00:00 Số lượt truy cập: 2667892

Ông Cua “đẻ” hạt lúa vàng 

Được đăng : 03/11/2016

Cái tên của ông nghe rất… nông dân: Cua. Kỹ sư Hồ Quang Cua. Cả sự nghiệp khoa học của ông gần như chỉ gắn liền với duy nhất cây lúa. Từ ông, một bộ sưu tập hơn 20 giống lúa thơm mang tên ST đã ra đời, đưa tỉnh Sóc Trăng trở thành một trong những chỉ dẫn địa lý hấp dẫn về gạo thơm hàng đầu trong nước.


Anh cũng không biết mình bắt đầu mê cây lúa từ khi nào, chỉ biết đau đáu nhớ về tuổi thơ của mình bên những đồng lúa mùa thuộc ấp Giầy Lăng, xã Hòa Đông (Vĩnh Châu, Sóc Trăng). Hạt lúa Hòa Đông nuôi anh khôn lớn nhưng không đủ sức làm quê hương anh giàu lên được, vì năng suất, chất lượng không cao. Mang trăn trở đó, chàng trai trẻ bước vào khoa nông nghiệp Trường ĐH Cần Thơ.
 

Kỹ sư Hồ Quang Cua (bìa phải) hướng dẫn đoàn chuyên gia Canada tham quan ruộng lúa thơm ST -Ảnh: X.TRƯỜNG

Quả ngọt trên đồng vàng

Tốt nghiệp, chàng trai trẻ Hồ Quang Cua trở về với ruộng đồng. Biết bao cánh đồng đã in dấu chân anh. Đâu có ruộng, có nông dân là có anh, cùng đánh vật với ruộng đồng và nhà nông. Người dân trong tỉnh - ngay cả bây giờ sau nhiều năm - cũng chỉ biết anh là ông kỹ sư giỏi và chịu khó chứ ít ai biết anh là phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng. Anh đi đồng bất kể lúc nào: sáng tranh thủ dậy sớm ra đồng, chiều sau giờ làm việc cũng thấy lom khom ngoài đồng. Làm cán bộ cấp sở mà ngón chân vàng khè màu phèn.

Công trình lúa thơm ST của anh là câu chuyện bắt đầu bằng sự tình cờ của chuyến thăm đồng vào một buổi sáng mùa đông 1996. Đang ngắm nghía những hạt lúa VD20 no tròn, bằng cặp mắt nhà nghề, anh phát hiện có những cây lúa lạ, gốc màu tím, hạt thon dài rất đẹp. Anh lội ngay xuống ruộng, mân mê những bông lúa lạ, mắt sáng lên như người tìm được vật quý. “Đó là những cá thể VD20 đột biến đầu tiên” - anh nói. Từ đây, một công trình lai tạo, nhân giống với hàng loạt giống lúa thơm mang tên ST được ra đời. Anh kể: “Sự phát hiện này tình cờ nhưng rất có ý nghĩa đối với công tác lai tạo, nhân giống lúa thơm của Sóc Trăng. Có khoảng 1.050 cá thể đột biến đầu tiên được chúng tôi thu thập và sau đó tiến hành trồng thử nghiệm, rồi cho lai tạo theo nhiều cách khác nhau để chọn những cá thể vượt trội nhất đưa vào sản xuất”.

Công việc lai tạo không hề đơn giản vì thiếu nhiều trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ và nhất là tiêu chuẩn về giống lúa thơm của VN lúc này vẫn chưa có. “Lúc đó thiếu nhiều thứ lắm nhưng cái gì tự chế được thì mình chế, cái gì chưa có thì “mượn tạm” của người khác. Trong công tác giống, nếu thiếu các tiêu chí về giống cũng như người đi biển thiếu la bàn. Bởi vậy chúng tôi “mượn tạm” tiêu chí lúa thơm BE.2541 của Thái Lan để thực hiện. Sau này một cộng sự của tôi là thạc sĩ Trần Tấn Phương còn phát minh ra phương pháp đánh giá mùi thơm rất nhanh chóng và hiệu quả. Thông qua tiêu chí mùi thơm, chúng tôi loại được những giống lúa không đạt chuẩn rất nhanh. Công việc ngày càng tiến triển, đến nay chúng tôi đã có được bộ sưu tập giống ST từ 1-20 và một giống ST3 đỏ” - anh kể.

Với công trình lai tạo thành công giống lúa thơm dòng ST, kỹ sư Hồ Quang Cua được trao tặng Huân chương Lao động hạng nhì -Ảnh: X.TRƯỜNG

“Anh Cua đã đi trước chúng tôi một bước…”

Về giống ST3 đỏ, GS.TS Nguyễn Văn Luật - nguyên viện trưởng Viện lúa ĐBSCL - tại hội thảo xây dựng thương hiệu cho lúa gạo ĐBSCL tổ chức ở Cần Thơ tháng 4-2008 bày tỏ: “Trong khi tôi còn đang nghiên cứu lai tạo giống lúa cho gạo hạt vàng để tăng hàm lượng carotene thì anh Cua và các cộng sự ở Sóc Trăng đã cho ra giống ST3 đỏ giàu dinh dưỡng và chất sắt. Phải nói đây là giống gạo thơm, ngon trong số những loại gạo ngon trên thế giới mà tôi được ăn. Anh Cua và các anh em ở Sóc Trăng đã đi trước chúng tôi một bước!”. 
Nhắc đến kỹ sư Hồ Quang Cua, ông Trần Nhanh ở xã Viên Bình (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) luôn kính trọng. Bởi từ khi gặp được Hồ Quang Cua, cánh đồng lúa thất mùa ngày nào của ông Nhanh và nhiều nông dân khác ở xã đã thay da đổi thịt. Trước đây, sáu anh em gia đình ông Trần Nhanh làm lúa cao sản hai vụ nhưng thu nhập vẫn không cao.

Từ khi anh Hồ Quang Cua dúi vào túi những hạt lúa mang dòng ST để trồng thử nghiệm thì anh em nhà ông  nhanh chóng đổi đời. Với gần 20ha, mấy năm nay anh em ông Trần Nhanh đều trồng giống lúa ST5, mỗi năm cho lãi ròng khoảng 600 triệu đồng.

Hiện anh Hồ Quang Cua còn hướng dẫn gia đình ông Trần Nhanh ứng dụng công nghệ phun nấm Trichoderma để làm phân hủy nhanh rơm rạ, giúp lúa tránh ngộ độc hữu cơ và hạn chế được sâu bệnh. Đặc biệt, khi sử dụng nấm Trichoderma phun lên rơm rạ sẽ làm năng suất lúa tăng thêm gần 1 tấn/ha so với ruộng lúa bình thường.

Chắp cánh cho ST bay xa

Trong công việc lai tạo, nhân giống, ngọn lửa đam mê lúa thơm của tiến sĩ Cua còn lan tỏa sang những kỹ sư trẻ, những kỹ thuật viên và cả nông dân trong tỉnh. Một vài người đã có được tên tuổi, tiếng tăm sau khi cùng anh lai tạo, nhân giống lúa thơm. Trong số này có thạc sĩ Trần Tấn Phương, người đang được xem là ứng cử viên sáng giá nhất cho chức… “bang chủ” đời thứ hai của “bang ST”.

Hiện nay, thạc sĩ Phương đang là nghiên cứu sinh để lấy bằng tiến sĩ cũng với công trình lúa thơm. Phương cho biết: “Vừa rồi khi nghe Sóc Trăng báo cáo về bộ sưu tập lúa thơm, các chuyên gia của Thái Lan hết sức bất ngờ và thán phục trước tốc độ phát triển giống lúa thơm mang tên ST”. Kỹ sư Hồ Quang Cua khiêm tốn: “Mình tôi thì làm gì có được bộ sưu tập lúa thơm đồ sộ như vậy. Tôi chỉ làm giai đoạn đầu, còn sau này chủ yếu là do các anh em trong ngành có cùng đam mê phát triển thêm lên. Chính sự sáng tạo của anh em đã rút ngắn thời gian nghiên cứu, lai tạo nên mới có được hôm nay”.

Từ những giống lúa thơm ST, nhiều nông dân đã làm giàu và ngay thời điểm giá lúa xuống thấp nhất kể từ vụ hè thu 2008 đến nay thì giá lúa thơm ST vẫn vững vàng ở ngôi cao nhất. Đặc biệt, những ngày cận Tết Kỷ Sửu vừa qua, trong khi các loại lúa dài thường chỉ có giá 4.200-4.400 đồng/kg thì lúa ST5 được trồng lắp vụ dưới ao nuôi tôm cho năng suất lên đến 5,5 tấn/ha và bán với giá cao, từ 5.600-5.800 đồng/kg, mỗi hecta nông dân thu lãi ròng gần 20 triệu đồng.

Để chọn được những giống lúa thơm phù hợp với người tiêu dùng, ngoài việc áp dụng các tiêu chí BE.2541, kỹ sư Cua còn tổ chức những cuộc hội thảo, tham quan đánh giá giống và những cuộc thi “cơm nào ngon hơn”, “cơm ngon thương hiệu Việt”... tại các cuộc triển lãm, hội chợ trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá cho lúa thơm ST. Anh tâm sự: “Nghiên cứu là một lẽ nhưng nếu không quảng bá sẽ không ai biết mình đang có giống lúa thơm cho gạo ngon không thua gì gạo Thái Lan”.

Không chỉ vừa nghiên cứu lai tạo, nhân giống hay quảng bá thương hiệu, kỹ sư Cua còn là người tiên phong trong việc đưa chế phẩm sinh học vào quy trình sản xuất lúa thơm ST để sản phẩm không chỉ ngon mà còn an toàn cho người tiêu dùng và thân thiện với môi trường. Và cũng chính anh đã làm sống lại mô hình “con tôm ôm cây lúa” trên những vùng đất nuôi tôm kém hiệu quả trước đây. Tấm Huân chương Lao động hạng nhì là một phần thưởng xứng đáng cho công trình nghiên cứu, lai tạo lúa thơm ST của anh.

Không còn trẻ nhưng như anh nói tình yêu cây lúa trong anh luôn mãnh liệt như “mối tình đầu tiên”. Theo anh, “mối tình” với cây lúa mang tên ST đã trở thành một phần máu thịt, là mục tiêu mà anh đang hướng tới với mong muốn đem lại danh tiếng cho hạt gạo Sóc Trăng, đem lại cho nông dân nguồn thu nhập xứng đáng với công sức mà họ bỏ ra.

Và đó, theo anh, cũng chính là cách để trả nợ hạt lúa quê hương từng nuôi anh khôn lớn.