Sáng 8/7, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu và phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây và Công ty CP Thương mại, Đầu tư và Phát triển Công nghệ Quốc tế (IDT) đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Phát triển cây macadamia vì mục tiêu làm giàu của nông dân Tây Bắc và Tây Nguyên”. Tham dự hội thảo có đại diện một số bộ, ban, ngành trung ương và địa phương cùng với đại diện của các sứ quán Mỹ, Úc, Hà Lan tại Việt Nam; các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang đầu tư vào trồng, chế biến macadamia tại Việt Nam.
Cây macadamia có xuất xứ từ Úc. Với những giá trị dinh dưỡng vượt trội, hạt macadamia được xếp vị trí hàng đầu trong các loại hạt và được mệnh danh là “Hoàng hậu của các loại hạt”. Sản lượng macadamia trên toàn thế giới hiện chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu trong khi tốc độ tăng trưởng của thị trường bình quân khoảng 15%/năm. Theo các thống kê trên thế giới, 5 nước đứng đầu về sản lượng macadamia hiện là Úc, Nam Phi, Mỹ, Malawi và Brazin. Việt Nam hiện đứng thứ 11 trong 17 nước có diện tích macadamia lớn nhất trên thế giới với khoảng 1000 ha. Cây macadamia được đưa về Việt Nam để khảo nghiệm từ năm 2002, đến nay đã có thể khẳng định là Việt Nam có đầy đủ các yếu tố và hoàn toàn có khả năng để phát triển cây macadamia thành một ngành kinh tế mới với tiềm năng to lớn.
Điều 12 Nghị định 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có hiệu lực từ 10-2-2014 quy định: “Các dự án trồng cây macadamia có quy mô từ 50 ha trở lên được ngân sách nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng/ha để xây dựng đồng ruộng, cây giống. Hỗ trợ xây dựng cơ sở sản xuất giống cây macadamia quy mô 500.000 cây giống/năm trở lên, mức hỗ trợ tối đa là 70% chi phí đầu tư/cơ sở …”.
PGS.TS Phạm Công Tuấn, Viện phó Viện Nghiên cứu và phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây cho biết, đến năm 2020, thị trường toàn thế giới cần khoảng 220.000 tấn nhân (tương đương 650.000 tấn hạt). So với nhu cầu thì nguồn cung cấp đến năm 2020 mới chỉ đáp ứng khoảng 25-30% lượng cầu. Từ đó thấy, nhu cầu của sản phẩm macadamia là rất lớn, nên việc phát triển nếu được quy hoạch, lựa chọn vùng thích hợp tốt thì hoàn toàn có triển vọng.
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn cho rằng, hai vùng khí hậu Tây Bắc và Tây Nguyên của Việt Nam rất phù hợp để phát triển cây macadamia, do đó có thể coi là điều kiện đặc hữu của Việt Nam trong việc trồng cây macadamia. Với thực tế hiện nay, một cây macadamia có thể cho tới 70 kg quả và với giá hiện khoảng 15 USD/kg nhân thì Việt Nam chỉ cần 10 năm để phát triển 100.000 ha và có thể đạt được kim ngạch khoảng 2 tỷ USD/năm.
GS. Hoàng Hòe, nguyên Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng, phân tích: Cà phê chủ yếu làm đồ uống và một phần nhỏ pha rượu hay bánh kẹo, trong khi nhân macadamia do đặc điểm giòn, bùi, thơm ngon, cách ăn và chế biến cũng rất đa dạng, cho phép macadamia vượt qua mọi ranh giới sắc tộc, tôn giáo, tuổi tác, giới tính và truyền thống ẩm thực để đến với mọi người trên thế giới./.