00:00 Số lượt truy cập: 3230680

Phát triển cây trái ở ĐBSCL: Những yếu kém trong sản xuất và tiêu thụ 

Được đăng : 03/11/2016
Trái cây ĐBSCL có nhiều giống cho chất lượng nổi tiếng và chiếm khoảng 70% sản lượng cây ăn trái cả nước. Tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài việc sản xuất và tiêu thụ các loại trái ngon ở ĐBSCL còn quá nhiều bất cập, từ khâu giống cây trồng, thu hoạch và tiêu thụ... Theo thống kê có đến 25- 30% sản lượng thất thoát sau thu hoạch.



Trong những năm qua và cho đến hiện nay, nghề trồng cây ăn trái của bà con nông dân ở ĐBSCL chưa được các ngành chức năng quan tâm đúng mức. Từ việc đầu tư giống cây trồng, kỹ thuật canh tác, phương pháp thu hoạch và kho lạnh bảo quản sau thu hoạch..., đều chưa có sự đầu tư đồng bộ. Có ý kiến cho rằng nhìn toàn cảnh bức tranh "vườn cây ăn trái ở ĐBSCL giống như một chiếc áo bị chắp vá nhiều màu!".

Theo đánh giá của các ngành chức năng thì trái cây ở ĐBSCL có tiềm năng rất lớn, đó là các giống trái cây ngon nhiệt đới đồng bằng đang sở hữu mà các nước khác không có và có nhu cầu nhập khẩu cao.

Bên cạnh đó, nông dân ĐBSCL cũng rất nhạy bén sáng tạo, họ sẵn sàng chặt bỏ cây này để trồng cây khác nếu họ xét thấy giống cấy mới có tiềm năng cao, đó là tính năng động của bà con trong việc tiếp thu và chấp nhận cái mới rất nhanh.

TS Võ Mai, Chủ tịch Hiệp hội trái cây Việt Nam cho biết, trong thời gian dài trái cây Việt Nam vẫn chưa có vị trí nào đáng kể trên thị trường quốc tế, ngay cả thị trường trong nước cũng bị trái cây ngoại lấn sân. Nhược điểm lớn nhất của ngành trái cây ĐBSCL là chưa có qui hoạch, giống cây trồng thì lộn xộn, mua giống trôi nổi, nhiều vườn tạp, sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất manh mún nhỏ lẻ, ứng dụng kỹ thuật không đồng bộ, thu gom vận chuyển mua bán hoàn toàn do thương lái, bạn hàng... Và cho đến nay Nhà nước vẫn còn bỏ trống công nghiệp sau thu hoạch.

Ngoài việc sản xuất manh mún nhỏ lẻ hiện đang phổ biến tại các nhà vườn ở ĐBSCl, trong mảnh vườn nhỏ lại trồng rất nhiều giống cây ăn trái, như vậy rất khó để làm hàng hoá lớn, cung cấp đúng mức và chất lượng đồng đều, cho đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu. Còn một thực tế khác cũng không kém phần quan trọng đó là giống cây trồng vẫn còn thả nổi.

Nếu không quản tốt được nguồn giống cây trồng ở ĐBSCL sau này độ đồng đều của trái cây ở ĐBSCL sẽ rất khó giữ, gây ra nhiều thiệt hại cho bà con nhà vườn và cả ngành xuất khẩu trái cây của Việt Nam. Còn hạn chế thứ ba là, dịch vụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, như dịch vụ sau thu hoạch còn rất kém, dịch vụ cung cấp vật tư, cung cấp cây giống và dịch vụ khuyến nông hiện vẫn chưa đạt yêu cầu. ..

Khi đời sống ngày càng cao, thu nhập ngày càng khá lên thì nhu cầu rau quả ngày càng tăng cao, đặc biệt là trái cây. Trái cây của chúng ta thì nhiều nhưng trái cây hàng hoá để xuất khẩu lại không có. Tại thị trường trong nước, trái cây của Việt Nam chưa đủ đáp ứng. Thống kê trái cây Việt Nam thất thoát sau thu hoạch 30%, chúng ta sản xuất được 6 triệu tấn/năm, thì mất đi 2 triệu tấn, còn lại 4 triệu tấn chia bình quân cho 83 triệu dân Việt Nam thì con số chẳng là bao.

Riêng về xuất khẩu, Hiệp hội trái cây Việt Nam hàng tuần nhận ít nhất vài ba đơn đặt hàng, điều này khẳng định thị trường tiêu thụ trái cây trong và ngoài nước đang mở rộng, chỉ tại chúng ta không có đủ lượng trái cây đáp ứng nhu cầu của thị trường.

TS Võ Mai cho rằng, hiện nay, trái cây cả nước nói chung và ở ĐBSCL nói riêng chưa có hệ thống kho lạnh bảo quản đồng bộ nên việc tiêu thụ trái cây của Việt Nam còn khá nhiều bất cập. Thị trường trái cây trong nước vẫn đang bỏ ngỏ, may mà có thương lái lo việc thu mua, nhưng họ là thương lái chủ yếu phải lo lợi nhuận. Trách nhiệm cộng đồng chủ yếu là của Nhà nước. Có một thực tế, hầu như tất cả trái cây của Việt Nam đều do thương lái thu mua trái cây từ nhà vườn rồi phân phối lại từ quê đến chợ. Để trái cây Việt Nam thật sự có thị trường, cần phải có cái nhìn rộng hơn.

Hiện nay bà con nhà vườn chuộng kiểu bán hàng cho thương lái vì bà con cho rằng cách buôn bán này rất tiện ích, lớn nhỏ gì cũng mua nên nhà vườn rất thích lối mua bán này và đã trở thành thói quen rất lâu đời. Vậy phải giúp cho nhà vườn thay đổi thói quen này và tập dần thói quen bán hàng vào hệ thống siêu thị và doanh nghiệp chế biến.

TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam cho rằng: thị trường của chúng ta có cái may là nhà vườn có rất nhiều kinh nghiệm trong việc rải vụ, trước đây chúng ta không có xoài sớm chỉ có xoài chính vụ vào tháng 4, 5 âm lịch, nhưng bây giờ tháng 9 âm lịch đã có và kéo dài cho đến tháng 6 âm lịch năm sau, các loại trái khác cũng vậy. Nhờ có kinh nghiệm rải vụ mà quanh năm chúng ta đều có trái cây. Thị trường trong nước cũng như nước ngoài là rất lớn, nhưng muốn bán trái cây của Việt Nam ra bên ngoài thì trái cây của Việt Nam phải có logo, thương hiệu chứ chúng ta không thể cứ vác cái cần xé mà đi khắp thế giới được.