00:00 Số lượt truy cập: 3230610

Tăng cường đầu tư khai thác tiềm năng kinh tế biển 

Được đăng : 03/11/2016
Với 75% dân số sinh sống bằng nghề khai thác, chế biến thủy-hải sản, kinh tế biển đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của xã Quảng Tiến (thị xã Sầm Sơn - Thanh Hóa). Nhờ khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, cuộc sống của người dân đã có sự chuyển biến rõ rệt, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới

 

Một góc Cảng cá Hải Tiến.

Kinh tế biển là mũi nhọn

Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, ông Phạm Gia Long, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Quảng Tiến là xã có tiềm năng, lợi thế về nghề biển và là đầu mối thu mua, phân phối hải sản của cả vùng nên nhiều năm qua, xã luôn khuyến khích ngư dân đầu tư phương tiện để khai thác, đánh bắt. Bên cạnh đó, xã tập trung đẩy mạnh phát triển đồng bộ các loại hình kinh tế như: tiểu thủ công nghiệp (TTCN), dịch vụ thương mại... để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế. Năm 2008, các chỉ tiêu kinh tế đều đạt kế hoạch đề ra với tổng thu nhập 180 tỷ đồng, bình quân thu nhập đạt 10 triệu đồng/người”.

Với 75% dân số sinh sống bằng nghề khai thác, chế biến thủy-hải sản, kinh tế biển đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của xã Quảng Tiến (thị xã Sầm Sơn - Thanh Hóa). Nhờ khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, cuộc sống của người dân đã có sự chuyển biến rõ rệt, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới
Cũng nhờ có sự đầu tư đồng bộ của ngư dân, đến nay, toàn xã đã có 251 chiếc tàu khai thác hải sản (chủ yếu là các phương tiện công suất lớn, đủ sức ra khơi dài ngày), với tổng công suất 36.000 CV, vốn đầu tư cho phương tiện và trang thiết bị lên đến 125 tỷ đồng. Tổng số lao động trực tiếp tham gia khai thác, đánh bắt hải sản là 3.096 người, lao động dịch vụ cho nghề khai thác 1.500 người, sản lượng khai thác đạt trên 8.500 tấn với giá trị hơn 86 tỷ đồng/năm, chiếm 47% tổng thu nhập toàn xã.

Tận dụng thế mạnh từ tự nhiên, những năm qua, ngư dân Quảng Tiến luôn bám biển, tìm tòi học hỏi cách khai thác và chế biến. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước về giá xăng dầu đã tạo động lực mạnh mẽ để ngư dân vươn khơi. Nhiều ngư dân mạnh dạn cải tiến ngư cụ để nâng cao hiệu quả đánh bắt như: cải tiến nghề lưới vây mới, từ chỗ vây ngắn, ít lưới nay ngư dân bổ sung thêm lưới và chì, lắp máy kéo lưới nhanh, từ đó giảm thiểu lực lượng lao động. Ngoài ra, ngư dân cũng chuyển đổi nghề từ những vàng vây kém hiệu quả sang nghề lưới ba mề, đạt hiệu quả cao, chi phí sản xuất thấp. Từ việc chuyển đổi hiệu quả nên xã đã cải tiến được 128 vàng vây rút chì theo kiểu hiện đại. Phát triển thêm nghề lưới rê hỗn hợp được 6 tàu... Nhờ đó, sản phẩm khai thác thủy sản trong năm luôn được các tàu dịch vụ thu mua với giá đảm bảo, từ đó giảm chi phí sản xuất, tăng thời gian bám biển của ngư dân. Ngoài ra, các chủ cơ sở kinh doanh thủy sản còn thu hút được nhiều lao động, giải quyết việc làm, nâng cao giá trị sản phẩm của địa phương.

Thời gian qua, Quảng Tiến đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án âu tránh, trú bão cho tàu thuyền với diện tích 40ha mặt nước, kinh phí đầu tư gần 100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thị xã Sầm Sơn còn quy hoạch khu dân cư dịch vụ nghề cá, khu cụm công nghiệp, làng nghề đảm bảo an toàn cho gần 500 con tàu của thị xã khi mùa mưa bão tới. Đây còn là địa điểm phát triển du lịch sinh thái tiềm năng, là nơi giới thiệu sản phẩm và thương hiệu cho việc xuất nhập khẩu thủy sản “Cảng Hới - Sầm Sơn”.

Cùng với kinh tế biển, các ngành nghề dịch vụ thương mại cũng phát triển với tổng giá trị sản xuất đạt 65 tỷ đồng. Đến nay, xã có 45 chiếc tàu thu mua dịch vụ hậu cần nghề cá, 18 xe đông lạnh, 25 xe ô tô vận chuyển đường bộ, 5 cơ sở kho cấp đông với công suất 2.000 tấn, đảm bảo nâng số lượng cá nhập tại cảng lên gần 12.500 tấn/năm. Sản xuất công nghiệp, TTCN luôn ổn định với giá trị đạt 28,8 tỷ đồng; trên địa bàn xã hiện có 20 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực. Điển hình như doanh nghiệp Duy Hải, chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ thu hút nhiều lao động của xã. Trong quý I /2009 đã phát triển thêm 3 doanh nghiệp vận tải biển có trọng tải hơn 7.000 tấn, vốn đầu tư gần 70 tỷ đồng.

Nhờ biết khai thác tiềm năng cũng như mạnh dạn phát triển ngành nghề mới, diện mạo của xã Quảng Tiến ngày một khởi sắc. Về thăm xã, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước hệ thống điện, đường, trường trạm ngày một hoàn thiện, tạo thuận lợi cho nhân dân trong phát triển sản xuất, giao thương nâng cao chất lượng sống.

Quan tâm xây dựng cuộc sống mới

Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, xã cũng rất quan tâm đến lĩnh vực văn hóa. Năm 2008, Quảng Tiến có 8/11 thôn và 2/4 trường học được công nhận Đơn vị văn hóa, 75% gia đình được công nhận là Gia đình văn hóa. Đặc biệt, xã đã xây dựng được mô hình: “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, đẩy mạnh chương trình khuyến học, khuyến tài gây quỹ ủng hộ giúp đỡ những gia đình khó khăn; thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; đẩy mạnh phong trào tương thân tương ái giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn như quyên góp ủng hộ tàu cá bị nạn và những gia đình gặp khó khăn... với số tiền gần 11 triệu đồng. Thực hiện tốt phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân, việc cưới, việc tang được thực hiện theo nếp sống mới, tiết kiệm, tránh lãnh phí.

Đến Quảng Tiến, bạn sẽ được chứng kiến phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục - thể thao phát triển mạnh mẽ, tạo nên không khí vui tươi lành mạnh. Các đội văn nghệ và câu lạc bộ của các đoàn thể sinh hoạt đều đặn hàng tháng, hàng quý. Sự nghiệp giáo dục ở Quảng Tiến luôn được đặt lên hàng đầu và đầu tư đúng hướng, chất lượng dạy và học không ngừng được nâng lên. Năm 2008, xã có 48 em thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng. Trường THCS và tiểu học đã được công nhận trường chuẩn Quốc gia. Công tác y tế chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân luôn được chỉ đạo sát sao, đặc biệt là công tác khám chữa bệnh, tiêm phòng, cấp phát thuốc, tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình, góp phần hạ tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống còn 1,05%. Không chỉ vậy, lãnh đạo xã còn đặc biệt quan tâm tới người có công, người tàn tật.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nên bộ mặt kinh tế - xã hội của Quảng Tiến có sự thay đổi rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 10,2%. Thành quả đó là nỗ lực không nhỏ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã khi mạnh dạn tìm hướng đi mới.

Chia sẻ với chúng tôi về dự định trong thời gian tới, ông Long cho biết, phát huy thành quả đã đạt được, trong năm 2009, xã phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10%, giá trị tổng sản phẩm GDP 198 tỷ đồng; thu nhập bình quân 11 triệu đồng/người; sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy hải sản đạt 9.000 tấn. Tiếp tục khai thác tiềm năng du lịch sinh thái để nâng cao thu nhập cho nhân dân. Với hướng đi đúng đắn và dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo xã, tin rằng, Quảng Tiến sẽ vững vàng trên chặng đường mới