00:00 Số lượt truy cập: 3229997

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần tránh làm theo hình thức áp đặt 

Được đăng : 03/11/2016

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức sáng 13/8, tại Hà Nội.



 Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. (Ảnh: BT)


Báo cáo của Bộ NN&PTNT về tình hình thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp qua hai năm triển khai cho thấy, bước đầu ngành đã đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, trên lĩnh vực trồng trọt, đã tiến hành rà soát cơ cấu các loại cây trồng chủ lực và xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế của các vùng, miền, địa phương và nhu cầu thị trường. Trong 2 năm 2014 - 2015, các địa phương đã chuyển đổi hơn 300 ngàn ha gieo trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, các cây màu và cây làm thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả cao hơn. Song song với đó, các địa phương đã từng bước chuyển đổi cơ cấu giống cây, tập trung đối với giống lúa, ngô chất lượng cao.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: BT)

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã đánh giá cao những kết quả bước đầu trong quá trình thực hiện tái cơ cấu của ngành nông nghiệp, đặc biệt trong công tác nâng cao nhận thức của toàn xã hội, người nông dân, doanh nghiệp, lãnh đạo các cấp địa phương, nhà khoa học về tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ngành đã xây dựng được nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng sạch hơn, đảm bảo được việc truy xuất nguồn gốc. Công tác kết nối giữa nông dân, nhà khoa học và doanh nghiệp từng bước đạt hiệu quả hơn; việc áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất được quan tâm, chú trọng rõ nét. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai tái cơ cấu, ngành còn khá nhiều bất cập, đặc biệt là việc một số địa phương và doanh nghiệp vẫn còn thờ ơ với công tác triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gây nên tình trạng chậm trễ trong quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu.
Trên lĩnh vực chăn nuôi, Bộ NN&PTNT phối hợp với các địa phương chỉ đạo tập trung chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung theo trang trại, gia trại, duy trì chăn nuôi nông hộ nhưng theo hình thức công nghiệp và ứng dụng công nghệ cao. Số lượng trang trại chăn nuôi tăng từ 9.377 năm 2013 lên 9.897 năm 2014. Đồng thời, cả nước có khoảng 200 mô hình chăn nuôi áp dụng VietGAP được cấp chứng nhận. Quy trình trên sẽ được hướng dẫn và triển khai mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Trên lĩnh vực lâm nghiệp, ngành đã tập trung thực hiện các giải pháp bảo vệ và chăm sóc rừng; tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển từ rừng trồng thu hoạch gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn. Đến nay, tổng diện tích rừng trồng gỗ lớn của cả nước đạt 157.119ha, chiếm 4,4% diện tích rừng trồng cả nước; trong đó, diện tích chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn đạt 31 nghìn ha. Nhiều địa phương đã tích cực, chủ động triển khai công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp, đạt tỷ lệ 78% lô cây giống có kiểm soát và chứng nhận nguồn gốc.
Tuy nhiên, công tác triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên thực tế vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Cụ thể, kết quả tái cơ cấu chưa tạo được chuyển biến rõ rệt trong thực tiễn; tăng trưởng của ngành chưa vững chắc. Thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài (FDI) và các nguồn lực xã hội vào thực hiện tái cơ cấu còn hạn chế; tái cơ cấu đầu tư công mới được thực hiện đối với nguồn vốn ngân sách tập trung do Bộ NN&PTNT quản lý, chưa thể hiện rõ ở các địa phương và toàn ngành. Hiệu quả hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật của các tổ chức nhà nước chưa cao, trong khi sự tham gia của doanh nghiệp, sự liên kết giữa các tổ chức nhà nước và doanh nghiệp còn hạn chế. Thêm vào đó, thu nhập và đời sống của một bộ phận người dân, đặc biệt là vùng sâu vùng xa còn gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, tình trạng phá rừng trái pháp luật vẫn xảy ra.
Trước thực trạng trên, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, toàn ngành nông nghiệp và các địa phương cần đẩy mạnh các giải pháp thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Trong đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự quyết tâm cao trong toàn ngành. Các địa phương, đơn vị tổ chức nghiên cứu, quán triệt các chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ NN&PTNT về tái cơ cấu ngành. Các cơ quan truyền thông hỗ trợ thông tin về chủ trương tái cơ cấu của ngành nông nghiệp, cũng như những mô hình tái cơ cấu thành công, kinh nghiệm hay để các địa phương đơn vị học tập, rút kinh nghiệm, vận dụng.
Bên cạnh đó, cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất theo hướng chuyển cách tiếp cận từ đạt mục tiêu số lượng sang nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm đối với ngành trồng trọt, chăn nuôi. Ngành thủy sản tập trung cao hơn cho việc nuôi trồng các loại thủy sản là lợi thế, nâng cao hiệu quả khai thác. Đồng thời, tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật, nông dân nòng cốt phù hợp với các yêu cầu phát triển mới của các địa phương; gắn kết chặt chẽ việc xây dựng các mô hình khuyến nông với đào tạo kỹ thuật cho nông dân.
Bởi vậy, theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, để thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh triển khai thực hiện nhưng cần tránh làm theo hình thức áp đặt, hành chính hóa hoặc theo phong trào. Đồng thời cần quyết liệt triển khai tái cơ cấu khi thách thức của quá trình hội nhập đặt ra không nhỏ, các sản phẩm của ngành nông nghiệp đang bị cạnh tranh gay gắt ngay trên “sân nhà”. Bên cạnh đó, với các địa phương còn chưa phê duyệt đề án, ban hành kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần gấp rút hoàn thành nhiệm vụ này trong năm 2015.
Về liên kết với doanh nghiệp, theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, trên cơ sở các đề án, kế hoạch hành động, các địa phương cần tăng cường công tác xúc tiến, kêu gọi doanh nghiệp tham gia vào đề án của địa phương, giới thiệu về các sản phẩm có thể mạnh của địa phương; đồng thời khuyến khích doanh nghiệp liên kết hợp tác cùng với nông dân trên cơ sở thuê lại đất của nông dân. Song song với những công tác này, Bộ NN&PTNT cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thực hiện tái cơ cấu nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất nông nghiệp, làm sao để người nông dân hiểu được giá trị của sản phẩm cũng như trách nhiệm của bản thân đối với những sản phẩm tạo ra. Các địa phương cần đẩy mạnh công tác xử lý nghiêm các trường hợp đưa các sản phẩm kém chất lượng ra thị trường./.
Bùi Thủy