00:00 Số lượt truy cập: 3229230

Nuôi tôm vượt lũ 

Được đăng : 03/11/2016

Ông Phạm Đình Chung vừa thu hoạch gần 1 ha hồ nuôi tôm thẻ chân trắng vụ 3 tại thôn Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên - Quảng Nam). Dù vậy, việc nuôi tôm trái vụ này không dễ thành công.


Tuy năng suất không bằng 2 vụ chính nhưng ao nuôi của ông Chung cũng đạt hơn 8 tấn, gấp 7 lần so với năng suất bình quân của huyện Duy Xuyên năm 2010. Với giá bán “sô” tại chỗ 80 nghìn đồng/kg (cao gấp 2 lần giá bán chính vụ), doanh thu của ao nuôi đạt trên 640 triệu đồng, lãi ròng hơn 50%. Ông Chung cho biết: “Để nuôi tôm trái vụ trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt chúng tôi phải chuẩn bị dự trữ nước mặn từ mùa nắng. Ngoài ra, công nhân kỹ thuật theo dõi, chăm sóc tôm rất kỹ nên đã vượt được lũ lụt, thu hoạch đạt kết quả cao”.

Thu hoạch tôm ở ao nuôi của ông Chung. Ảnh: L.N

Hiện trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng của ông Phạm Đình Chung có 12 hồ nuôi theo hướng thâm cao, an toàn sinh học với tổng diện tích mặt nước 4,7 ha cao triều, bảo đảm vượt đỉnh lũ cấp 3 + 0,2 m (mức quy định mới). Toàn bộ bờ hồ đều đổ bê tông, đáy trải lót màng địa kỹ thuật theo hệ thống từ ao chứa lắng đến ao nuôi. Ao xử lý nước thải có thể tái sử dụng theo quy trình khép kín và khi thải ra sông đều đảm bảo an toàn. Các ao đều được rào chắn cẩn thận để ngăn chặn các loại vật chủ trung gian hoặc các loại gia súc có nguy cơ làm lây lan mầm bệnh. Ông Chung đầu tư xây dựng một trạm điện hạ thế 250 kVA và mua thêm một máy phát điện dự phòng 170 kVA... Tổng vốn đầu tư cho ao nuôi gần 8 tỷ đồng.

Ông Chung kể, hơn 10 năm trước, tình cờ phát hiện khu vực này có địa thế rất thuận lợi trong nuôi trồng thủy sản nước lợ. Qua vài lần trao đổi, tham khảo ý kiến các kỹ sư ngành thủy sản, năm 2000, ông quyết định đầu tư nuôi tôm tại đây. Ba năm đầu tiên gần như trắng tay nhưng không lâu sau đó ông đã thành công với con tôm, nhất là đối với việc nuôi tôm trái vụ trong thời điểm thường dễ xảy ra lũ lụt. Trang trại này đã từng bị nước lũ cuốn trôi toàn bộ số tôm sắp tới kỳ thu hoạch của 2 hồ rộng 2 ha mặt nước, mất trắng sản lượng tôm trị giá trên 800 triệu đồng ở đợt lũ lụt năm 2009.

“Vào thời điểm xảy ra sự cố này, nhân dân chung quanh ao nuôi ngồi trên... giường vẫn bắt được tôm bằng cách đưa rổ rá xuống nước xúc. Có hộ thu được dăm ba chục ký, thậm chí cả tạ tôm. Vụ tôm trái mùa năm nay, khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin dự báo mưa to, lũ lớn, nhiều người đã đem nò đặt sẵn ngoài bờ rào ao nuôi chờ lũ đón tôm trôi. Nhưng trước đó toàn bộ các hồ đã được làm cao bờ và láng bê tông tránh lũ nên vụ tôm này đã vượt lũ an toàn. Bây giờ nói không ngoa rằng ăn cùng tôm, ngủ cùng tôm nên tôi hiểu từng đặc tính của con tôm” - ông Chung chia sẻ.

Năm 2004, được sự giúp đỡ và cho phép của Sở Thủy sản (cũ), ông Chung là người đầu tiên mạnh đạn đưa giống tôm thẻ chân trắng vào nuôi thử nghiệm và thực hiện biện pháp thâm canh cao từ việc chọn con giống sạch bệnh đến chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, an toàn vệ sinh môi trường. Liên tục trong 6 năm qua, năng suất của ao nuôi đạt bình quân 13,5 tấn/ha/vụ, cao hơn rất nhiều lần năng suất bình quân của địa phương. Hiện trang trại nuôi tôm của ông Chung tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương với mức thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng và giải quyết hàng nghìn ngày công lao động thời vụ. Mỗi năm ông Chung còn tích cực đóng góp vào quỹ xóa nhà tạm, hỗ trợ hộ nghèo địa phương từ 30 - 50 triệu đồng.

“Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đòi hỏi đảm bảo môi trường nghiêm ngặt. Trang trại nuôi trồng thủy sản của ông Chung đã làm được điều này với hệ thống ao lắng để xử lý vi sinh trước khi cấp vào ao nuôi. Mặt khác nước thải cũng được xử lý vi khuẩn trong thời gian nhất định mới được đưa ra môi trường, đảm bảo thâm canh theo hướng an toàn sinh học”, ông Phạm Đình Xuân - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên.