Theo báo cáo của các nhà quản lý, nguyên nhân khiến cho xảy ra hiện tượng trồng rồi chặt rồi lại trồng cây ca cao là do một số địa phương trồng trên vùng đất không phù hợp, thiếu đầu tư nên năng suất thấp, dự án đầu tư nhỏ lẻ tại các vùng sâu vùng xa. Ngoài ra do giá ca cao trên tế giới sụt giảm nên giá bán tại Việt Nam đang từ 65.000 đồng/kg xuống còn khoảng 38.000 đồng/kg.
Tuy nhiên chất lượng ca cao Việt Nam vẫn thuộc loại cao trên thị trường thế giới. Ca cao Việt Nam có hương vị riêng đặc thù mà thị trường tiêu thụ rất ưa chuộng. Chất lượng ca cao lại phụ thuộc rất nhiều vào qui trình sản xuất, sơ chế biến và bảo quản. Theo thống kê hiện nay ở Việt Nam chỉ khoảng 30% diện tích trồng ca cao đạt yêu cầu kỹ thuật, có 40% diện tích được chăm sóc đầu tư và khoảng 30% không được chăm sóc đầu tư. Đã có tới 232 cơ sở thu mua sản phẩm ca cao lên men nhưng việc quản lý chất lượng ca cao lại chưa được tốt làm giảm chất lượng sản phẩm rất nhiều sau khi sơ chế lên men. Theo Cục Trồng trọt, những tồn tại của sản xuất ca cao hiện nay ở Việt Nam bao gồm nhiều yếu tố tác động ảnh hưởng xấu, đó là: đất trồng, giống, sâu bệnh hại, biện pháp canh tác và thị trường tiêu thụ.
Trao đổi tại Diễn đàn, nhiều ý kiến của người trồng ca cao cho biết hiện tại họ chưa tiếp cận được những thông tin chi tiết về qui trình sản xuất cũng như các tiêu chí cụ thể để đánh giá chất lượng sản phẩm ca cao, trong sản xuất gặp khó khăn về dịch bệnh, kỹ thuật trồng và chế biến thì chưa có địa chỉ tin cậy nào giúp họ tìm ra giải pháp. Đáp ứng nhu cầu này một số tổ chức trong và ngoài nước đã đưa ra một số giải pháp như sử dụng các website, ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển tải nhanh chóng thông tin kỹ thuật canh tác cũng như sơ chế biến hay đánh giá chất lượng sản phẩm khi xuất bán,… đến người sản xuất./.