00:00 Số lượt truy cập: 2676540

Tâm sự của một cựu chiến binh chủ trang trại: Mong sự đồng bộ và rõ ràng 

Được đăng : 03/11/2016
Đến xã Tân Định (Tân Uyên - Bình Dương) hỏi trang trại Đoàn Minh Chiến ai cũng biết. Bởi chủ nhân của nó là đại tá, thương binh đã vượt qua bao khó khăn và cả nỗi đau của vết thương chiến tranh để xây dựng một trang trại tổng hợp giữa vùng đất hoang vụ bạt ngàn rừng le, cỏ dại lút đầu người.

Một góc hồ nuôi cá sấu của trang trại.

Vượt lên chính mình

Tuy vết thương vẫn hành hạ mỗi khi trái gió trở trời nhưng ông Chiến vẫn quần quật suốt ngày ở trang trại trồng cây ăn quả. Là người từng vào sinh ra tử ở chiến trường, trở về với đời thường nhưng không lúc nào ông ngơi tay. Đến nay, ông đã là chủ trang trại tổng hợp mang tên mình (Trang trại Đoàn Minh Chiến) với hơn 20ha cao su, 8ha xà cừ, 3ha rừng xen canh, 5ha bưởi, 10ha điều, 5ha măng, 2ha sầu riêng, chôm chôm... Không những thế, ông còn nuôi bò, heo (lợn) rừng, cá sấu, trùn (giun) quế... để tận dụng tối đa diện tích và phụ phẩm nông nghiệp. Mùa nào thức nấy, lúc nào trang trại của ông cũng có sản phẩm để bán. Doanh thu của trang trại Đoàn Minh Chiến đạt hàng tỷ đồng/năm. ông Chiến tâm sự: “Để trang trại làm ăn hiệu quả, sản phẩm có thể xuất khẩu, đủ sức cạnh tranh, các chủ trang trại cần sản xuất các loại giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, chú trọng áp dụng tiến bộ kỹ thuật. Ngoài ra, cũng nên học tập cách quản lý, điều hành trang trại của nước ngoài. Về phía Nhà nước, chúng tôi rất mong được hỗ trợ vay vốn, giao đất lâu dài, đồng thời có định hướng rõ ràng về nhu cầu thị trường”.

Tâm huyết với kinh tế trang trại

Tổng sản phẩm tiêu thụ của trang trại hiện lên tới hàng trăm tấn hoa quả/năm. Tuy nhiên, như hầu hết các trang trại, trang trại của ông Chiến cũng phải tiêu thụ tự do trên thị trường, thông qua các chợ đầu mối nông sản. “Chúng tôi có nghe thông tin về các chương trình hỗ trợ của UBND tỉnh đối với phát triển kinh tế trang trại, nhưng cho đến nay, các chủ trang trại vẫn chưa nhận được. Nếu được cấp giấy chứng nhận trang trại thì chúng tôi sẽ có cơ sở pháp lý trong việc thực hiện các hợp đồng mua bán nông sản và đăng ký thương hiệu, từ đó tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên thị trường”, ông Chiến chia sẻ.

Được biết, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 02/2009/QĐ-UBND về một số chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn từ tháng 1/2009, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai. Nguyên nhân là do việc lấy ý kiến tham khảo của các huyện, thị xã về mẫu chung giấy chứng nhận trang trại thực hiện quá chậm. Để có thể nhận được các chính sách hỗ trợ của quyết định trên, các trang trại phải có giấy chứng nhận và hội đủ 1 trong 2 tiêu chí: Giá trị sản lượng hàng hóa và dịch vụ bình quân 1 năm đạt từ 50 triệu đồng trở lên; quy mô sản xuất phải tương ứng với từng ngành sản xuất. Như vậy, các trang trại sẽ phải chờ một thời gian mới có thể nhận được giấy chứng nhận trang trại, trong khi họ rất cần sự trợ giúp để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Có thể nói, ông Đoàn Minh Chiến là một trong những điển hình về phát triển kinh tế trang trại tại Bình Dương. Ngoài việc làm giàu cho bản thân, hằng năm ông còn trích một khoản tiền đóng góp cho các hoạt động xã hội như: xây cầu, làm đường, giúp bà con nông dân trong vùng.