Trồng thanh long trái vụ ở Long An (Ảnh: K.V) |
Đặc biệt, từ năm 2000 trở lại đây, tiềm năng kinh tế vườn của Đồng bằng sông Cửu Long được phát huy với nhiều đổi mới trong phương pháp trồng và chăm sóc, tuyển chọn cây giống chất lượng, hình thành các vùng chuyên canh hàng hóa lớn, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong quá trình thâm canh mà nổi bật là trồng cây ăn trái theo hướng VietGAP và GlobalGAP... Các tỉnh trong khu vực đã hình thành được một số vùng sản xuất trái cây đặc sản hàng hóa tập trung như xoài cát Hòa Lộc ở Tiền Giang và thành phố Cần Thơ, xoài cát chu ở Đồng Tháp, bưởi Năm Roi ở Vĩnh Long, Hậu Giang và Sóc Trăng; bưởi da xanh ở Bến Tre; quýt hồng Lai Vung ở Đồng Tháp; thanh long ở Tiền Giang, Long An.
Việc xuất khẩu trái cây của Đồng bằng sông Cửu Long đã phát triển tốt với sự thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu trên khắp các châu lục. Trong số những trái cây chủ lực có lượng xuất khẩu lớn, thu về nhiều ngoại tệ có sự góp mặt của nhiều loại trái cây đặc sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long như thanh long (chiếm trên 40% tổng kim ngạch xuất khẩu), dừa (chiếm 27,2% tổng kim ngạch), dứa (trên 16% tổng kim ngạch), mít (3,5%), bưởi (chiếm 1,6%), xoài (chiếm 1,5%)…
Để người nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nâng cao giá trị thu nhập trên một diện tích canh tác, cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế từ các giống cây trồng, các ngành và các đơn vị chức năng đã khuyến khích các nhà khoa học tập trung công tác nghiên cứu trên lĩnh vực chọn tạo giống các loại cây ăn trái đặc sản có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu tốt với các loại sâu bệnh nguy hiểm và đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các đối tác ngoài nước để nghiên cứu, chọn tạo và nhân giống cây ăn trái chất lượng.
Thông qua sự hợp tác giữa Viện Cây ăn quả miền Nam và các địa phương đã tổ chức trên ba chục mô hình sản xuất trái cây theo tiêu chí VietGAP, GlobalGAP. Đặc biệt, sự hình thành quan hệ sản xuất mới trên lĩnh vực trồng cây ăn trái bằng cách tổ chức các tổ hợp tác và hợp tác xã chuyên canh theo hướng GAP đã góp phần giúp trái cây đặc sản Đồng bằng sông Cửu Long khẳng định được thương hiệu, thâm nhập các thị trường xuất khẩu khó tính và củng cố được mối liên kết 4 nhà, giúp giải quyết đầu ra cho trái cây ở Đồng bằng sông Cửu Long như chôm chôm (Bến Tre), thanh long (Tiền Giang và Long An) được Cơ quan Kiểm dịch Thực vật Hoa Kỳ cấp mã code xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ; xoài và thanh long cũng được cấp phép sang thị trường Hàn Quốc, New Zealand…
Cũng theo các nhà chuyên môn, để trái cây có đầu ra ổn định, cần có sự liên kết sản xuất, tiêu thụ trái cây ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, thời gian qua, ở Đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành nhiều mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ trái cây với những sản phẩm như dừa, bưởi, thanh long, mít.v.v…
Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thạnh Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cho biết, phải mất gần 10 năm để đưa cây chanh không hạt từ nước ngoài về mới có thể lai tạo thành sản phẩm đặc trưng, có thị trường tiêu thụ ổn định. Chính những người nông dân và hợp tác xã sản xuất loại cây trồng trên đã góp phần đưa trái cây đến người tiêu dùng không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.
Lúc ban đầu tìm thị trường tiêu thụ rất khó khăn, phải đi chào hàng từng siêu thị. Thông qua quy trình VietGAP, Hợp tác xã Thạnh Phước cũng đã ký hợp tác sản xuất và tiêu thụ với hai công ty là Công ty The Fruit Republic (Hà Lan) thu mua để xuất khẩu và Công ty Cổ phần Nông trại Sinh thái (Ecofarm) ở Phú Quốc (Kiên Giang) tiêu thụ trong nước, hiện có nhiều doanh nghiệp đặt vấn đề ký hợp đồng với số lượng lớn để xuất khẩu, nhưng hiện tại sản lượng chưa bảo đảm đủ cung cấp. Hiện nay, người trồng chanh không hạt cho thu nhập bình quân không dưới 300 triệu đồng/ha/năm, đây là cây làm giàu của bà con nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Có thể thấy, để phát triển bền vững thì nhà vườn trồng cây ăn trái ở Đồng bằng sông Cửu Long phải định hướng sản xuất theo thực hành nông nghiệp tốt, đến nay chương trình thực hành nông nghiệp tốt đã được triển khai thực hiện ở nhiều địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó tỉnh Tiền Giang là nơi đi đầu, với khá nhiều chủng loại trái cây khác nhau. Từ khi có chủ trương thực hiện chương trình, tỉnh này đã chủ động phối hợp với các Viện, Trường và doanhh nghiệp mở nhiều lớp tập huấn cho các tổ liên kết, hợp tác xã sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt.
Tỉnh Vĩnh Long đang thực hiện dự án phát triển kinh tế vườn từ nay đến năm 2015, hỗ trợ đầu tư khôi phục và phát triển diện tích chuyên canh cây đặc sản theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobaGAP, hiện Vĩnh Long đang xây dựng 15 mô hình đối tượng bưởi năm roi và cam sành trồng theo hướng tập trung diện tích 75 ha tại các xã Mỹ Hòa, Ðông Bình, Thuận An (thị xã Bình Minh), Ngãi Tứ, Bình Ninh (huyện Tam Bình). Ngoài ra, Trung tâm khuyến nông tỉnh Vĩnh Long còn hỗ trợ kinh phí cho Hợp tác xã bưởi năm roi Mỹ Hòa và cam sành Tam Bình tái đánh giá chứng nhận Global GAP vào cuối năm 2013 và năm 2014.
Dự báo đến năm 2015, tổng nhu cầu nhập khẩu trái cây của thế giới sẽ vào khoảng 3,6 triệu tấn/năm, trong đó khoảng 2,6 triệu tấn là trái cây khu vực các nước nhiệt đới. Xuất khẩu trái cây tươi trên thế giới có xu hướng tăng, tốc độ tăng bình quân 5,4%/năm. Trong đó, trái cây sản xuất tại Ðồng bằng sông Cửu Long sẽ tích cực tham gia vào thị trường xuất khẩu tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Mỹ, Cam-pu-chia, Lào và các nước thuộc EU./…