00:00 Số lượt truy cập: 3230929

Sâu hại mới xuất hiện trên lúa xuân 2009 ở đồng bằng sông Hồng 

Được đăng : 03/11/2016
Trong khoảng hơn hai tuần nay, ở một vài nơi thuộc tỉnh Hải Dương và Hưng Yên trên bông lúa sau trỗ đã xuất hiện nhiều hạt lúa không vào chắc được và biến thành màu nâu sẫm. Một số nông dân ở xã Thái Dương (huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) đã dùng các loại thuốc BVTV thông thường, đặc biệt là thuốc trừ bệnh để phun xịt.

Rầy xám gây hại làm cho bông  lúa có hạt biến màu sẫm

Do việc phun xịt không có hiệu quả, nông dân mới đem mẫu lúa bị hại tới Trạm BVTV huyện Bình Giang để hỏi cách phòng trừ. Cán bộ BVTV của huyện Bình Giang và Chi cục BVTV tỉnh Hải Dương đã đến kiểm tra các ruộng lúa bị hại, thấy trên các bông lúa có sự hiện diện của một loài côn trùng và thu mẫu đem lên Viện BVTV để xác định tên loài côn trùng hại.

Chiều ngày 07/05/2009, chúng tôi đã nhận được mẫu bông lúa bị hại có cả côn trùng trên đó. Sau khi xem xét mẫu vật, chúng tôi nhận thấy đây là một loài rầy hại lúa không giống với các loài rầy hại lúa đã biết ở nước ta. Để trực tiếp quan sát triệu chứng bị hại trên đồng ruộng, sáng ngày 8/05/2009, chúng tôi đã tới thăm các ruộng lúa bị hại tại xã Thái Dương và thu thêm mẫu vật để giám định tên khoa học.

Dựa vào các tài liệu phân loại của Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) và Tổ chức CABI, chúng tôi đã xác định được tên loài rầy hại lúa mới này là rầy xám với tên khoa học là Laodelphax striatellus (Fall.) (Homoptera, Delphacidae).

Quan sát cây lúa bị hại cho thấy triệu chứng gây hại chỉ thấy ở trên bông lúa, không thấy triệu chứng hại trên thân, còn trên lá lúa có rải rác các vết thâm kéo dài, nhưng cả thân và lá lúa vẫn xanh tươi. Đây là điều khác biệt với triệu chứng gây hại của rầy nâu và rầy lưng trắng (cùng họ với rầy xám). Đối chiếu với tất cả các tài liệu nghiên cứu về sâu hại lúa ở nước ta chưa thấy có tài liệu nào ghi nhận về sự hiện diện của loài rầy xám Laodelphax striatellus và triệu chứng hại như mô tả ở trên. Như vậy, có thể coi đây là lần đầu tiên rầy xám hại lúa xuất hiện với mật độ khá cao trên diện tích đáng kể ở Việt Nam.

Đến thời điểm này, sự xuất hiện của rầy xám trên lúa vụ xuân 2009 đã ghi nhận được tại các huyện Bình Giang, Nam Sách, Thanh Miện (Hải Dương), Ân Thi, Mỹ Văn (Hưng Yên). Trong đó, xã Thái Dương (huyện Bình Giang) bị hại nặng nhất, với diện tích xấp xỉ 20 ha. Các giống lúa bị hại đã ghi nhận là nếp TK90 (nông dân gọi là nếp ngố), Bắc thơm số 7, Khang dân, trong đó bị nặng là giống nếp TK90. Có vài thông tin xác nhận triệu chứng gây hại như mô tả ở trên cũng đã xuất hiện lẻ tẻ trong vụ xuân năm 2008 tại Hà Nam, Phú Thọ.

Theo tài liệu nước ngoài, rầy xám có phân bố ở phía Đông Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, bán đảo Triều Tiên và Nam châu Âu. Rầy xám là môi giới truyền hai loại bệnh virus cho cây lúa (bệnh virus lúa sọc và bệnh virus lúa lùn sọc đen) với cơ chế truyền bệnh bền vững. Hai loại bệnh virus này hiện chưa có ở Việt Nam. Rầy xám xâm nhập vào nước ta từ bao giờ chưa rõ, nhưng trong điều kiện vụ xuân năm 2009 nó đã bắt đầu phát sinh cục bộ với mật độ cao (hàng trăm rầy non trên một bông lúa sau trỗ).

Có thể nói, sự xuất hiện của rầy xám ở đồng bằng sông Hồng là một nguy cơ tiềm ẩn mới đối với sản xuất lúa ở nước ta. Cần cảnh giác đề phòng, phát hiện sớm để ngăn ngừa khả năng bùng phát dịch với việc lan truyền bệnh virus do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Các cơ quan nghiên cứu cũng nên bắt đầu có những nghiên cứu, theo dõi về loài rầy xám này ở điều kiện nước ta.