00:00 Số lượt truy cập: 2690863

Nuôi lợn Thái Lan – Một mô hình mới ở Phú Thọ 

Được đăng : 03/11/2016

Khu trang trại có diện tích 7ha, nhìn mắt thường thấy rộng mênh mông, đất màu mỡ, nằm ở phía trong con mương lớn của xã Đoan Hạ, huyện Thanh Thủy. Con mương lớn chạy dọc như ôm lấy mảnh đất trù phú mà lâu nay người ta quên lãng… Thực ra mấy năm trước mảnh đất vẫn có người làm nhưng cách làm của họ không hiệu quả. Nhìn bên ngoài như một khu đất hoang, chỗ thì trồng ngô, chỗ thì ao thả cá, có mấy con vịt hơ hải đi tìm mồi, đất chỗ thì cao chỗ thì thấp, cỏ mọc tự do, thửa ngô chó chạy hở đuôi.


Đó là những người dân họ kể lại như thế. Hôm nay cũng mảnh đất này mọc lên 3 cái nhà mới cao đẹp bề thế. Một cái nhà điều hành 5 gian, 1 cái nhà 4 gian làm kho, bên cạnh là chuồng lợn có diện tích 175m2 chứa 600 con lợn Thái Lan, cũng gần đấy 2 chuồng lợn đang xây dở. Không khí lao động khẩn trương của gần 20 anh em công nhân làm cho chúng tôi vui lây. Phía ngoài là ao thả cá rộng hơn 4ha đang thu hoạch, xung quanh là những cây ngô đang thì con gái làm mát lòng người.

Vợ chồng anh Thụ và chị Kim vui mừng nói với anh em dưới quê Xuân Lộc: Hai chuồng lợn đang xây dở có diện tích 1.555m2. Chúng em đặt quyết tâm hết tháng 12 này phải làm xong chuồng lợn để đầu năm 2009 nhập lợn con. Sang năm 2009 chúng em sẽ có 1.800 con lợn các anh ạ, khó khăn lắm hai năm trời mới cho ra lứa lợn đầu tiên - 600 con lợn trừ các khoản số còn lại là 150 triệu đồng, cộng với số tiền đánh lưới ao thả cá 10 ngày thu được 90 triệu đồng. Ôi! Các anh có biết không những ngày tháng lo sợ đã đi đâu hết. Tối về tính toán lãi 2 khoản anh chị em sướng quá chảy cả nước mắt. Số vốn góp vào hơn 3 tỷ đồng thời gian dài lê thê ấy ai mà không lo.

Bây giờ nhìn thấy rõ đồng tiền thật của mình ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm. Không có bút nào ghi hết được cái vui sướng của người trong cuộc các anh ạ.

Để tồn tại và sống được đến ngày hôm nay, Công ty TNHH Hoàng Kim phải lấy ngắn nuôi dài, lấy phụ nuôi chính. Đó là những cây đỗ tương, cây ngô và những con cá. Gian khổ nhất là những hôm mưa dầm và những ngày nắng như đổ lửa. Bát cơm trộn lẫn mồ hôi, nhìn những anh chị em đầu không mũ, quần sắn đến gối, ta thấy rõ nỗi cực nhọc còn đeo đẳng họ, nhìn họ ai cũng đen như cột nhà cháy dở thì lại càng thấm thía công việc của họ hơn. Mấy anh em kể lại: Nhớ hôm đi vay tiền ông Trà cán bộ ngân hàng huyện Thanh Thủy cứ băn khoăn: “Các cháu làm một việc quá mạo hiểm…” câu nói ấy không phải tự nhiên ông nói vì ông thấy anh Lê Văn Đông đứa cháu ngoại nhà nghèo mà dám đưa vai ra gánh vác một việc quá nặng. Việc ấy giống như một cái đòn gánh quá tải sẽ gãy. Mà đã gãy thì lấy gì mà đền rồi sẽ phải hầu tòa mọt gông...

Cuối thu sang đông thời tiết se lạnh. Ngoài trời lại lất phất mưa, ngồi quây quần bên bếp lửa bập bùng nhìn nụ cười rất tươi và tự tin của vợ chồng giám đốc trẻ làm cho chúng tôi vui thêm ở cái tuổi hơn 30 đầy hứa hẹn...

Nhìn cơ ngơi khang trang với trang thiết bị hiện đại; nuôi lợn bằng máy điều hòa nhiệt độ, các hệ thống ống dẫn nước ngầm ngang dọc, nước đái lợn và phân lợn đi theo đường ống ra ao cho cá ăn. Lợn ăn thức ăn khô, uống nước sạch. Chế độ chăm sóc lợn thật nghiêm ngặt nên không có rủi ro, con lợn không bao giờ ốm. Nhìn qua các ô cửa kính ta hiểu rõ các quy trình của mô hình mới này cả tỉnh mới có một cái đầu tiên. Chị Nguyệt người chịu trách nhiệm nuôi đàn lợn, tuổi đời năm mươi nói với chúng tôi:

Sáu trăm con lợn chỉ sử dụng một lao động từ A đến Z, một loại mô hình rất mới ở nước ta. Người chuyên trách cho lợn ăn ngày ngày phải tắm giặt và thay quần áo 3 lần. Để đảm bảo vô trùng tuyệt đối mỗi khi cho lợn ăn phải đi ủng và găng tay.

Để có được như ngày hôm nay cả họ, cả làng không ai quên anh Nguyễn Đức Thụ giám đốc xưa lúc 8 tuổi buổi sáng đi chăn 100 con vịt bầu, lúc chiều lùa về vẫn còn 100 con nhưng là vịt đàn ông bố tức quá đánh con chảy máu đít song ngồi khóc hu hu như một đứa trẻ.

Nghe chuyện mà xót xa và ngậm ngùi cho những ngày xa xưa ấy. Đến khi anh Thụ có lò đốt vôi rồi dùng xe công nông đi tiêu thụ. Nhưng vẫn đói khổ, anh lại đi đò qua sông Đà sang bên Sơn Tây mò mẫm tìm tòi học hỏi các doanh nghiệp đi trước. Đêm nằm suy nghĩ tìm cách đổi đời. Loại mô hình này đòi hỏi có mặt bằng rộng và vốn lớn... có những lúc anh nghỉ việc mò mẫm đi đến đêm khuya mới về thở dài: “Nghèo làm gì cũng khó”. Nhiều đêm nằm nghĩ mà mồ hôi vã ra như người lên cơn sốt. Phải hàng mấy tháng trời 4 người gom góp mới đủ hơn 3 tỷ vốn. Hơn một năm sau mới hình thành và vất vả lắm mới có mặt bằng hợp lý. Phải đặt quyết tâm thật cao cộng với sự ủng hộ của vợ mới có một cái chuồng lợn 600 con. Vừa làm vừa chạy giấy tờ cùng với cậu em vợ nhiệt tình hăng hái 2 năm sau các chứng chỉ mới ổn và Công ty TNHH Hoàng Kim mới có con dấu chính thức lúc đó công ty mới bắt đầu hoạt động có hiệu lực.

Nhìn cơ ngơi của công ty chưa có gì nổi bật lắm, song tính thật kỹ ta thấy tương lai và tiền đồ thật sáng sủa. Một loại mô hình rất cần cho người nông dân nông nghiệp phải học tập, nhất là tuổi trẻ. Theo như kế hoạch hết tháng 11 sang tháng 12 năm 2008 hai chuồng nữa phải khánh thành sẽ có 1.800 con lợn. Cứ 5 tháng được 1 lứa lợn. Một năm hai lứa sẽ có gần 1 tỷ tiền lãi chưa kể cá thu mấy trăm triệu và những cây ngô, cây đỗ cộng lại ta thấy mô hình của Công ty TNHH Hoàng Kim cần được nhân rộng nhiều hơn nữa.