00:00 Số lượt truy cập: 2677416

Tác động vụ sữa có chất mêlamin: “Giải cứu” người nuôi bò sữa Ba Vì 

Được đăng : 03/11/2016

Những thông tin về sữa Trung Quốc có Mê-la-min đã tác động không nhỏ đến thị trường sữa Việt Nam, khiến cho nhiều doanh nghiệp sản xuất sữa và người nuôi bò sữa trong nước điêu đứng...


Nguy cơ phá sản

Hiện nay, hàng loạt các Công ty sản xuất sữa trong nước bị đình trệ hoạt động bởi thông tin sữa Trung Quốc có chất Mê-la-min lây lan sang khiến người tiêu dùng hoang mang, nghi ngờ sản phẩm sữa trên thị trường. Việc thu mua sữa tươi trên địa bàn TP Hà Nội đã giảm mạnh, sản phẩm sữa tươi của người chăn nuôi bò sữa không biết bán cho ai. Ở các xã Tòng Bạt, Vân Hòa (Ba Vì), Công ty Sữa Anco đã chấm dứt thu mua sữa tươi khiến các hộ nuôi bò khốn đốn, đã vậy tiền bán sữa từ vài tháng trước cũng chưa được công ty thanh toán. Công ty cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk) đã thông báo giảm 50% sản lượng thu mua do ảnh hưởng từ vụ chất Mê-la-min có trong sữa Trung Quốc. Anh Nguyễn Hữu Đức, xã Tòng Bạt tâm sự: Sữa của chúng tôi từ trước tới nay luôn bị doanh nghiệp ép giá, tiền bán sữa bị các công ty nợ đến 2-3 tháng mới trả. Một số hộ đã tính đến việc bán bò. Anh Nguyễn Minh Hữu, xã Tòng Bạt có 10 con bò sữa đã phải bán 7 con. Nhiều hộ khác ở xã Tòng Bạt cũng phải bán bò sữa vì càng nuôi càng lỗ.

Biện pháp “giải cứu”

Ba Vì là vùng có tiềm năng sữa lớn của Thủ đô. Trong 5 năm qua, Công ty cổ phần Sữa quốc tế (IDP) đã đầu tư phát triển đàn bò sữa, thu mua sữa Ba Vì đưa vào các sản phẩm sữa của công ty và bán rộng rãi trên thị trường cả nước. Công ty có nhà máy chế biến các sản phẩm sữa, đã ký kết văn bản hợp tác toàn diện để đầu tư phát triển đàn bò sữa và xây dựng thương hiệu “Sữa bò Ba Vì”. Với nguồn nguyên liệu có chất lượng tốt nhất từ đàn bò sữa Ba Vì và công nghệ chế biến hiện đại, công ty đã đưa ra thị trường sản phẩm “Sữa tươi Ba Vì” nguyên chất, cao cấp... Ông Nguyễn Hữu Khải, Giám đốc Công ty cổ phần Sữa quốc tế IDP cho biết: Trong thời điểm này công ty vẫn thu mua sữa tươi của Ba Vì, chiếm tới 60% tổng sản lượng sữa của công ty/ngày. Mặc dù phải bù lỗ nhưng điều quan trọng trước mắt là phải cứu lấy đàn bò sữa ở Ba Vì với khoảng 2.300 con (chiếm 1/3 tổng số bò sữa của TP Hà Nội). Hiện tại, Công ty IDP đã cam kết với huyện Ba Vì sẽ thu mua toàn bộ sữa tươi của bà con với giá 8.200 đồng/kg. Ngược lại, bà con nuôi bò sữa cũng cần phải bảo đảm chất lượng sữa tươi cung cấp cho Công ty. Việc Công ty cổ phần Sữa quốc tế đứng ra cam kết thu mua sữa tươi cho hầu hết các hộ chăn nuôi là điều kiện thuận lợi để duy trì đàn bò sữa trong thời điểm khó khăn như hiện nay.

Để cứu lấy đàn bò sữa của TP Hà Nội nói chung và đàn bò sữa của huyện Ba Vì nói riêng, trước hết Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cần đẩy nhanh việc giám sát, kiểm tra các công ty sản xuất sữa trên địa bàn toàn thành phố; đồng thời sớm công bố danh sách các đơn vị sản xuất, kinh doanh sữa không bảo đảm chất lượng để người tiêu dùng yên tâm sử dụng sữa. Mặt khác, các công ty, nhà máy, doanh nghiệp thu mua, sản xuất sữa cần có những biện pháp hỗ trợ máy vắt sữa bảo đảm vô trùng và phổ biến các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi bò sữa cho các nông hộ. Đặc biệt là duy trì việc thu mua sữa tươi của người nuôi bò sữa với giá thỏa đáng để người nuôi có lãi. Không những thế, các doanh nghiệp cần phải công khai các mặt hàng sữa và nguồn gốc sữa. Ngành sữa trong nước phải đẩy mạnh hơn nữa việc giám sát chất lượng sữa nhập khẩu và nâng cao mức thuế. Có như vậy, người nuôi mới có thể duy trì và phát triển đàn bò sữa bền vững.