00:00 Số lượt truy cập: 3228876

Phòng chống cúm gia cầm: Sẽ tiêm phòng 100% đàn vịt 

Được đăng : 03/11/2016

“100% đàn vịt phải được tiêm phòng, nơi nào không tiêm thì tiêu huỷ. Đối với các cơ sở ấp trứng, nếu không chứng minh được nguồn gốc thì sẽ bị tiêu huỷ nhằm hạn chế lây lan” - đó là hai quyết định mạnh tay vừa được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng đưa ra tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm, diễn ra chiều 29/5.


Tỷ lệ bảo hộ quá thấp!


Trước tháng 5/2007, tỷ lệ tiêm phòng tại Nam Định đạt trên 90% tổng đàn. Từ tháng 5/2007 trở đi, nhu cầu nuôi vịt để tận dụng vụ mùa của người dân tăng cao, khiến tổng đàn vịt trong tỉnh tăng cao (tăng khoảng 9-10 lần), nhưng tỉnh lại gần như “bỏ ngỏ” việc tiêm phòng vaccine cho đàn vịt. Theo ông Tô Long Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương 1, tỷ lệ bảo hộ miễn dịch trong đàn thuỷ cầm tại Nam Định hiện quá thấp. Khi xét nghiệm ngẫu nhiên trên đàn thuỷ cầm, tỷ lệ tiêm phòng chỉ đạt 7-9% ở từng đàn gia cầm, trong khi đó để bảo hộ quần thể trên đàn thuỷ cầm, tỷ lệ này phải đạt 70-80%.


Còn tại Hải Phòng, khi dịch cúm tái phát tại thôn Quyết Tiến, xã Hợp Đức, huyện Kiến An, thì trong 12 đàn vịt nuôi thời vụ, chỉ có 2 đàn được tiêm phòng, số còn lại chưa được tiêm phòng. Lý giải điều này, đại diện Hải Phòng cho rằng: “Thời vụ nuôi vịt chỉ khoảng 60 ngày, nên dân chủ quan, không tiêm phòng”. Trước thực trạng này, ông Bùi Quang Anh, Cục trưởng Cục Thú y cho rằng: “Nếu không khống chế dập dịch ngay, dịch sẽ còn tiếp tục xảy ra trên diện rộng, tốc độ lây lan ngày càng nhanh và kéo dài hơn”.


Trong khi tỷ lệ bảo hộ của đàn thuỷ cầm rất thấp, khiến khả năng bùng phát dịch cao, thì điều khiến Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn “đau đầu” là tình trạng nhiều địa phương vẫn tiếp tục “gian dối” trong công tác tiêm phòng vaccine. Nhiều địa phương không tiêm, nhưng vẫn báo cáo là đã tiêm, thậm chí khi đến tiêm phòng, chủ hộ chăn nuôi có lời “xin”, nhất là đàn vịt đẻ (vì tiêm sẽ ảnh hưởng đến năng suất đẻ của đàn vịt), thì lực lượng tiêm phòng cũng bỏ qua luôn!


Ông Tô Long Thành cảnh báo: “Ở Mexico đã từng xảy ra tình trạng do tiêm phòng không đầy đủ, nên virus đã biến chủng về độc lực. Do vậy, không loại trừ trong trường hợp ở nước ta nếu không chịu tiêm phòng đầy đủ và đúng kỹ thuật, có khi virus còn bị biến thành thể độc lực cao và nguy hiểm hơn”. Còn ông Trương Văn Dung, Viện trưởng Viện Thú y quốc gia, cho rằng: “Nguyên nhân căn bản khiến dịch lây lan mạnh vẫn là do việc tổ chức tiêm phòng không tốt”.


Theo thông tin từ Cục Thú y, cho đến thời điểm này dịch cúm gia cầm có thểvượt qua con số 10 tỉnh khi tại Thanh Hoá, Quảng Ngãi và Thái Nguyên xuất hiện gà, vịt chết hàng loạt. Kết quả xét nghiệm lần 1 của các mẫu đã dương tính vớivirus H5N1. Như vậy, rất có thể 3 tỉnh này sẽ ghi danh vào bản đồ dịch cúm gia cầm trong nay mai. Trong khi đó, dịch vẫn tiếp tục bùng phát thêm hàng loạt điểm mới tại Vĩnh Bảo (Hải Phòng), Nho Quan (Ninh Bình), Sa Đéc (Đồng Tháp), Nghĩa Hưng (Nam Định), Yên Dũng (Bắc Giang)... với số lượng gia cầm chết lên tới hàng chục nghìn con./.


Sẽ tiêm phòng 100% đàn thuỷ cầm


Trước tình hình dịch cúm gia cầm diễn biến rất phức tạp, có nguy cơ lan rộng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Cao Đức Phát chỉ đạo: “Nhiệm vụ của chúng ta là nhanh chóng kiểm soát và không để xảy ra dịch ở địa phương mới. Qua phân tích, nguyên nhân chủ yếu do virus tồn tại trong môi trường và đàn gia cầm. Thời gian qua, chúng ta tiêm phòng chưa tốt, nên khả năng bảo hộ thấp, khả năng nhiễm bệnh cao, chủ yếu xảy ra trên đàn thuỷ cầm. Tất cả các địa phương tiêm phòng, đồng thời tổ chức giám sát đồng loạt sau tiêm phòng để thấy được bức tranh khả năng chống dịch, mức độ bảo hộ của đàn gia cầm. Bài của chúng ta là tiêm phòng cho virus không xâm nhập vào đàn gia cầm, vì thế, cùng với tiêm phòng các địa phương cần phải tiến hành tiêu độc, khử trùng mỗi tháng 1 lần trên phạm vi toàn quốc từ 1/6/2007”.

“Vào lúc diễn biến dịch bệnh nguy cấp như hiện nay, chính quyền cấp huyện xã phải vào cuộc, cần mở lại chiến dịch tiêm phòng” - Bộ trưởng Cao Đức Phát nói và đồng thời cho biết thêm: “Sắp tới, Cục Thú y có thể “đóng cửa”, cử cán bộ xuống “nằm” tại các địa phương để chống dịch. Khi nào dịch hếtmới về. Mặt khác, Cục Thú y cũng đang nghiên cứu khả năng sử dụng loại vaccine H5N2 của hãng Intervet (Hà Lan) tiêm cho vịt 1 ngày tuổi, sau đó mũi 2 được tiêm lúc 30 ngày tuổi và có tác dụng bảo hộ khá tốt. Tuy nhiên, giải pháp này cũng đang có nhiều ý kiến trái ngược nhau./.


Sức khoẻ bệnh nhân cúm A H5N1 tiến triển tốt

Chiều 29/5, Tiến sĩ Trần Thúy Hạnh, Phó Giám đốc bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết sức khoẻ của bệnh nhân nhiễm cúm A H5N1 điều trị tại bệnh viện đang tiến triển tốt, bệnh nhân đã không cần phải thở máy và đã tự ăn được cháo.

Bệnh nhân nam 29 tuổi ở thôn 3, xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc nhập viện Bạch Mai ngày 15/5 với triệu chứng viêm phổi cấp tính nặng, kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A H5N1.

Với sự nỗ lực và kinh nghiệm, tập thể các bác sĩ bệnh viện đã liên tục theo dõi và áp dụng các phác đồ điều trị tích cực, giúp bệnh nhân thoát cơn nguy kịch. Từ chỗ phải thở máy liên tục, có nguy cơ tử vong, bệnh nhân đang dần hồi phục sức khỏe.

Đây là trường hợp bệnh nhân đầu tiên nhiễm cúm A H5N1 được ghi nhận tại Việt Nam kể từ 17 tháng qua./.