00:00 Số lượt truy cập: 2638161

Sức sáng tạo của một nông dân 

Được đăng : 03/11/2016
Được Chủ tịch nước viết thư khen, rồi nhận giải nhất cuộc thi Nhà sáng chế năm 2014, thành công của nông dân Dương Xuân Quả (thường gọi năm Nhã, quê ở xã Phú Hưng, Phú Tân, An Giang) khiến nhiều người khâm phục. Để có thành tựu này, người nông dân xứ nếp đã trải qua không ít khó khăn với tinh thần phấn đấu, sáng tạo liên tục.

Nông dân miền Tây được vinh danh

Ngày 17-12-2014 trở thành kỷ niệm khó quên đối với năm Nhã khi tại trường quay S14, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức ghi hình chương trình Gala Nhà sáng chế 2014.

Trải qua vòng tuyển chọn kỹ càng, 5 sản phẩm lọt vào Gala, gồm: Dụng cụ đọc chỉ số công tơ điện, máy cày cho ruộng bậc thang, máy gọt củ quả dạng dài, ổ cắm điện lò xo và lò sấy lúa.

Năm Nhã (thứ 2, bên trái) trao đổi với chuyên gia GCF

Trong khi 4 sản phẩm đầu đều do các kỹ sư, nhà nghiên cứu có trình độ sáng chế thì lò sấy lúa của năm Nhã chỉ đơn thuần là sản phẩm được đúc kết từ kinh nghiệm, trải qua quá trình mày mò của một nông dân miền Tây không được học hành đến nơi đến chốn. Vậy mà, sản phẩm lò sấy lúa lại được chọn trao giải nhất trị giá 400 triệu đồng của cuộc thi Nhà sáng chế năm 2014.

Ban Giám khảo nhận định, so sánh với các sản phẩm khác thì lò sấy lúa có nhiều điểm nổi bật. Sản phẩm được đánh giá cao bởi công nghệ xử lý sau thu hoạch đang là vấn đề cấp thiết hiện nay đối với nhà nông.

“Khi được xướng tên, tôi vui không thể tả. Lúc đầu, khi nghiên cứu lò sấy lúa cải tiến, tôi chỉ mong góp sức tạo ra sản phẩm giúp bà con nông dân đỡ cơ cực khi thu hoạch lúa gặp mưa. Không ngờ, sản phẩm được các nhà khoa học đánh giá cao. Với giải thưởng lớn vừa qua, tôi càng có thêm động lực nghiên cứu, cải tiến sản phẩm nhằm tăng hiệu quả sử dụng, tăng lợi nhuận cho nông dân” – năm Nhã bộc bạch.

Sản phẩm lan tỏa

Khoảng chục năm nay, năm Nhã này đã lắp đặt gần 1.700 lò sấy cho bà con khắp vùng ĐBSCL và cả nước bạn Campuchia. Để tiện mở rộng quy mô sản xuất, ông thành lập Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Năm Nhã, dời trụ sở hoạt động từ ấp Hưng Thạnh (xã Phú Hưng, Phú Tân) về phường Bình Đức (TP. Long Xuyên).

Hiện tại, ông đang đẩy mạnh nghiên cứu lò sấy theo hướng tiết kiệm nhiên liệu, không lên tro đen, giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà lại giúp lúa đạt độ ẩm cần thiết, không gãy gạo, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu…

Để đạt thành công như hôm nay, năm Nhã đã từng phải nếm trải nhiều thất bại. Ông kể, ở vùng chuyên canh nếp Phú Tân, ông có 5 héc-ta đất. Thấy việc thu hoạch nếp vào mùa mưa rất vất vả, ông đánh liều “cố” 3 héc-ta đất lấy tiền nghiên cứu lò sấy. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm, lò sấy không được nông dân ủng hộ.

Thất bại, cụt vốn, năm Nhã lại bôn ba khắp nơi làm thợ cửa sắt, hàn gió đá rồi tích vốn mở tiệm, lại quyết tâm nghiên cứu lò sấy. Nhờ không ngừng tìm tòi học hỏi, cải tiến sản phẩm, lò sấy của năm Nhã dần được bà con tín nhiệm. Có được niềm tin, ông đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất lò sấy có công suất lớn, giảm giá thành trên mỗi mẻ sấy.

Vận may đến, khi tháng 2-2011, năm Nhã được Hiệp hội Doanh nghiệp An Giang giới thiệu tham dự hội thảo về Chương trình hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu (GCF). Sau khi trình bày ý tưởng nghiên cứu “mô hình sấy lúa tĩnh vĩ ngang tự động”, ông đã thuyết phục được cố vấn GCF.

Tháng 3-2012, ý tưởng của DNTN Năm Nhã là một trong 5 dự án tại An Giang được Chính phủ Đan Mạch tài trợ thực hiện. Nhờ vậy, ông đã nhanh chóng hoàn thành hệ thống lò sấy tĩnh vĩ ngang tự động đầu tiên tại Việt Nam.

Hệ thống có cầu trục tự động, giúp giảm 2/3 số nhân công vận hành, tiết kiệm thời gian vận chuyển, công suất sấy đạt đến 100 tấn/mẻ…

Tuy mô hình lò sấy mới có giá thành cao nhưng lợi nhuận cũng cao, nhanh thu hồi vốn (khoảng 1,5 năm), phù hợp với các vùng sản xuất lớn, tập trung nên nhận được nhiều đơn hàng khắp cả nước.

NGÔ CHUẨN