Sự tăng trưởng ổn định của ngành thủy sản trong thời gian qua đã giữ được vị thế của Việt Nam là một cường quốc thủy sản lớn trên thế giới, đứng thứ 12 về sản lượng khai thác, thứ 7 về giá trị xuất khẩu và đứng thứ 3 về nuôi các loài thủy sản.
Tuy nhiên, 3 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 744 triệu USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước. Phóng viên báo Hànộimới đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám về những khó khăn, thách thức của ngành thủy sản.
- Thứ trưởng đánh giá thế nào về ngành thủy sản hiện nay?
Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhất là sau 20 năm đổi mới, ngành thủy sản nước ta đã tạo việc làm cho hàng triệu lao động nông thôn, thu hút được nhiều nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác nhau tham gia đầu tư. Tốc độ tăng trưởng của ngành luôn ở mức cao, từ 6-10% năm tính từ năm 1985 - 2008. Sản lượng không ngừng tăng lên, năm 1985 đạt 1,161 triệu tấn, đến năm 2008 đã lên tới 4,6 triệu tấn (tăng gần gấp 4 lần), trong đó, khai thác hải sản tăng 2,35 lần; nuôi trồng thủy sản tăng 8,82 lần. Cả nước đã hình thành một hệ thống chế biến thủy sản, công nghệ hiện đại với 350 nhà máy, tạo ra sản phẩm xuất khẩu chinh phục nhiều thị trường lớn trên thế giới. Về nuôi trồng thủy sản đã chuyển từ thủ công truyền thống sang nền sản xuất công nghiệp hiện đại.
* Sản lượng nuôi trồng thủy sản cả nước 3 tháng đầu năm đạt 415 nghìn tấn, bằng 17,3% kế hoạch, tương đương với cùng kỳ năm trước. Tính đến hết tháng 3, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã nuôi cá tra được 4.204ha, đạt 70% kế hoạch năm, diện tích thả nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng là 416.576ha.
* Sản lượng khai thác thủy sản cả nước trong tháng 3 ước đạt 130 nghìn tấn, đưa tổng sản lượng quý I lên 613 nghìn tấn, bằng 27,9% kế hoạch năm, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng khai thác biển đạt 563 nghìn tấn, khai thác nội địa 45 nghìn tấn. - Thực tế đời sống của đại bộ phận ngư dân còn khó khăn, ông suy nghĩ về vấn đề này như thế nào?
Điều này không chỉ các địa phương mà chúng tôi và những người có trách nhiệm của Bộ NN&PTNT cũng rất trăn trở. Tuy đời sống của bà con ngư dân đã được cải thiện đáng kể, nhưng cũng còn một bộ phận không nhỏ gặp khó khăn và rủi ro. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để giúp bà con ngư dân giảm bớt khó khăn như hỗ trợ đầu tư khai thác, từng bước đưa sản xuất nhỏ, manh mún sang hướng công nghiệp hóa. Với trách nhiệm của mình, Bộ đã xây dựng các cơ chế, chính sách trình Chính phủ tạo điều kiện cho bà con ngư dân giảm bớt rủi ro.
- Khâu yếu của ngành thủy sản là gì?
Khâu yếu nhất của ngành thủy sản Việt Nam là công tác quy hoạch, chiến lược phát triển của ngành thủy sản chưa định hướng rõ ràng, dẫn tới việc thừa, thiếu nguyên liệu thường xuyên xảy ra. Điều này đã làm cho ngư dân gặp rất nhiều khó khăn trong nuôi trồng và tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng phục vụ khai thác và nuôi trồng thủy sản còn yếu kém; hàm lượng khoa học - công nghệ trong các sản phẩm và kết quả sản xuất còn thấp dẫn tới năng lực cạnh tranh hàng hóa thủy sản chưa cao. Công tác khuyến ngư và thủy sản còn yếu về năng lực, kinh nghiệm và kiến thức...
- Ông nhận định như thế nào về bức tranh kinh tế thủy sản những tháng còn lại của năm 2009? Do suy thoái của nền kinh tế thế giới đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế của Việt Nam. Vì vậy ngành thủy sản cũng không thể nằm ngoài sự tác động của nền kinh tế, hàng loạt các thách thức đặt ra đòi hỏi chúng ta cần phải nỗ lực. Nhưng không vì lý do đó mà chúng ta bi quan. Trên thực tế, chúng ta đang có một số tín hiệu đáng mừng, nhất là trong lĩnh vực khai thác thủy sản. 3 tháng đầu năm, thời tiết tương đối thuận lợi và giá nhiên liệu ổn định, trên cả nước ngư dân tích cực bám biển sản xuất, sản lượng tăng, giá sản phẩm khai thác cũng được giá, hải sản được mùa nhiều nhất là cá cơm. Trong lĩnh vực nuôi trồng, tôm nước lợ đang gặp khó khăn nhưng với cá tra, basa đang có những tín hiệu tốt từ thị trường Nga và Bra-xin. Nếu chúng ta tổ chức tốt khâu sản xuất, bảo đảm an toàn về chất lượng và làm tốt công tác điều hành thì kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt và vượt được mục tiêu năm 2009 đề ra. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất nuôi trồng, khai thác thủy sản nói riêng cũng không thể nằm ngoài quy luật phụ thuộc vào diễn biến của thời tiết và thị trường. Đây là 2 quy luật đòi hỏi chúng ta phải dự báo chính xác trong dài hạn như thế chúng ta mới đạt được nền sản xuất vững chắc.