00:00 Số lượt truy cập: 2638154

Quảng Ninh: Đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững: Phát huy vai trò của khoa học công nghệ 

Được đăng : 03/11/2016

Nhận thức rõ vai trò động lực của khoa học công nghệ trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành tích cực nghiên cứu, ứng dụng sâu rộng các tiến bộ kỹ thuật vào tất cả các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp và đã đạt được những kết quả khả quan. Chỉ tính từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện 14 dự án cấp nhà nước thuộc chương trình nông thôn miền núi, 33 dự án cấp tỉnh và 64 dự án cấp cơ sở phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi với tổng kinh phí 144,8 tỷ đồng để chủ động sản xuất những cây trồng, vật nuôi chủ lực có lợi thế của tỉnh Quảng Ninh.



Thu hoạch tôm tại đầm nuôi công nghiệp thôn Hà Dong, xã Hải Lạng (Tiên Yên).

Việc ứng dụng KHCN trong chăn nuôi, trồng trọt thời gian qua cũng đã được các cơ sở nuôi trồng áp dụng mang lại hiệu quả cao. Đơn cử như tại các vùng nuôi trồng thuỷ sản, tập trung Đông Yên Hưng (TX Quảng Yên), việc đầu tư, nâng cấp các đầm nuôi của các hộ dân trong vùng được đặc biệt quan tâm, hệ thống công trình nuôi đã dần đáp ứng theo yêu cầu kỹ thuật. Công tác quản lý môi trường, việc điều tiết nước được xử lý tốt hơn. Đặc biệt, chất lượng con giống đã có sự cải thiện rất rõ rệt. Qua tìm hiểu được biết, hiện nay nguồn con giống được các hộ dân trên địa bàn thị xã Quảng Yên sử dụng đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và của các cơ sở sản xuất giống có uy tín trong và ngoài tỉnh. Ngay trên địa bàn thị xã hiện đã có 2 cơ sở sản xuất tại chỗ giống tôm sú và cua biển là Công ty TNHH Thuỷ sản Minh Hàn và Công ty TNHH Thuỷ sản Nam Hoà. Mỗi năm, 2 cơ sở này đã sản xuất được 3 triệu giống cua biển, đạt 25% tổng lượng giống cua thả toàn thị xã. Chất lượng con giống của 2 cơ sở này được người nuôi đánh giá có chất lượng tốt, được thể hiện qua tốc độ sinh trưởng, tỷ lệ sống và sản lượng nuôi của các hộ. Ông Nguyễn Văn Khang, một trong những hộ dân tham gia nuôi cua ở Khu nuôi trồng thuỷ sản Đông Yên Hưng cho biết, nhờ tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật được phổ biến nên quá trình nuôi thả đạt tỷ lệ sống cao, trọng lượng cua tăng nhanh.

Với quan điểm lấy doanh nghiệp làm nòng cốt để tiếp nhận chuyển giao công nghệ; doanh nghiệp thực hiện mô hình mẫu và phối hợp với cơ quan khoa học để chuyển giao hướng dẫn cho nhân dân cùng thực hiện; từ đó tạo ra các vùng sản xuất tập trung, sản phẩm có chất lượng tốt đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường, nhiều loại vật liệu công nghệ mới đã được áp dụng như: Vùng hoa chất lượng cao hoành Bồ; vùng rau an toàn Quảng Yên; trồng và chế biến nghệ làm dược liệu tại Đông Triều trên đất trồng vải giá trị thấp; sản xuất giống và nuôi thương phẩm gà Tiên Yên; trồng và chế biến dong riềng tại Bình Liêu; sản xuất giống và nuôi thương phẩm cua biển Quảng Yên; hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ (sản xuất gốm mỹ nghệ chất lượng cao, sản xuất gỗ và viên nén xuất khẩu từ nguyên liệu gỗ rừng trồng...); ứng dụng công nghệ sản xuất giống nhuyễn thể chất lượng cao; ứng dụng công nghệ sản xuất phân bón sinh học từ nguồn phụ phẩm nông nghiệp... Với cách làm này, đến nay nhiều hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn được hình thành và phát triển với 220 tổ hợp tác, 291 hợp tác xã. Kinh tế trang trại, gia trại phát triển mạnh và từng bước khẳng định vị trí quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Nhờ ứng dụng những tiến bộ KHCN trong sản xuất nông nghiệp rất nhiều các sản phẩm của địa phương từ chỗ chưa có thương hiệu, sản xuất theo kinh nghiệm, truyền thống nhỏ lẻ nay đã được xây dựng quy trình sản xuất khoa học; tạo kiểu dáng, mẫu mã đẹp, hấp dẫn. Hiện nay 21 nhãn hiệu sản phẩm đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ độc quyền, xây dựng và ban hành 60 quy trình kỹ thuật và 21 bộ tiêu chuẩn chất lượng đặc thù cho 21 sản phẩm. Các quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật từ chọn giống đến chăm sóc, nuôi dưỡng, thu hoạch, bảo quản và chế biến nhằm tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng.

Có thể khẳng định, với những kết quả bước đầu cho thấy, đầu tư KHCN vào nông nghiệp là giải pháp then chốt nhằm mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của sản phẩm nông nghiệp, góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Thu Trang