00:00 Số lượt truy cập: 2670020

Nuôi cua đồng thu được hiệu quả cao ở Đồng Tháp 

Được đăng : 03/11/2016

Những năm gần đây cua đồng tự nhiên ngày càng ít, đặc biệt vào các tháng mùa khô nên giá bán khá cao. Nhận thức được tình hình đó, nhiều nông dân ở ấp An Quới, xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp đã mạnh dạn đầu tư nuôi cua đồng trong ruộng và hiệu quả mang lại khá cao. Tiêu biểu trong số đó là ông Nguyễn Văn Khanh.


Trước đây, gia đình ông Nguyễn Văn Khanh chỉ sản xuất lúa hai vụ trong năm, hiệu quả mang lại từ cây lúa không cao nên mùa lũ năm 2006 ông đầu tư nuôi cua đồng trong ruộng lúa với diện tích 1.000 m2. Vụ nuôi đầu tiên ông thu được lãi khá, từ đó đến nay ông đã liên tục đầu tư vào nuôi cua. Đặc biệt, vụ nuôi năm 2008, ông Khanh thả nuôi 3.000 kg cua giống trên diện tích 1.000 m2, đến đầu tháng Giêng năm 2009 thu hoạch được 1.800 kg cua thịt, giá bán 17.000 - 19.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí ông thu lãi được 20 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Khanh, kỹ thuật nuôi cua đồng tương đối đơn giản nhưng để đạt được hiệu quả cao cần chú ý đến các khâu sau:

Chuẩn bị ruộng nuôi: Ruộng nuôi cua phải có bờ bao quanh, rào kỹ bờ ao để tránh cua di chuyển từ ruộng nuôi ra ngoài. Thiết kế mương bao quanh ruộng rộng khoảng 2m, sâu 0,5m để cua có nơi trú ẩn vào những thời điểm mực nước trong ruộng thấp hoặc khi thu hoạch. Trong ruộng cần trồng cây điên điển, cỏ mồm hoặc rau muống để làm giá thể, tạo điều kiện cho cua có nơi bám, trú ẩn, đồng thời tạo bóng mát phù hợp để cua phát triển, nhất là khi thời tiết nắng nóng.

Thời điểm thả giống: Nên thả giống từ tháng 8 đến giữa tháng 9 âm lịch. Không nên thả giống kéo dài để tránh tình trạng có nhiều lứa cua trong ruộng, chúng sẽ tấn công nhau khi lột xác, gây hao hụt lớn.

Chế độ chăm sóc và quản lý: Cho cua ăn đầy đủ và phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Thường xuyên theo dõi, quan sát bờ bao hoặc hàng rào xung quanh để tránh cua thất thoát ra ngoài.

Xác định ba khâu trên có ý nghĩa quyết định đến hiệu của mô hình nuôi cua nên ông Nguyễn Văn Khanh chuẩn bị rất kỹ và chu đáo trước mỗi vụ nuôi, nhờ vậy mà năm nào cũng đạt được hiệu quả cao. Ông cho biết: Vụ nuôi cua năm 2008 đạt hiệu quả cao gấp 6 - 7 lần so với trồng lúa.

Vào mùa lũ năm 2009, ông Khanh tiếp tục thả nuôi 3.000 kg cua giống trên diện tích 1.000m2, công việc thả giống đã hoàn tất trong tháng 9 âm lịch. Do chăm sóc và đầu tư tốt về thức ăn nên cua phát triển tốt, tỉ lệ sống cao, sẽ thu được lãi trên 20 triệu đồng/1.000m2.

Thiết nghĩ, hiện nay nhu cầu về cua đồng trên thị trường khá lớn và giá bán lại cao nên nuôi cua đồng là một trong những mô hình mang lại hiệu quả cao, có thể nhân rộng để nông dân áp dụng.