Lúa Hè Thu thuộc vùng Bắc Trung bộ đang ở giai đoạn đứng cái, làm đòng; lúa Mùa trên các vùng chủ yếu trong giai đoạn hồi xanh, đẻ nhánh. Diện tích nhiễm rầy nhìn chung thấp hơn năm ngoái, hại diện hẹp trên lúa Mùa sớm với mật độ 20-50 con/m2; cao 200-500 con/m2, cục bộ 1.000-2.500 con/m2 phổ biến tại Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Hải Dương, Ninh Bình, Quảng Ninh, Hà Nam, Nghệ An; cá biệt tại Điện Biên mật độ nơi cao 5.000 con/m2. Các tỉnh phía Bắc cũng nhiễm gần 12.600ha ốc bươu vàng, chủ yếu trên giai đoạn lúa đẻ nhánh, xuất hiện nhiều tại các tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên, Phú Thọ, Hoà Bình, Thái Bình, Bắc Ninh, Ninh Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, Hải Dương, Cao Bằng, Quảng Ninh, Sơn La; cá biệt tại Điện Biên mật độ nơi cao lên đến 100 con/m2… Tại các tỉnh miền Nam, trong tháng 7, lúa Hè Thu chính vụ đang bước vào thu hoạch, lúa Thu Đông/Mùa chủ yếu ở giai đoạn mạ/đẻ nhánh có các đối tượng sâu bệnh xuất hiện và gây hại phổ biến là rầy nâu; các bệnh vàng lùn, đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ... Rầy nâu nhiễm 40.788ha, giảm 24.577ha so với cùng kỳ năm trước với mật độ phổ biến từ 1.000-2.000 con/m2, nơi cao từ 3.000-6.000 con/m2 trên diện tích gần 400ha. Các tỉnh có rầy nâu xuất hiện phổ biến gồm: Long An, Bạc Liêu, Đồng Tháp, An Giang, và Sóc Trăng.
Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá cũng còn gần 555 ha, tập trung chủ yếu trên trà lúa Thu Đông ở giai đoạn đẻ nhánh, mức độ nhiễm từ nhẹ đến trung bình, xuất hiện cục bộ tại các tỉnh như Đồng Tháp (các huyện Lấp Vò, Lai Vung, Sa Đéc), Bến Tre (Bình Đại), và TP. Hồ Chí Minh (Củ Chi). Sâu cuốn lá nhỏ nhiễm 27.099ha, giảm 9.408ha so với cùng kỳ năm trước, mật độ phổ biến từ 10-20 con/m2, nơi cao trên 40 con/m2 với diện tích 310ha. Các tỉnh có sâu cuốn lá nhỏ xuất hiện nhiều gồm: Bạc Liêu, Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng, và Bình Thuận…
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp, diện tích các sâu bệnh hại có giảm so với năm trước, nhất là đối tượng rầy nâu. Tuy nhiên, công tác phòng trừ rầy tại chỗ còn chưa bền vững, việc phun thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định, thiếu giống lúa kháng rầy nên tỷ lệ diện tích giống nhiễm còn cao. Các địa phương cần thường xuyên kiểm tra, giám sát đồng ruộng, phát hiện ngay khi rầy mới xuất hiện để kịp thời lên phương án phòng trừ trên toàn cánh đồng, phun xịt thuốc tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”. Sau khi thu hoạch, bà con nông dân cần làm tốt công tác vệ sinh đồng ruộng…