00:00 Số lượt truy cập: 2677000

Ông già VAC 

Được đăng : 03/11/2016
Mặc dù đã chuẩn bị bước sang tuổi 70 nhưng ông Đinh Văn Sấn ở xã Gia Vân (Gia Viễn - Ninh Bình) vẫn say mê làm kinh tế VAC. Mô hình kinh tế của ông mỗi năm cho thu nhập hơn 150 triệu đồng. Ông được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến với biệt danh “ông già VAC”.

Ông ĐInh Văn Sấn đang tỉa những cây cảnh có giá hàng chục triệu đồng.

“Bắt” đất cằn "đẻ" ra tiền tỷ

Tháng 10/1976, ông Sấn rời quân ngũ vì một chấn thương trong lần tham gia chiến đấu tại Tây Ninh. Về quê được ít lâu, ông được bầu làm chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, rồi Bí thư Đảng ủy. Đầu năm 1993, ông nghỉ hưu.

Ông Sấn tâm sự: “Nhà tôi có mảnh vườn rộng gần một mẫu (1 mẫu Bắc Bộ = 3.600m2) nhưng chỉ toàn cây tạp. Tâm niệm lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cao tuổi phải sống vui, sống khỏe, sống có ích, tôi quyết tâm làm sống lại khu vườn này”. Trầm ngâm giây lát, ông kể tiếp: “Tôi quyết định phá bỏ toàn bộ số nhãn, mít già cỗi. Sau đó mua 500 cây cảnh về trồng; hơn 400m2 còn lại, tôi trồng giống bưởi cho quả to và ngọt”.

Từ mảnh đất cằn cỗi, đến nay, vườn cây cảnh với hơn 500 gốc của ông Sấn có giá trị hàng trăm triệu đồng, chưa kể 20 gốc bưởi cho thu hoạch 3-5 triệu đồng/vụ.

Không bằng lòng với những gì đã có, năm 1995, ông quyết định đầu tư mua 10 đôi trăn giống về nuôi. ông cho biết: “Nuôi trăn không cần nhiều diện tích, chỉ cần xây hầm khoảng 1m2 là có thể nuôi được. Sau 2-3 năm, mỗi con đạt trọng lượng 12-17kg. Lứa đầu tiên tôi thu được hơn 30 triệu đồng. Sau đó, tôi tiếp tục mua thêm 10 đôi trăn giống về nuôi. Có điều thuận lợi là thức ăn của trăn rất rẻ, lại dễ kiếm, chủ yếu là chuột. Mỗi năm tôi thu mua 90-100kg chuột làm thức ăn cho trăn, cũng là cách giúp bà con hạn chế chuột phá lúa”.

Là người chịu khó học hỏi những kinh nghiệm làm kinh tế từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, ông luôn tìm cho mình những hướng đi mới và táo bạo. Năm 2005, sau một lần tình cờ đọc một bài báo viết về cách nuôi nhím ở Sơn La, ông quyết tìm cho được tài liệu về kỹ thuật nuôi nhím, đồng thời lên tận nơi để học hỏi kinh nghiệm. Cuối năm 2005, ông mua 12 đôi nhím về nuôi. Đến nay, đàn nhím của ông luôn duy trì 12-15 đôi. Ông cho biết, mỗi ngày một con nhím chỉ ăn hết 1.000 đồng tiền thức ăn như: ngô, khoai, sắn hoặc thức ăn thừa được tận thu. Ông Sấn cho biết: “Nhím là vật nuôi siêu lợi nhuận. Năm ngoái tôi bán 5 đôi nhím giống được hơn 50 triệu đồng, trừ chi phí, lãi hơn 40 triệu đồng. Hiện tôi đang phấn đấu đến năm 2010 sẽ nhân rộng đàn nhím lên 30 cặp”.

Làm kinh tế là niềm say mê

Có được những thành công như hôm nay, ông Sấn đã rút ra phương thức cốt yếu trong làm kinh tế là phải lấy VAC làm gốc. Đồng thời, muốn để phương thức đó thành công phải lưu ý những yếu tố quan trọng như: Phải nắm chắc khoa học kỹ thuật và “trinh sát” thị trường. ông nói: “Làm kinh tế nông nghiệp phải nắm rõ thị hiếu của người tiêu dùng để đầu tư con nuôi hợp lí. Đối với tôi, làm VAC là niềm say mê. Tôi không thể ngồi yên với quan niệm chỉ cần vài sào ruộng là đủ sống. Đã đến lúc người nông dân phải biết tư duy thương mại trong sản xuất nông nghiệp”.

Hiện, ông Sấn là Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh và Làm vườn xã; Hội trưởng Hội Cựu chiến binh của xã. Với những thành công từ mô hình kinh tế của mình, năm 2008, ông được UBND tỉnh Ninh Bình tặng Bằng khen người cao tuổi sản xuất giỏi cùng nhiều giấy khen của các ban ngành khác.