00:00 Số lượt truy cập: 3206329

Quyết tâm làm giàu trên quê hương 

Được đăng : 03/11/2016

Đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Hồng và chị Hoàng Thị Phượng ở thôn Trung Nẫm, xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình là một cựu chiến binh làm ăn giỏi trong thôn


Ngôi nhà cấp 4 ba gian, gọn gàng chắc chắn với những tiện nghi vừa đủ được xây dựng trên một mảnh vườn với nhiều loại cây ăn quả và cây cảnh được bố trí hợp lý, hài hòa, hấp dẫn. Cây cam sành trước sân nhà trĩu quả, mấy chậu cây cảnh với nhiều loại hoa đủ màu sắc làm tôn thêm vẻ đẹp cho ngôi nhà ấm cúng này. Cạnh nhà là một “trạm” máy phay đất, máy xay xát, nhà sửa chữa ... được bố trí gọn gàng, tươm tất. Phía sau là một dãy chuồng nuôi lợn, trâu bò, gà vịt. Sau cùng là khu vườn trồng các loại rau phục vụ chăn nuôi và khu rau xanh cho người, tiếp đến là vườn cây thuốc nam ... có đường đi lối lại thuận lợi cho việc chăm bón, tưới tiêu.

Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo có truyền thống cách mạng, khi anh tròn 20 tuổi, anh tham gia quân đội tại chiến trường nước bạn Campuchia. Ra quân năm 1984, anh về làm công nhân tại Công ty thủy lợi II Quảng Bình. Năm 1988 anh xây dựng gia đình, năm 1989 sinh con gái đầu lòng. Tiếp đến những năm sau sinh thêm 2 cháu nữa thành ra 2 trai, 1 gái ... Anh tâm sự: Cuộc đời tôi sinh ra và trưởng thành trong hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước. Khổ cực trăm bề khi cơ quan tinh giảm biên chế, tôi trở về quê hương, không nhà ở, không nghề nghiệp ... Nhưng nhờ được học tập, được lao động, được chiến đấu trong môi trường quân đội ... đã rèn luyện cho tôi một bản lĩnh sống, ý chí quyết tâm và sự chịu đựng gian khó để vươn lên trong mọi hoàn cảnh.

Được sự động viên khuyến khích của những người đi trước, cán bộ lãnh đạo các ngành trong thôn, xã. Đầu năm 2002 anh đã mạnh dạn vay tiền ngân hàng mua chiếc máy phay đất hết 20 triệu đồng để về cày đất phục vụ bà con trong thôn xã. Sau đó anh đầu tư thêm máy tuốt, máy xay xát và nghiền thức thức ăn gia súc có thêm điều kiện phát triển chăn nuôi lợn gà.

Anh thường xuyên tham dự các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân, Trung tâm khuyến nông mở. Tại đó anh thường nghe cán bộ nói phải thay đổi cách làm ăn, chuyển đổi cây trồng, tăng năng suất lao động, nuôi con gì, trồng cây gì, kỹ thuật ra sao ... Qua học hỏi kinh nghiệm ở các địa phương khác, anh bàn với vợ xin thầu đất ở đồng Vực Khái trồng dưa hấu. Được sự đồng tình của vợ, anh bỏ mấy ngày đi khảo sát chất đất và liên hệ với thôn xin thầu 2 mẫu đất pha cát bấy lâu bỏ hoang, cày bừa, dựng trại, chuẩn bị phân bón trồng dưa.

Lúc đầu làm có nhiều người xì xào: có điên mới trồng dưa trên đất này, ngàn năm nay ai bảo đất Cự Nẫm trồng được dưa, hơn nữa trồng vào cái nơi xa xôi, cách làng hơn 3km, nơi đồng không mông quạnh, không nhà không cửa, nếu thu hoạch cũng không bảo vệ được và nếu thu hoạch được thì chẳng ai mua vì xa xôi, không có phương tiện để vận chuyển ... Nghe nói vậy anh cũng sinh lo, đêm thức trắng suy đi tính lại thiệt hơn. Với ý chí quyết tâm, anh đã quyết định trồng vụ dưa đầu tiên với quy mô lớn trên cánh đồng quê mình. Vụ đó anh thu được hơn 10 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí. Trên diện tích trồng dưa, anh trồng xen cây sắn, năm đó cũng thu được trên 5 triệu đồng từ sắn. Cứ đến mùa thu hoạch dưa khách hàng từ Hà Tĩnh, Quảng Trị đem xe đến mua, chỉ trong 3 ngày đã thu hoạch xong mấy chục tấn.

Thấy ở quê mình sau thời vụ, những lúc nông nhàn bà con trong xã đi nơi khác làm ăn ngày công chẳng được bao nhiêu. Anh đứng ra tổ chứcmột đoàn thợ xây hơn 10 người ký hợp đồng nhận một số công trình trong thôn, xã (tất nhiên có cán bộ kỹ thuật xây dựng và công nhân lành nghề), công việc này cũng thu được kết quả tốt. Tiền công mỗi ngày trên 100 ngàn đồng và có việc làm ổn định.

Trong gia đình anh tùy theo sức lao động của từng người mà làm các công việc, nhưng ưu tiên cho việc con cái học hành là chính. Vợ anh là người thành phố về làm dâu vùng thôn quê, nhưng tình yêu đối với chồng con giúp chị nhanh chóng hòa nhập. Ngoài việc chợ búa lo cho 6 miệng ăn, chị còn nuôi 3 con bò sinh sản, 1 con bò đực, 2 lợn nái và 5 lợn thịt. Mỗi năm có 3 bê nhỏ, 40 lợn giống, 6 tạ lợn thịt, hơn 200 con gà các loại ... hàng năm cũng thu hơn 30 triệu đồng sau khi trừ các khoản chi phí. Nhờ các khoản thu trên, gia đình đã trang trải cho việc mua sắm thêm công cụ sản xuất, phân bón, việc học hành vui chơi của các cháu.

Nghe anh chị kể chuyện về sản xuất làm ăn, chúng tôi hỏi “Công việc của gia đình nhiều như thế có ảnh hưởng gì đến việc học hành vui chơi của các cháu?” Chị Phượng hớn hở dẫn chúng tôi đến “góc học tập” của các cháu cho xem giấy khen, bằng khen, tặng phẩm của ngành giáo dục Quảng Bình, của chủ tịch UBND huyện ... Các con của anh chị đều học giỏi, ngoan ngoãn. Tôi hỏi chị “Gia đình anh chị làm ăn giỏi, các cháu ngoan ngoãn học hành cũng giỏi, chị có bí quyết gì chia sẻ cùng chúng tôi?” Chị cười đôn hậu: “có bí quyết gì đâu em, tất cả là nhờ sự cố gắng, có quyết tâm cao, chồng tôi lại may mắn đã được rèn luyện ở trong quân ngũ, những phẩm chất cao đẹp của “người lính cụ Hồ” được anh ấy thể hiện trong công việc, trong nếp sống hàng ngày”.