00:00 Số lượt truy cập: 2669882

Phát huy hiệu quả mô hình chuỗi chăn nuôi gia cầm an toàn ở xã Tam Quan (Vĩnh Phúc) 

Được đăng : 03/11/2016
Xã Tam Quan là địa phương chăn nuôi số lượng gia cầm lớn nhất huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) (khoảng 1 triệu con). Tuy nhiên, năm 2004 và năm 2011 2011 do dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát, gây thiệt hại lớn về kinh tế và đời sống của nhân dân trên địa bàn. Sau những đợt dịch, người chăn nuôi trong xã đã tự rút ra cho mình nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch. Trong đó, việc phát huy hiệu quả mô hình chăn nuôi gia cầm an toàn chính là biện pháp hữu hiệu nhất.

 

Hầu hết các hộ chăn nuôi gà ở xã Tam Quan đều tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc của chuỗi chăn nuôi gia cầm an toàn.

Cách đây hơn 3 năm, vào tháng 2-2011, dịch cúm gia cầm H5N1 đã bùng phát ở một số hộ chăn nuôi gà tại 5 thôn gồm: Quan Nội, Quan Ngoại, Làng Chanh, Làng Mấu và Nhân Lý của xã Tam Quan. Ngay sau khi dịch xảy ra các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, bao vây, dập dịch đã nhanh chóng được triển khai. Chỉ sau một thời gian ngắn, nhờ sự nỗ lực của các cấp, các ngành và sự hợp tác của các hộ chăn nuôi, diễn biến của dịch bệnh đã được khống chế. Tuy nhiên, dịch cúm gia cầm H5N1 để lại những hậu quả nặng nề với trên 22.000 con gia cầm ốm, chết và phải tiêu huỷ, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến dịch cúm gia cầm bùng phát trên địa bàn xã là do ý thức chủ quan của một số hộ chăn nuôi, họ không tuân thủ hoặc tuân thủ không đầy đủ việc tiêm phòng vắcxin cho đàn gia cầm theo khuyến cáo của ngành thú y. Đến khi có gia cầm ốm, họ cố gắng cứu chữa và chỉ khi gia cầm chết hàng loạt họ mới thông báo tới xã, đến lúc này thì dịch bệnh đã trở lên nghiêm trọng và khó kiểm soát. Hậu quả cũng như thiệt hại gây ra cho người chăn nuôi là rất nặng nề. Đây thực sự là một bài học đắt giá không chỉ những gia đình trực tiếp bị dịch bệnh xảy ra trên đàn gia cầm mà còn là lời cảnh báo cho tất cả những hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn xã.

Ông Nguyễn Văn Mây, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Nhằm phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả bảo vệ an toàn cho đàn gia cầm, kiên quyết không để dịch bệnh gia cầm bùng phát trở lại, Đảng ủy, UBND xã luôn xác định: khâu phòng bệnh là chính. Xã thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để mỗi người dân, đặc biệt là các hộ chăn nuôi hiểu rõ hậu quả và những nguy hại của dịch bệnh, nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh. Xã phân công các thành viên BCĐ phụ trách từng thôn xóm; thường xuyên giám sát, theo dõi thống kê tổng đàn gia cầm hiện có, tình hình diễn biến của đàn vật nuôi. Chỉ đạo nhân viên thú y xã và các trưởng thôn thường xuyên giám sát chặt chẽ việc nhập, xuất đàn gia cầm tại các hộ chăn nuôi, trực tiếp và hỗ trợ các hộ chăn nuôi tiêm vắcxin và phun khử trùng tiêu độc theo chỉ đạo của ngành Thú y.

Theo số liệu thống kê, xã Tam Quan hiện có trên 850.000 con gà, trong đó đàn gà đẻ trên 280.000 con và đàn gà thịt trên 570.000 con; hiện xã có 192 trang trại, hộ chăn nuôi gia cầm có quy mô lớn từ 5.000 đến 20.000 con gia cầm; trên 2.000 hộ chăn nuôi quy mô nhỏ và vừa từ vài trăm con đến dưới 5.000 con. Những năm qua, nhờ phát triển trang trại chăn nuôi đã đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ trong xã và chăn nuôi trở thành một trong những nghề chính, đóng vai trò rất quan trọng đối với đời sống của người dân trong xã. Cũng chính vì thế mà công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm đã được người dân và các hộ chăn nuôi trong xã đặc biệt quan tâm. Sau nhiều năm đầu tư mô hình chăn nuôi, người dân trong xã tự trang bị cho mình những kiến thức và kinh nghiệm trong việc tự chăm sóc, bảo vệ đàn gia cầm của gia đình. Đặc biệt, là việc duy trì và nhân rộng hiệu quả của mô hình chuỗi chăn nuôi gia cầm an toàn.

Theo ông Trần Văn Điệp, nhân viên thú y xã Tam Quan: Mô hình chuỗi chăn nuôi gia cầm an toàn được xây dựng trên 3 nguyên tắc: An toàn về giống; an toàn về chuồng trại, thức ăn; an toàn về phòng và điều trị bệnh cho gia cầm. Hiện tại, hầu hết các hộ chăn nuôi trong xã, đặc biệt là các hộ chăn nuôi có quy mô lớn đều tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc của chuỗi chăn nuôi gia cầm an toàn. Về nguồn giống: Nguồn gà giống đều được các hộ mua từ các công ty, đại lý có uy tín, tuyệt đối không xảy ra tình trạng các hộ mua giống trôi nổi hoặc giống không rõ nguồn gốc. Về chuồng trại: Các hộ đều chủ động đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại hợp vệ sinh, đảm bảo thoáng mát về mùa hè và ấm áp về mùa đông, các chuồng nuôi đều được trang bị hệ thống quạt mát, đèn sưởi, sử dụng đệm lót sinh học nhằm đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho đàn gia cầm; nguồn thức ăn chăn nuôi cũng được các hộ chọn lựa và được cung cấp bởi các đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi có uy tín . Về phòng và điều trị bệnh cho gia cầm: Tất cả các hộ đều tuân thủ việc tiêm phòng cho đàn gia cầm theo địch kỳ và theo hướng dẫn của ngành thú y, đối với các hộ nuôi nhỏ lẻ dưới 1.000 con được xã tiêm phòng theo lịch tiêm phòng của tỉnh, còn các hộ nuôi từ 1.000 con trở lên đều chủ động mua vắcxin và tự tiêm phòng cho đàn gia cầm.

Gia đình ông Lăng Xuân Hảo, thôn Quan Ngoại thường xuyên nuôi từ 10.000- 11.000 con gà Ai Cập đẻ trứng. Nhiều năm qua, do tuân thủ tốt quy trình, nguyên tắc chuỗi chăn nuôi gia cầm an toàn nên đàn gà của gia đình luôn được bảo vệ, không bị dịch bệnh. Chia sẻ kinh nghiệm của mình, ông Hảo cho biết: Muốn bảo vệ an toàn cho đàn gia cầm trước nhất cần quan tâm đến khâu chọn giống, bởi con giống có khỏe thì khi mua về chăm sóc nuôi dưỡng đàn gà mới khỏe mạnh. Bên cạnh đó, phải đặc biệt quan tâm đến việc chăm sóc và chế độ ăn uống của gà theo đúng quy trình, liều lượng; hệ thống chuồng trại phải đầu tư xây dựng đảm bảo thoáng mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông để gà có sức đề kháng tốt. Ngoài ra, cần tiêm phòng vắcxin định kỳ theo hướng dẫn của cán bộ thú y xã; thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe của đàn vật nuôi để kịp thời phát hiện, xử lý, điều trị những con nhiễm bệnh, hạn chế lây lan thành dịch, khi đó sẽ khó kiểm soát và gây thiệt hại lớn cho bản thân gia đình và các hộ chăn nuôi xung quanh. Ông Hảo cũng cho biết thêm: Hiện trong xã đã hình thành các nhóm hộ chăn nuôi, chủ yếu là các hộ chăn nuôi lớn thường xuyên có mối quan hệ, trao đổi kinh nghiệm với nhau, bên cạnh việc trao đổi hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, họ còn giúp nhau trong việc điều trị và phòng chống, dịch bệnh cho đàn gà của gia đình.

Ông Lại Hữu Xuất, thôn Làng Mấu, hiện đang nuôi trên 3.000 gà đẻ trứng cũng chia sẻ: Để bảo vệ đàn gà ngay từ khi nhập đàn cần cho gà con uống đầy đủ các loại thuốc phòng ngừa dịch bệnh, tiếp đó thực hiện nghiêm việc tiêm vắcxin theo định kỳ; giữ gìn vệ sinh chuồng trại, phun thuốc sát trùng và rắc vôi bột khử trùng tiêu độc trước nhập đàn hoặc sau khi xuất bán...

Theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù đã hơn 2 năm kể từ khi bùng phát dịch, trên địa bàn xã Tam Quan không xảy ra dịch, bệnh gia cầm và người chăn nuôi trong xã cũng đã có kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia cầm. Tuy nhiên, không vì thế mà các hộ có tâm lý chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Ngô Tuấn Anh