ít DN lạm dụng thế độc quyền bao tiêu nguyên liệu để gây sức ép với nông dân, như: không mua hết sản phẩm, không thực hiện đúng cam kết về giá, tiêu chuẩn chất lượng hoặc trả tiền không sòng phẳng, nhiều khi DN còn cố tình thu mua chậm thời hạn thu hoạch khiến chất lượng nông sản xuống thấp và giá cả theo đó cũng bị xuống theo… Vì thế, đã có không ít nông dân bị đẩy vào cảnh khốn cùng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc kêu gọi nông dân và DN cùng bắt tay ký hợp đồng nông sản không khó, vì hai bên thực chất đều có nhu cầu hợp tác để phát triển. Tuy nhiên hiện nay, chức năng giám sát việc thực hiện hợp đồng quá lỏng lẻo nên mới xảy ra nhiều vi phạm.

Hiện, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang xây dựng đề án mới về thúc đẩy tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng, trong đó có một điểm mới là Nhà nước sẽ tạo cơ chế đặc biệt để DN mặn mà hơn trong liên kết với nông dân, như: hỗ trợ 30% vốn khi DN đầu tư nâng cấp, tu sửa cơ sở hạ tầng và vùng nguyên liệu, giảm 20% thuế thu nhập DN khi liên kết với nông dân ở vùng nguyên liệu thuộc loại đặc biệt ưu tiên. Mặt khác, cũng có chế tài ràng buộc nông dân phải bán sản phẩm theo đúng hợp đồng cho DN, khuyến khích DN xây dựng nhà máy chế biến gắn với xây dựng các vùng nguyên liệu…

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản tháng 11 ước đạt 2,4 tỉ USD, nâng tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng này trong 11 tháng năm nay đạt khoảng 25 tỉ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2011.