Ngày 30/3/2014, tại thành phố Tuy Hòa (Phú Yên), Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 và triển khai Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản.
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, giá trị sản xuất giai đoạn 2011-2013 của ngành thủy sản đạt mức tăng trưởng bình quân 4,85%/năm, trong đó giá trị sản xuất trong khai thác đạt 5,94%/năm. Giá trị tổng sản phẩm thủy sản (GDP) đạt tốc độ tăng 3,66%/năm. Tổng sản lượng thủy sản năm 2013 đạt 5,9 triệu tấn (trong đó sản lượng khai thác đạt 2,7 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 3,2 triệu tấn) góp phần tạo nên tốc độ tăng tổng sản lượng bình quân đạt mức 4,80%/năm, trong đó tốc độ tăng sản lượng khai thác đạt 3,91%/năm, nuôi trồng 5,57%/năm.
Việt Nam trở thành nước đứng đầu về sản lượng cá tra, đứng thứ 3 thế giới về sản lượng tôm (trong đó năm 2013 đứng đầu thế giới về sản lượng tôm sú), thuộc nhóm 4 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Đến nay, sản phẩm thủy sản đã có mặt tại hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó tôm đã có mặt tại 92 thị trường, cá tra có mặt 142 thị trường, cá ngừ 90 thị trường), thị phần chính là EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2013 đạt 6,7 tỷ USD.
Tính đến hết năm 2013, các chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt so với mục tiêu đặt ra đến năm 2015 trong chiến lược. Tuy nhiên, phát triển thủy sản chưa được bền vững, tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng còn thấp, hiệu quả khai thác hải sản chưa cao, thu nhập của lao động nghèo trong ngành thủy sản chưa có sự chuyển biến rõ nét trong xây dựng nông thôn mới. Mức độ chuyển dịch cơ cấu nội ngành trong giai đoạn 2010-2013 còn chậm, tỷ lệ tàu cá công suất nhỏ còn lớn.Chưa tạo được liên kết trong chuỗi sản xuất, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia và chỉ dẫn địa lý với sản phẩm thủy sản chủ lực còn nhiều hạn chế.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đánh giá, sau 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển Thủy sản, đến nay mặt được nổi bật nhất là các quan điểm, định hướng Chiến lược được khẳng định thông qua thực tế sản xuất; trong đó sản phẩm thủy sản tiếp tục duy trì uy tín và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế; chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất thủy sản góp phần bảo đảm nhu cầu thực phẩm của người dân và tốc độ tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp. Cùng với đó, các mục tiêu đang được Bộ NN&PTNN bám sát thực hiện và đến năm 2013 đã có 9 tiêu chí cơ bản đến năm 2015 (tại Kế hoạch 2011-2015) đã đạt được. Công tác chỉ đạo thực hiện các nội dung của Chiến lược cũng khá kịp thời, bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về biến đổi khí hậu, kinh tế, ngoại giao, an ninh quốc phòng trong nước và quốc tế trong bối cảnh có nhiều thay đổi...
Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đã trình bày quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Việt
Tại Hội nghị, Bộ NN&PTNT đã công bố Đề án tái cấu trúc ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó, nêu rõ các giải pháp chính trong tái cơ cấu ngành thủy sản. Cụ thể, trong nuôi trồng thủy sản lựa chọn đối tượng nuôi chủ lực và tập trung sản xuất thâm canh tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, cá rô phi, nhuyễn thể; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ ao nuôi đến thị trường tiêu thụ, trong đó doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi; thực hiện các giải pháp đột phá theo hướng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào cho nuôi trồng, đặc biệt là chất lượng thức ăn, con giống và sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường, đồng thời áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm phù hợp với các cam kết quốc tế./.