Để chủ động ngăn chặn dịch lây lan ra diện rộng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, trong đó triển khai ngay việc phát động và tổ chức thực hiện chiến dịch này trong tháng 3.
Hoạt động vệ sinh tiêu độc khử trùng được áp dụng với các cơ sở chăn nuôi, ấp nở, giết mổ gia cầm tập trung; chợ buôn bán gia cầm sống ở nông thôn và nơi công cộng.
Cụ thể, các cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung cần tiêu độc toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận ba lần/ tuần.
Hộ gia đình nên nuôi nhốt gia cầm, phun thuốc sát trùng khu vực nuôi và vùng phụ cận hai lần/tuần.
Cơ sở ấp nở gia cầm, thuỷ cầm cần khử trùng máy ấp khi hết ca sản xuất, khử trùng hằng ngày toàn bộ diện tích cơ sở ấp trứng, đường đi, phương tiện vận chuyển trứng giống và gia cầm mới ấp nở...
Những cơ sở giết mổ gia cầm tập trung
phải vệ sinh, khử trùng khu nhốt trước khi nhập đàn mới và sau mỗi ca sản xuất, bảo đảm nơi giết mổ vệ sinh.
Chợ buôn bán gia cầm sống ở nông thôn cần phun khử trùng, vệ sinh khu bán gia cầm, quầy bán thịt cuối mỗi buổi chợ.
Các địa điểm công cộng như đường làng, ngõ xóm cần quét dọn hằng tuần.
Theo Cục Thú y, từ đầu năm 2008 đến nay, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại 21 xã của 12 tỉnh, thành phố. Tổng số gia cầm chết, buộc phải tiêu huỷ là 26.280 con. Tính đến ngày 3-3, có chín tỉnh là Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Dương, Nam Định, Tuyên Quang, Ninh Bình, Vĩnh Long, Phú Thọ và Hà Nam xuất hiện ổ dịch chưa qua 21 ngày.
Tình hình nhiễm virus cúm A(H5N1) ở người cũng rất nguy hiểm. Từ đầu tháng 12-2007 đến nay, đã có bốn ca tử vong vì mắc cúm A(H5N1).