Thạc sĩ Lê Ngọc Đỉnh - Phó đoàn Quy hoạch & Điều tra Tài nguyên Nước 704, thuộc Liên đoàn Quy hoạch Điều tra Tài nguyên Nước miền Trung cho biết, kết quả quan trắc cho thấy nguồn nước ngầm Đăk Lăk liên tục giảm từ một đến gần ba mét trong vài tháng mùa khô này. Nếu lấy con số bình quân 6 phần trăm thể tích đất là thành phần nước thì, khi mực nước ngầm giảm xuống 0,5m, tỉnh Đăk Lăk bị mất hàng tỷ m3 nước. Trong khi nhu cầu nước để sản xuất nông nghiệp của Đăk Lăk là 1.037 triệu m3, tỉnh này chỉ mới có 553 công trình thủy lợi với trữ lượng 421,17 triệu m3. Gần 600 triệu m3 nước còn thiếu nông dân phải trông chờ vào việc khai thác nước ngầm. Nên khi lượng nước ngầm bị suy giảm nhanh chóng như nêu trên, nông dân Đăk Lăk gặp rất nhiều khó khăn. Theo Giáo sư - Tiến sĩ Trần An Phong, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch & Thiết kế Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn-NN&PTNT), công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng tài nguyên nước ngầm ở Đăk Lăk còn buông lỏng nên nguồn nước ngầm bị khai thác quá mức. Theo điều tra sơ bộ, trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk có khoảng 5.000 giếng khoan, hàng trăm ngàn giếng đào. Có hàng chục cơ sở chuyên đi khoan giếng thuê với giá từ 500 ngàn đồng đến một triệu đồng/mét sâu. Không được ai quản lý và hướng dẫn, nhiều nông dân thuê khoan giếng thật sâu, vì cho rằng giếng càng sâu càng nhiều nước; hậu quả là có những giếng khoan xuyên qua cả tầng đá bảo vệ, khiến túi nước ngầm của cả vùng bị rút cạn đi vĩnh viễn. Nhiều vùng không thể khoan giếng, nông dân phải dùng đến thuốc nổ để bắn đá sâu xuống lòng đất hàng chục mét mới có nước tưới cà phê. Không quen dùng thuốc nổ, rất nhiều nông dân đã phải trả giá bằng cả mạng sống trong hành trình tìm nước gian nan này. Lãng phí Theo ông Nguyễn Văn Sinh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đăk Lăk, nông dân Đăk Lăk đang sử dụng nước tưới cà phê lãng phí kinh khủng. Theo mô hình tưới tiết kiệm mà ngành nông nghiệp trình diễn, mỗi gốc cà phê chỉ cần 450 lít cho một lần tưới để giữ ẩm được trong 25 ngày. Tuy nhiên, hầu hết nông dân vẫn dùng hình thức tưới tràn và tốn từ 650 đến 800 lít/gốc/ lần tưới trong khi độ ẩm của đất cũng không kéo dài được hơn 25 ngày. Như vậy, cứ mỗi lần tưới cà phê, nông dân Đăk Lăk hút khoảng 100 tỷ lít nước ngầm lên khỏi mặt đất và lãng phí gần một nửa số đó. Một thí nghiệm khác cho thấy, cà phê được trồng cây che bóng và che gió mỗi năm chỉ cần tưới ba đợt, trong khi cà phê không có cây che chắn mỗi năm phải tưới từ bốn đến năm đợt. Ngoài ra, nếu trồng các loại cây che chắn như sầu riêng, xoan đào v.v... nông dân còn có thêm nguồn thu nhập đáng kể từ việc thu hoạch sản phẩm của những loại cây này. Một phép tính đơn giản cho thấy, nếu trồng cây che chắn và tưới tiết kiệm, nông dân Đăk Lăk có thể tránh lãng phí khoảng 300 triệu m3 nước, tiết kiệm được hơn 1.000 tỷ đồng tiền công và vật tư, đồng thời thu về trên 2.000 tỷ đồng mỗi năm từ sản phẩm của những loại cây che chắn trên diện tích 170 ngàn hécta cà phê. Lợi ích to lớn, nhưng, cũng theo ông Sinh, việc huy động dân thực hiện tưới tiết kiệm và trồng cây che chắn cho cà phê là khó khăn. Ngành nông nghiệp đã tổ chức nhiều hội thảo, xây dựng nhiều mô hình, nhưng vẫn chưa thuyết phục được nông dân từ bỏ lối suy nghĩ và cách làm cũ. Hầu hết nông dân không chịu trồng cây che chắn cho cà phê chỉ vì sợ các loại kiến sống trên những loại cây này gây trở ngại trong quá trình chăm sóc cà phê. |