00:00 Số lượt truy cập: 2670935

Phát triển đàn gia súc, gia cầm 

Được đăng : 03/11/2016

Một thông tin từ Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Trong dịp Tết Kỷ Sửu sắp tới không lo thiếu thịt gia súc, gia cầm. Thông tin này khiến người tiêu dùng rất phấn khởi. Trước đó, nhiều đơn vị kinh doanh thực phẩm, nhiều nhà quản lý rất lo ngại về việc khan hiếm thực phẩm trong dịp Tết, vì tình hình chăn nuôi có xu hướng bị thả nổi, đàn trâu, bò, lợn, gà giảm mạnh do nhiều nguyên nhân.


Có những nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó chủ yếu là do, từ đầu năm 2008, giá cả thức ăn cho gia súc, gia cầm tăng nhanh; dịch bệnh xảy ra liên tục (lở mồm, long móng ở gia súc, cúm gia cầm) khiến người sản xuất không yên tâm, không dám đầu tư lớn cho phát triển chăn nuôi.

Một nguyên nhân khác là, nguồn thực phẩm nhập từ nước ngoài với giá rẻ, tác động lớn tới thị trường trong nước.

Lường trước những khó khăn đó, ngành chăn nuôi đã có kế hoạch cụ thể, chỉ đạo sát sao việc phát triển, chăm sóc đàn gia súc, gia cầm.

Ðến cuối tháng 11, tổng đàn trâu cả nước là 2,9 triệu con, đàn bò 6,4 triệu con. Ðó là một nỗ lực rất cao của nông dân cả nước. Riêng đàn lợn phát triển tương đối ổn định, với 26,7 triệu con, tăng gần 6% so với kế hoạch. Do dịch cúm gia cầm cơ bản đã được khống chế, cho nên tổng đàn gia cầm cũng tăng 9,4%...

Những con số trên đây là căn cứ rất quan trọng để chúng ta tiếp tục đẩy mạnh chăn nuôi, đồng thời tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Nỗi lo thiếu thực phẩm trong dịp Tết, phải tăng cường nhập khẩu, không còn nữa.

Tuy nhiên có một số vấn đề cần lưu ý. Trước hết vẫn phải chủ động phòng chống dịch bệnh cho gia súc, vì cuối năm dễ xảy ra các đợt rét đậm, rét hại kéo dài, ảnh hưởng tới sức khỏe vật nuôi.

Cuối tháng 11 vừa qua, tại ba xã, thuộc hai huyện của tỉnh Nghệ An đã xuất hiện dịch lở mồm, long móng ở gia súc. Tỉnh đã chỉ đạo các biện pháp quyết liệt để dập dịch, thường trực 24/24 giờ tại các chốt để kiểm tra và xử lý dịch bệnh, không để lan rộng...

Cuối năm, diễn biến thời tiết thất thường, mưa lớn gây ngập úng trên diện rộng, lũ lụt ở các tỉnh miền trung, ảnh hưởng đến đồng cỏ, nguồn thức ăn và việc chăn nuôi, bảo vệ đàn gia cầm.

Cũng cần chú ý việc điều hành giá cả thức ăn chăn nuôi để khuyến khích phát triển sản xuất. Thời gian qua lạm phát bước đầu được kiềm chế, chỉ số giá tiêu dùng giảm mạnh, nhiều loại nguyên liệu, vật liệu giảm giá, thức ăn gia súc tuy có giảm giá, nhưng chưa nhiều.

Theo Cục Chăn nuôi, giá thức ăn chăn nuôi sẽ giảm 25-30% trong tháng 12. Về thuế nhập khẩu đối với gia súc, gia cầm, Bộ Tài chính đã có quyết định tăng mức thuế. Mặc dù vậy, cần tiếp tục kiểm tra, nắm vững số lượng thịt các loại gia súc, gia cầm còn lưu trữ trong kho bởi các hợp đồng ký từ trước đó, để có giải pháp xử lý thỏa đáng.